132. Chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Posted on

Các cơ sở giáo dục mầm non bán công chuyển sang cơ sở giáo dục mầm non công lập phải theo trình tự luật định. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dụng đó theo Luật giáo dục 2019, Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT như sau:
1. Khái niệm
Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi. (khoản 1 Điều 23 Luật Giáo dục 2019)
Cơ sở giáo dục là tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm nhà trường và cơ sở giáo dục khác. (khoản 12 Điều 5 Luật Giáo dục 2019)
Theo Điều 26 Luật Giáo dục 2019 cơ sở giáo dục mầm non bao gồm:
– Nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập nhận trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 03 tuổi;
– Trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập nhận trẻ em từ 03 tuổi đến 06 tuổi;
– Trường mầm non, lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi.
Cơ sở giáo dục bán công: do Nhà nước thành lập trên cơ sở huy động các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế cùng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. (mục b Điều 13, Chương III Nghị định 43/2000/NĐ-CP).
2. Mục đích chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non công lập
Căn cứ vào khoản 1 Điều 2 Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT, mục đích chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non công lập để:
– Đảm bảo đủ các trường công lập đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục đối với mẫu giáo 5 tuổi, tiểu học, trung học cơ sở; các trường dân lập, tư thục (đối với mầm non), các trường tư thục (đối với tiểu học, trung học cơ sở) được mở để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người học và tranh thủ sự đầu tư của xã hội cho giáo dục;
– Trên cơ sở qui hoạch phát triển giáo dục trung học phổ thông (số lượng người học, mạng lưới trường, lớp…) của địa phương, đảm bảo đủ các trường trung học phổ thông (công lập, tư thục) đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người học, yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội và nhân lực của địa phương.
3. Nguyên tắc chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non công lập
Căn cứ theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT, việc chuyển đổi phải:
– Thực hiện đúng quy định hiện hành của Nhà nước; điều lệ, quy chế về tổ chức và hoạt động của các loại hình nhà trường mỗi cấp học.
– Đảm bảo các hoạt động giáo dục của nhà trường ổn định và phát triển, cơ sở vật chất được Nhà nước bảo trợ theo quy định của pháp luật; không gây gián đoạn quá trình học tập của người học; tạo điều kiện tốt hơn cho người học ở các vùng miền, phù hợp với thu nhập của các tầng lớp nhân dân; các đối tượng chính sách xã hội, người học vùng đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ học tập; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và chế độ, chính sách đối với người dạy, người học và những người đã có đóng góp thực sự trong quá trình hình thành và phát triển nhà trường theo các quy định hiện hành của Nhà nước
– Các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi để không còn loại hình trường bán công ở giáo dục mầm non; trường bán công, dân lập ở giáo dục phổ thông;
– Căn cứ vào quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp và điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân cấp tỉnh) xây dựng lộ trình, kế hoạch và xem xét, quyết định việc chuyển đổi loại hình trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
4. Nội dung chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non công lập
Nội dung chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non công lập được quy định tại Điều 6 Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT:
– Xây dựng đề án chuyển đổi loại hình trường: Trên cơ sở quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Hiệu trưởng trường bán công xây dựng đề án chuyển đổi. Đề án chuyển đổi phải làm rõ những nội dung có liên quan đã được quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT quy định này.
– Về tổ chức: trường bán công khi được chuyển sang trường công lập hoạt động theo Điều lệ trường công lập cùng cấp học; đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 và các quy định hiện hành của Nhà nước; phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương.
– Về nhân sự
+ Đối với người lao động trong biên chế nhà nước (nếu có) được giữ nguyên biên chế và được hưởng mọi quyền lợi, chế độ, chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước;
+ Đối với người lao động ngoài biên chế nhà nước, giải quyết theo các hướng sau:
o Tuyển dụng vào biên chế theo quy định hiện hành của Nhà nước;
o Ký hợp đồng lao động theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động; người lao động được hưởng chế độ, chính sách theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
