19. Phê duyệt Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải phần II và cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải
Để bảo đảm cho các tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hoạt động bình thường phù hợp với yêu cầu của Công ước MLC 2006, chủ tàu có quyền đề nghị phê duyệt Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải phần II và cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải. Sau đây, Dữ Liệu Pháp lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Công ước Lao động hàng hải 2006, Thông tư 43/2015/TT-BGTVT, Thông tư 24/2017/TT-BGTVT như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Theo quy định tại Điều 2 và Đề mục 5 của Công ước lao động hàng hải 2006:
– Thuyền viên là bất kỳ người nào được tuyển dụng hoặc thuê hoặc làm việc theo bất kỳ khả năng nào trên một tàu áp dụng Công ước này.
– Tàu là một tàu khác với tàu chỉ hoạt động trong vùng nước nội thủy hoặc vùng nước trong khu vực, hoặc liền kề với vùng nước kín hoặc các khu vực chỉ áp dụng các quy định của cảng.
– Chủ tàu là người sở hữu tàu hoặc tổ chức hay cá nhân khác, như nhà quản lý, đại lý hoặc người thuê tàu trần, chịu trách nhiệm về hoạt động của tàu trước chủ sở hữu và, chấp nhận đảm nhận các nhiệm vụ và nghĩa vụ của chủ tàu phù hợp với Công ước này, bất kể có hay không các cá nhân hoặc tổ chức nào khác thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ hoặc trách nhiệm thay mặt chủ tàu.
– Mỗi Quốc gia thành viên phải yêu cầu tàu mang cờ của mình luôn có trên tàu một Giấy chứng nhận lao động hàng hải chứng nhận rằng các điều kiện sống và làm việc của thuyền viên, các biện pháp đang áp dụng phải được nêu trong bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải, đã được kiểm tra và thỏa mãn các yêu cầu của các văn bản pháp luật hoặc các quy định quốc gia hoặc các biện pháp khác để thi hành Công ước này.
– Mỗi Quốc gia thành viên phải yêu cầu tàu mang cờ của mình luôn có trên tàu một bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải nêu rõ các yêu cầu quốc gia trong việc thi hành Công ước này đối với các điều kiện sống và làm việc của thuyền viên và đưa ra các biện pháp đã được chủ tàu chấp nhận để đảm bảo phù hợp với các yêu cầu trên tàu hoặc các tàu liên quan.
– Bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải kèm theo giấy chứng nhận lao động hàng hải gồm hai phần:
+ Phần I được cơ quan có thẩm quyền lập: xác định danh mục các hạng mục kiểm tra; xác định các yêu cầu quốc gia; chỉ ra các yêu cầu cụ thể đối với loại tàu theo phạm vi pháp luật quốc gia; ghi mọi điều khoản tương đương được thông qua theoquy định; và cho biết rõ bất kỳ miễn giảm nào được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định.
+ Phần II được chủ tàu lập và xác định các biện pháp đã thông qua bảo đảm luôn phù hợp với các yêu cầu quốc gia giữa các đợt kiểm tra và các biện pháp đề xuất đảm bảo luôn cải thiện.
Cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được công nhận được ủy quyền chứng nhận Phần II và cấp bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải.
2. Điều kiện đối với Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải phần II và cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải
Theo Hướng dẫn B5.1.3 tại Đề mục 5 của Công ước Lao động hàng hải 2006, giấy chứng nhận lao động hàng hải và bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải phần II phải đảm bảo tuân thủ các quy định sau:
– Các biện pháp nêu tại Phần II của bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải, do chủ tàu lập, cụ thể, phải chỉ ra các trường hợp bất thường mà trong đó sự luôn phù hợp với các yêu cầu quốc gia cụ thể phải được kiểm tra, những người có trách nhiệm kiểm tra xác nhận, biên bản phải được lập, cũng như các quy trình phải tuân theo sau khi có sự không phù hợp được nêu ra. Phần II có thể lập theo một số mẫu, có thể tham các tài liệu toàn diện hơn về các chính sách và quy trình liên quan đến các lĩnh vực khác của ngành hàng hải, ví dụ các tài liệu yêu cầu của Bộ luật quản lý an toàn quốc tế (ISM) hoặc thông tin yêu cầu tại Quy định 5, Chương XI-1 Công ước SOLAS liên quan đến Bản ghi lý lịch liên tục của tàu (CSR).
– Các biện pháp để đảm bảo luôn phù hợp phải bao gồm các yêu cầu quốc tế chung đối với chủ tàu và thuyền trưởng tự cập nhật thông tin về tiến bộ mới nhất của công nghệ và các phát hiện khoa học liên quan đến thiết kế vị trí làm việc, tính đến các nguy cơ cố hữu đối với công việc của thuyền viên, và thông báo cho các đại diện của thuyền viên phù hợp, bằng cách bảo đảm mức bảo vệ các điều kiện làm việc và sống của thuyền viên tốt hơn trên tàu.
– Bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải, trên tất cả, được soạn thảo bằng các thuật ngữ rõ ràng hỗ trợ những người liên quan, như các thanh tra viên của quốc gia có tàu mang cờ, các viên chức được ủy quyền của quốc gia có cảng và các thuyền viên, kiểm tra các yêu cầu đã được thực hiện đầy đủ.
3. Điều kiện phê duyệt Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải phần II và cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải
Theo khoản 1, 2 Điều 4 Thông tư 43/2015/TT-BGTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải phần II và cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải cho tàu biển Việt Nam có tổng dung tích từ 500 GT trở lên hoạt động tuyến quốc tế.
Theo quy định 5.1.3 tại Đề mục 5 của Công ước Lao động hàng hải 2006, giấy chứng nhận lao động hàng hải và bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải áp dụng đối với các tàu có:
– Tổng dung tích từ 500 trở lên, chạy tuyến quốc tế; và
– Tổng dung tích từ 500 trở lên, mang cờ của một Quốc gia thành viên và đang hoạt động trong một cảng, hoặc giữa các cảng, thuộc lãnh thổ quốc gia khác
Lưu ý:
– Trong quy định này, “chạy tuyến quốc tế” là một chuyến đi từ một nước tới một cảng ngoài nước đó.
– Để phê duyệt Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải phần II và cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải cho tàu biển Việt Nam Cục Đăng kiểm Việt Nam cần đánh giá tàu có đáp ứng các quy định của Công ước MLC 2006.
Trường hợp chủ tàu biển Việt Nam có tổng dung tích nhỏ hơn 500 GT hoạt động tuyến quốc tế có nguyện vọng được cấp Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải và Giấy chứng nhận Lao động hàng hải thì thực hiện như đối với tàu biển Việt Nam có tổng dung tích từ 500 GT trở lên hoạt động tuyến quốc tế.
4. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận lao động hàng hải:
Theo khoản 4 Điều 4 Thông tư 43/2015/TT-BGTVT, thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận Lao động hàng hải là 05 (năm) năm với điều kiện tàu phải được kiểm tra trung gian một lần trong khoảng thời gian từ ngày đến hạn hàng năm lần thứ hai đến ngày đến hạn hàng năm lần thứ ba kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải để bảo đảm tàu vẫn đáp ứng yêu cầu của Công ước MLC 2006.
Lưu ý:
Ngày đến hạn là ngày và tháng của từng năm tương ứng với ngày hết hạn của giấy chứng nhận lao động hàng hải. Phạm vi và mức độ của kiểm tra trung gian bằng kiểm tra cấp mới của giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận phải được xác nhận sau khi kiểm tra trung gian thỏa mãn (Tiêu chuẩn A5.1.3 tại Đề mục 5 của Công ước Lao động hàng hải 2006).
5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có tàu biển được phê duyệt Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải, cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải:
Theo khoản 1 Điều 10 Thông tư 43/2015/TT-BGTVT, tổ chức, cá nhân có tàu biển được phê duyệt Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải, cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải phải:
– Xuất trình Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải và Giấy chứng nhận Lao động hàng hải cho cảng vụ hàng hải, các cơ quan có liên quan tại cảng biển khi làm thủ tục cho tàu ra, vào cảng;
– Thực hiện đúng theo nội dung trong Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải, Giấy chứng nhận Lao động hàng hải và các quy định của Công ước MLC 2006.
6. Một số lưu ý
– Giấy chứng nhận lao động hàng hải và bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải phải theo mẫu quy định của Công ước.
– Giấy chứng nhận lao động hàng hải được cấp cho tàu bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc một tổ chức được công nhận được ủy quyền, có thời hạn không quá năm năm.
– Một giấy chứng nhận lao động hàng hải có hiệu lực và bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải, kèm theo một bản dịch tiếng Anh nếu không sử dụng tiếng Anh, phải có trên tàu và một bản sao dán tại một vị trí dễ thấy trên tàu. Một bản sao phù hợp với các văn bản pháp luật và quy định quốc gia, phải sẵn sàng theo yêu cầu, cho thuyền viên, các thanh tra viên của Quốc gia tàu mang cờ, các nhân viên được ủy quyền của Chính quyền cảng và các đại diện của chủ tàu và thuyền viên (Tiêu chuẩn A5.1.3 tại Đề mục 5 của Công ước Lao động hàng hải 2006).
Kết luận: Để được Phê duyệt Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải phần II và cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải cần đáp ứng yêu cầu quy định tại quy định 5.1.3 Công ước lao động hàng hải 2006, Thông tư 43/2015/TT-BGTVT. Đồng thời tổ chức, cá nhân phải thực hiện quy định về phí, lệ phí trong quá trình thực hiện cấp Giấy chứng nhận.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Phê duyệt Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải phần II và cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải