5. Thẩm định thiết kế tàu biển

Posted on

Tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác đăng kiểm tàu biển Việt Nam cần phải thực hiện thủ tục Thẩm định thiết kế tàu biển. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo quy định của Bộ Luật hàng hải 2015, Thông tư 199/2016/TT-BTC, Thông Tư 234/2016/TT-BTC, Thông tư số 40/2016/TT-BGTVT như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản

Tàu biển là phương tiện nổi di động chuyên dùng hoạt động trên biển. Tàu biển quy định trong Bộ luật này không bao gồm tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, tàu ngầm, tàu lặn, thủy phi cơ, kho chứa nổi, giàn di động, ụ nổi (Điều 13 Bộ Luật hàng hải 2015).

Thiết kế tàu biển là hồ sơ kỹ thuật được thiết lập theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nhằm phục vụ cho đóng mới, hoán cải, sửa chữa và khai thác tàu biển (Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 40/2016/TT-BGTVT).

Thẩm định thiết kế tàu biển là việc kiểm tra, soát xét thiết kế tàu biển để đưa ra kết luận về việc tuân thủ của thiết kế tàu biển với yêu cầu của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển, đo dung tích tàu biển, trang bị an toàn tàu biển, thiết bị nâng dùng trên tàu biển, các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm của tàu biển và các điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Khoản 7 Điều 3 Thông tư số 40/2016/TT-BGTVT).

2. Thẩm định thiết kế tàu biển

Thiết kế tàu biển phải thỏa mãn quy định của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển, đo dung tích tàu biển, trang bị an toàn tàu biển, thiết bị nâng dùng trên tàu biển, các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm của tàu biển. Ngoài ra, tàu biển hoạt động tuyến quốc tế còn phải thỏa mãn các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên áp dụng cho tàu biển về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường (Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 40/2016/TT-BGTVT).

3. Trình tự, thủ tục thực hiện:

3.1 Thành phần hồ sơ:

Hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế tàu biển bao gồm (Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 40/2016/TT-BGTVT):

– 01 (một) giấy đề nghị theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

– 03 (ba) bộ thiết kế.

3.2  Trình tự thực hiện:

Căn cứ quy định tại Khoản 3, 4, 5, 6 Điều 9 Thông tư số 40/2016/TT-BGTVT, trình tự thực hiện đề nghị thẩm định thiết kế tàu biển như sau:

Tổ chức, cá nhân hoàn thiện 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định.

Hình thức nộp: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện ngay trong ngày làm việc (nếu nộp hồ sơ trực tiếp); hoặc hướng dẫn hoàn thiện trong 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính và hình thức phù hợp khác; nếu hồ sơ đầy đủ thì hẹn thời gian trả kết quả.

Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày, kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hoặc theo thỏa thuận nếu thiết kế tàu biển mới hoặc phức tạp nhưng không quá 60 (sáu mươi) ngày, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành thẩm định thiết kế, nếu không đạt yêu cầu thìtrả lời tổ chức, cá nhân; nếu đạt yêu cầu thì cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế tàu biển và đóng dấu thẩm định vào tài liệu thiết kế.

Tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm định thiết kế tàu biển nhận kết quả trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác.

Kết luận: Khi thẩm định thiết kế tàu biển được thực hiện đầy đủ theo quy định của Bộ Luật hàng hải 2015, Thông tư 199/2016/TT-BTC, Thông Tư 234/2016/TT-BTC, Thông tư số 40/2016/TT-BGTVT.

Trình tự và hồ sơ thực hiện xem chi tiết tại đây:

Thẩm định thiết kế tàu biển