– Đối với người học: được hưởng các quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của điều lệ trường công lập cùng cấp học.
– Về tài sản, tài chính 
Sau khi tiến hành kiểm kê, xác định thực tế giá trị tài sản, tài chính theo nguồn gốc hình thành thì đối với bộ phận tài sản, tiền vốn được hình thành từ nguồn vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước của các tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động của trường bán công khi chuyển sang trường công lập được xử lý như sau: Trường hợp tổ chức, cá nhân góp vốn muốn nhận lại tài sản, tiền vốn thì tài sản, tiền vốn được trả lại cho tổ chức, cá nhân đó; Trường hợp trường công lập có nhu cầu tiếp nhận và sử dụng thì tiến hành thẩm định giá thông qua Hội đồng thẩm định giá để xác định giá làm cơ sở thanh toán cho tổ chức, cá nhân góp vốn; Trường hợp trường công lập không có nhu cầu sử dụng tài sản và tổ chức, cá nhân góp vốn không muốn nhận thì tài sản sẽ được bán thanh lý để trả lại cho tổ chức, cá nhân góp vốn
5. Trình tự thực hiện
Căn cứ Điều 7 Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT quy định:
– Xác định loại hình các trường hiện có
– Xây dựng đề án chuyển đổi loại hình trường
– Kiểm kê, phân loại và định giá tài sản
– Thực hiện việc kiểm toán báo cáo tài chính
Lưu ý:
Theo khoản 2 Điều 7 Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT xây dựng đề án chuyển đổi loại hình trường, gồm các nội dung chủ yếu sau:
– Xác định loại hình trường cần chuyển đổi;
– Thời điểm chuyển đổi;
– Nội dung chuyển đổi;
Đối với trường bán công chuyển sang trường tư thục, dân lập, nội dung chuyển đổi cần làm rõ:
+ Chủ đầu tư; chứng minh khả năng tài chính của chủ đầu tư;
+ Xây dựng các phương án giải quyết đối với người học, đối với người lao động trong biên chế và ngoài biên chế nhà nước; phương án chuyển đổi tài sản, tài chính;
+ Trong quá trình chuyển đổi, ngoài việc thực hiện chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước, căn cứ vào khả năng ngân sách, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chính sách cụ thể để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ, chế độ, chính sách đối với người học, người lao động trong biên chế và ngoài biên chế nhà nước đang học tập, công tác ở trường bán công, dân lập nay chuyển sang học tập và công tác tại trường tư thục; ở trường mầm non bán công chuyển sang trường mầm non dân lập.
Hiệu trưởng phải có trách nhiệm lập hồ sơ chuyển đổi.
6. Thời hạn giải quyết
Căn cứ theo khoản 1 Điều 9 Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT quy định: “ Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ chuyển đổi của các trường, sở giáo dục và đào tạo và phòng giáo dục và đào tạo chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định chuyển đổi loại hình trường”
Lưu ý:
Theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT quy định “ Trường hợp chuyển trường mầm non, phổ thông bán công sang trường mầm non, phổ thông công lập (đối với địa phương chưa có hoặc chưa có đủ trường công lập đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục mẫu giáo 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở), sở giáo dục và đào tạo tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.”
Danh sách các xã ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được xác định theo các quy đình tại các văn bản sau: 
– Ở vùng bãi ngang ven biển và hải đảo: Quyết định số 106/2004/QĐ-TTg
Ở các xã đặc biệt khó khăn hoàn thành cơ bản mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa (Chương trình số 135 giai đoạn 1999-2005): Quyết định số 163/2006/QĐ-TTg
– Ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (Chương trình 135 giai đoạn II): Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg
– Ở các xã hoàn thành mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa giai đoạn 1999-2005, bổ sung các xã, thôn bản vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II và xã bãi ngang ven biển và hải đảo vào diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010: Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg

7. Xử phạt hành chính
Căn cứ điểm a Khoản 4 Điều 6 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục mầm non khi chưa được phép hoạt động.

Kết luận: Khi chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non công lập thì hiệu trưởng phải có trách nhiệm lập hồ sơ theo trình tự yêu cầu của Điều 6 Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT quy định. Trong thời hạn quy định thì cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết và quyết định cho cơ sở giáo dục mầm non bán công chuyển sang cơ sở mầm non công lập
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn xem tại đây:
Chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non công lập