21. Cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ sĩ quan an ninh tàu, cán bộ an ninh công ty

Posted on

Những người có thể được phân công thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm của một Sĩ quan an ninh tàu biển để được cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ sĩ quan an ninh tàu, cán bộ an ninh công ty cần theo học khóa đào tạo và đáp ứng những điều kiện luật định. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Bộ luật ISPS, Thông tư 27/2011/TT-BGTVT, Thông tư 23/2017/TT-BGTVT, Thông báo 135/TB-BGTVT như sau:

1. Yêu cầu đối với sĩ quan an ninh tàu, cán bộ an ninh công ty

Sỹ quan An ninh Tàu là một người trên tàu, chịu trách nhiệm trước thuyền trưởng, được Công ty chỉ định, có trách nhiệm đối với an ninh của tàu, bao gồm cả việc thực thi và duy trì Kế hoạch An ninh Tàu và giữ liên lạc với Nhân viên An ninh Công ty và các Nhân viên An ninh Bến cảng (Bộ luật ISPS)

Sỹ quan An ninh Tàu phải được bổ nhiệm cho mỗi tàu, đồng thời nhiệm vụ và trách nhiệm của một Sỹ quan An ninh Tàu gồm ít nhất những nội dung sau:  (Bộ luật ISPS)

– Duy trì và giám sát việc triển khai Kế hoạch An ninh Tàu, kể cả việc bổ sung sửa đổi kế hoạch;

– Phối hợp các khía cạnh an ninh trong hoạt động làm hàng, các đồ dự trữ của tàu với những người trên – tàu và với những nhân viên an ninh phù hợp của bến cảng;

– Đề xuất những bổ sung sửa đổi cho Kế hoạch An ninh Tàu;

– Báo cáo cho Nhân viên An ninh Công ty về bất kỳ khiếm khuyết và sự không phù hợp nào được phát hiện trong các lần đánh giá nội bộ, soát xét định kỳ, các đợt kiểm tra và thẩm tra an ninh về tính phù hợp, và thực hiện các hành động khắc phục;

– Nâng cao ý thức và cảnh giác an ninh;

– Đảm bảo việc đào tạo đầy đủ cho những người trên tàu, nếu phù hợp;

– Báo cáo tất cả các sự cố an ninh;

– Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch an ninh tàu với Nhân viên An ninh Công ty và nhân viên an ninh phù hợp của bến cảng; và

– Đảm bảo các thiết bị an ninh, nếu có, được hoạt động, thử, hiệu chuẩn và bảo dưỡng phù hợp.

Công ty phải bổ nhiệm Nhân viên An ninh Công ty. Một người được bổ nhiệm là Nhân viên An ninh Công ty có thể giữ nhiệm vụ là Nhân viên An ninh Công ty đối với một hoặc nhiều tàu, tùy thuộc vào số lượng hoặc loại tàu mà Công ty khai thác với điều kiện phải nêu rõ người này có trách nhiệm với những tàu nào. Một Công ty có thể, tùy thuộc vào số lượng và loại tàu họ khai thác, bổ nhiệm một vài người là Nhân viên An ninh Công ty với điều kiện phải nêu rõ mỗi người có trách nhiệm đối với những tàu nào.

2. Tiêu chuẩn tham gia khóa học

Sỹ quan hàng hải trở lên được phân công đảm nhiệm vai trò Sỹ quan an ninh tàu (SSO). Tuy nhiên thì hầu như toàn bộ sỹ quan boong, đại phó và Thuyền trưởng đều có thể tham gia học khóa này.Theo Thông tư STCW.7/Circ.22 ngày 25/2/2014 của IMO thì người có giấy chứng nhận SSO không phải có giấy chứng nhận “Nhận thức an ninh” và “Thuyền viên có nhiệm vụ an ninh cụ thể”

3. Công tác xây dựng tài liệu giảng dạy, tổ chức huấn luyện các khóa An ninh tàu biển

Sau khi được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận tổ chức các khóa huấn luyện và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về An ninh tàu biển, các cơ sở đào tạo, huấn luyện đã tích cực hoàn thiện bài giảng, tài liệu giảng dạy và bước đầu triển khai các khóa huấn luyện theo quy định tại Thông tư 11/2012/TT-BGTVT. Trong quá trình triển khai công tác huấn luyện, đề nghị các cơ sở đào tạo, huấn luyện lưu ý, tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung sau:

– Báo cáo tài liệu giảng dạy về An ninh tàu biển đã được đơn vị thẩm định, phê duyệt về Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước khi triển khai các khóa huấn luyện;

– Việc tổ chức các khóa huấn luyện về An ninh tàu biển chỉ được thực hiện trong phạm vi của cơ sở đào tạo, huấn luyện; nếu tổ chức huấn luyện ở ngoài phạm vi của cơ sở phải chuẩn bị đủ các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ huấn luyện theo quy định và báo cáo Bộ Giao thông vận tải để được xem xét chấp thuận;

– Tuân thủ đúng biểu mẫu về các loại giấy chứng nhận đã được quy định tại Thông tư số 11/2012/TT-BGTVT

– Thực hiện đúng quy trình và công khai công tác tuyển sinh, mở lớp; đảm bảo số lượng học viên trên 1 lớp theo quy định; bố trí đúng giáo viên đã báo cáo với Bộ Giao thông vận tải và thực hiện đầy đủ công tác quản lý giáo vụ theo quy định.

