9. Đăng ký dự thi trung học phổ thông quốc gia

Posted on

Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia là một sự kiện quan trọng diễn ra hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và là một cột mốc lớn của các bạn học sinh. Sau đây, Dữ Liệu Pháp lý sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến thủ tục đăng ký dự thi trung học phổ thông quốc gia theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT.

1. Mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia.

Tại Điều 2 Quy chế thi tốt nghiệp phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT quy định:

– Thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích: Đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT (gọi chung là chương trình THPT); lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

– Kỳ thi tốt nghiệp THPT (gọi tắt là kỳ thi) phải bảo đảm yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng.

2. Bài thi, ngày thi, lịch thi, nội dung thi, hình thức thi và thời gian làm bài thi/môn thi.

Căn cứ theo quy đinh tại Điều 3 và Điều 4 Quy chế thi tốt nghiệp phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT thì:

Tổ chức thi 05 bài thi, gồm: 03 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 01 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (viết tắt là KHTN) gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; 01 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (viết tắt là KHXH) gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT.

Ngày thi, lịch thi: Được quy định trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GDĐT.

Nội dung thi: Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Hình thức thi: Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan (gọi chung là bài thi trắc nghiệm); bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận (gọi chung là bài thi tự luận).

Thời gian làm bài thi/môn thi: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp KHTN và KHXH.

3. Đối tượng, điều kiện dự thi.

Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Quy chế thi tốt nghiệp phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT về đối tượng và điều kiện dự thi thì:

Đối tượng dự thi gồm:

+ Người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi;

+ Người đã học xong chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước;

+ Người đã có Bằng tốt nghiệp THPT, người đã có Bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh;

+ Một số trường hợp đặc biệt khác do Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định.

Điều kiện dự thi:

+ Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém; riêng đối với người học thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn thuộc chương trình GDTX thì không yêu cầu xếp loại hạnh kiểm;

+ Đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải có Bằng tốt nghiệp THCS và phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém; trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học đối với một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0 (năm) điểm (tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc trường phổ thông nơi đăng ký dự thi), bảo đảm khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện về học lực theo quy định;

+ Đối tượng đã tốt nghiệp trung cấp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này phải bảo đảm học và thi đạt yêu cầu đủ số lượng các môn văn hóa THPT theo quy định của Luật giáo dục và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ GDĐT;

+ Các đối tượng dự thi phải đăng ký dự thi và nộp đầy đủ các giấy tờ đúng thời hạn.

Đăng ký bài thi:

+ Để xét công nhận tốt nghiệp THPT: thí sinh giáo dục THPT thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này phải dự thi 04 bài thi, gồm 03 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 01 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn; thí sinh GDTX thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này phải dự thi 03 bài thi, gồm 02 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 01 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn, có thể đăng ký dự thi thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh;

+ Thí sinh thuộc đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được đăng ký dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng.

4. Đăng ký dự thi.

Tại Điều 13 Quy chế thi tốt nghiệp phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT có quy định về việc đăng ký dự thi như sau:

a) Nơi đăng ký dự thi.

– Đối tượng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Quy chế này đăng ký dự thi tại trường phổ thông nơi học lớp 12;

– Đối tượng theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 12 Quy chế này đăng ký dự thi tại địa điểm (gọi là nơi đăng ký dự thi) do sở GDĐT quy định. Thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 60 Quy chế này.

b) Thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi.

Thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi được quy định trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GDĐT. Khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc thông báo cho Trưởng Điểm thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.

c) Tổ chức đăng ký dự thi.

– Thí sinh đăng ký dự thi theo các quy định và hướng dẫn của Bộ GDĐT;

– Thí sinh hoàn thiện và nộp hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp THPT tại trường phổ thông hoặc nơi đăng ký dự thi theo quy định trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GDĐT;

Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi chịu trách nhiệm hướng dẫn thí sinh đăng ký dự thi, thu Phiếu đăng ký dự thi, nhập thông tin thí sinh đăng ký dự thi, nhập thông tin về kết quả học tập các môn học lớp 12 của thí sinh học lớp 12 năm tổ chức kỳ thi; tổ chức xét duyệt hồ sơ đăng ký dự thi và thông báo công khai những trường hợp không đủ điều kiện dự thi quy định tại khoản 2 Điều 12 Quy chế này chậm nhất trước ngày thi 15 ngày; quản lý hồ sơ đăng ký dự thi và chuyển hồ sơ, dữ liệu đăng ký dự thi cho sở GDĐT;

Sở GDĐT quản trị dữ liệu đăng ký dự thi của thí sinh và gửi dữ liệu về Bộ GDĐT;

Bộ GDĐT quản trị dữ liệu đăng ký dự thi toàn quốc.

Kết luận: Khi tiến hành thực hiện thủ tục đăng ký dự thi trung học phổ thông quốc gia cần tuân thủ theo quy định tại Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đăng ký dự thi trung học phổ thông quốc gia