4. Nhiệm vụ của hạ sỹ quan an ninh tàu, cán bộ an ninh công ty

4.1. Nhiệm vụ của sỹ quan an ninh tàu biển trên tàu biển Việt Nam được quy định tại Điều 15 Thông tư 23/2017/TT-BGTVT:

– Thường xuyên kiểm tra để đảm bảo việc thực hiện các biện pháp an ninh theo kế hoạch an ninh đã được duyệt; giám sát việc thực hiện kế hoạch an ninh của tàu, kể cả việc thực hiện các sửa đổi, bổ sung kế hoạch đó.

– Phối hợp với các thuyền viên khác và sỹ quan an ninh cảng biển để đảm bảo an ninh trong các hoạt động vận chuyển hàng hóa và đồ dự trữ, cung ứng của tàu.

– Đề xuất việc sửa đổi, bổ sung đối với kế hoạch an ninh của tàu.

– Khi phát hiện những khiếm khuyết và sự không phù hợp trong kế hoạch an ninh của tàu thì báo cáo thuyền trưởng, thông báo cho sỹ quan an ninh của công ty biết và thực hiện các biện pháp khắc phục.

– Luôn nâng cao ý thức cảnh giác về an ninh trên tàu; tổ chức huấn luyện công tác an ninh cho những người trên tàu; báo cáo sỹ quan an ninh của công ty về mọi sự cố an ninh xảy ra trên tàu.

– Phối hợp với sỹ quan an ninh của công ty và của cảng biển nơi tàu đến để triển khai thực hiện kế hoạch an ninh của tàu.

– Thường xuyên kiểm tra để đảm bảo các trang thiết bị an ninh trên tàu ở trạng thái hoạt động tốt, được bảo dưỡng và hiệu chỉnh phù hợp.

4.2. Nhiệm vụ nhân viên An ninh Công ty được quy định tại Điều 11 Bộ luật ISPS quy định:

Ngoài những nhiệm vụ nêu ở các quy định khác trong Phần này của Bộ luật, nhiệm vụ và trách nhiệm của Nhân viên An ninh Bến cảng phải bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn:

– Tư vấn mức độ đe dọa mà tàu có thể gặp, sử dụng các đánh giá an ninh phù hợp và các thông tin liên quan khác;

– Đảm bảo các đánh giá an ninh tàu được thực hiện;

– Đảm bảo xây dựng, đệ trình để phê duyệt và sau đó triển khai áp dụng và duy trì Kế hoạch An ninh Tàu;

– Đảm bảo Kế hoạch An ninh Tàu được sửa đổi, nếu phù hợp, để khắc phục những khiếm khuyết và đảm bảo hoạt động tốt của các thiết bị an ninh của từng tàu;

– Sắp xếp cho các đánh giá nội bộ và soát xét các hoạt động an ninh;

– Sắp xếp cho việc thẩm tra tàu lần đầu và các lần sau đó của Chính quyền hành chính hoặc tổ chức an ninh được công nhận;

– Đảm bảo các khiếm khuyết và sự không phù hợp được phát hiện trong các lần đánh giá nội bộ, soát xét định kỳ, các đợt kiểm tra và thẩm tra an ninh được xác định rõ và giải quyết nhanh chóng;

– Nâng cao ý thức và cảnh giác an ninh;

– Đảm bảo việc đào tạo đầy đủ cho những người có trách nhiệm về an ninh của tàu;

– Đảm bảo trao đổi thông tin và phối hợp hiệu quả giữa Sĩ quan An ninh Tàu và nhân viên an ninh bến cảng liên quan;

– Đảm bảo tính thống nhất giữa các yêu cầu về an ninh và các yêu cầu về an toàn;

– Đảm bảo rằng, nếu sử dụng kế hoạch an ninh cho các tàu cùng sê-ri hoặc cho đội tàu, kế hoạch cho mỗi tàu phản ánh đúng thông tin đặc trưng về tàu đó; và

– Đảm bảo rằng bất kỳ biện pháp thay thế hoặc tương đương nào được duyệt cho một tàu hoặc nhóm tàu cụ thể được thực hiện và duy trì.

Kết luận: Khi Cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ sĩ quan an ninh tàu, cán bộ an ninh công ty cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Bộ luật ISPS, Thông tư 27/2011/TT-BGTVT, Thông tư 23/2017/TT-BGTVT, Thông báo 135/TB-BGTVT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ sĩ quan an ninh tàu, cán bộ an ninh công ty