39. Phê duyệt kế hoạch an ninh tàu biển theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (Bộ Luật ISPS)

Posted on

Theo quy định về an ninh tàu biển và cảng biển đối với những loại tàu biển đặc biệt phải có kế hoạch an ninh tàu biển. Tàu biển đó phải thực hiện thủ tục Phê duyệt kế hoạch an ninh tàu biển theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (Bộ Luật ISPS). Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể về nội dung này theo quy định của Bộ luật quốc tế ISPS, Bộ luật hàng hải 2015, Nghị định 142/2017/NĐ-CP, Thông tư 27/2011/TT-BGTVT và Quyết định 52/QĐ-BGTVT như sau:

1. Kế hoạch an ninh tàu biển

Kế hoạch An ninh Tàu là một bản kế hoạch được xây dựng để đảm bảo việc áp dụng các biện pháp trên tàu nhằm bảo vệ người trên tàu, hàng hóa, các đơn vị vận chuyển hàng hóa, dự trữ của tàu hoặc tàu khỏi các rủi ro của một sự cố an ninh.”

Mỗi tàu phải có một bản Kế hoạch An ninh Tàu do Chính quyền Hành chính phê duyệt. Kế hoạch phải chuẩn bị cho 3 cấp độ an ninh như được định nghĩa trong phần này của Bộ luật (mục 2.5 phần A Bộ luật quốc tế ISPS).

Tàu biển là phương tiện nổi di động chuyên dùng hoạt động trên biển.

Tàu biển quy định trong Bộ luật này không bao gồm tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, tàu ngầm, tàu lặn, thủy phi cơ, kho chứa nổi, giàn di động, ụ nổi (Điều 13 Bộ luật hàng hải 2015).

Cảng biển là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng, lắp đặt trang thiết bị cho tàu thuyền đến, rời để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ khác. Cảng biển có một hoặc nhiều bến cảng. Bến cảng có một hoặc nhiều cầu cảng (khoản 1 Điều 73 Bộ luật hàng hải 2015).

Lưu ý:

Quy định về kế hoạch an ninh tàu biển theo quy định tại khoản 1 Điều 106 Bộ luật hàng hải 2015 chỉ áp dụng đối với Tàu biển chở khách, tàu biển chở hàng từ 500 GT trở lêngiàn di động mang cờ quốc tịch Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế.

Về mặt nội dung, ít nhất kế hoạch phải đề cập đến các yếu tố sau:

– Các biện pháp phòng ngừa việc sử dụng và việc vận chuyển trái phép trên tàu các vũ khí, các thiết bị và hóa chất nguy hiểm chống lại con người, tàu hoặc bến cảng.

– Chỉ ra các khu vực hạn chế và các biện pháp ngăn ngừa tiếp cận trái phép;

– Các biện pháp ngăn ngừa việc tiếp cận tàu trái phép;

– Các qui trình đối phó với các mối đe dọa an ninh hoặc vi phạm an ninh, bao gồm các quy định duy trì những hoạt động quan trọng của tàu hoặc giao tiếp tàu/ cảng;

– Các qui trình để tuân thủ hướng dẫn an ninh ở cấp độ an ninh cấp 3 do Chính phủ Ký kết có thể thiết lập;

– Các qui trình sơ tán trong trường hợp có mối đe dọa an ninh hoặc vi phạm an ninh;

– Nhiệm vụ của nhân viên trên tàu được giao trách nhiệm an ninh và của các nhân viên khác về phương diện an ninh;

– Các qui trình đánh giá các hoạt động an ninh;

– Các qui trình đào tạo, huấn luyện và thực tập theo kế hoạch;

– Các qui trình phối hợp với các hoạt động an ninh của bến cảng;

– các qui trình cho việc soát xét định kỳ kế hoạch an ninh và cập nhật;

– các qui trình báo cáo các sự cố an ninh;

– Nhận biết Sĩ quan An ninh Tàu;

– Nhận biết Nhân viên An ninh Công ty bao gồm các các chi tiết liên lạc trong 24/24 giờ;

– Các qui trình để đảm bảo kiểm tra, thử, hiệu chuẩn và bảo dưỡng các thiết bị an ninh được trang bị cho tàu, nếu có;

– Tần suất thử hoặc hiệu chuẩn thiết bị an ninh được trang bị cho tàu, nếu có;

– Nhận biết các vị trí có trang bị các điểm tác động hệ thống báo động an ninh tàu*; và

– Các qui trình và các hướng dẫn sử dụng hệ thống báo động an ninh tàu, bao gồm việc thử, tác động, tắt và đặt lại và hạn chế các báo động sai.”

Nhân viên An ninh Công ty (CSO) có trách nhiệm đảm bảo Kế hoạch An ninh Tàu (SSP) được xây dựng và đệ trình để phê duyệt. Nội dung mỗi SSP riêng phải thay đổi dựa trên đặc trưng của mỗi tàu mà kế hoạch đề cập. Đánh giá an ninh tàu (SSA) phải xác định được các điểm đặc trưng của tàu và những mối đe dọa và khả năng bị hư hại tiềm tàng. Việc xây dựng SSP yêu cầu phải nêu chi tiết những đặc điểm này. Chính quyền hành chính có thể đưa ra hướng dẫn cho việc xây dựng và nội dung của một SSP.

2. Thủ tục phê duyệt kế hoạch an ninh tàu biển

2.1 Thủ tục phê duyệt kế hoạch an ninh tàu biển

Trách nhiệm thực hiện thủ tục phê duyệt kế hoạch an ninh tàu biển theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (Bộ Luật ISPS) sẽ thuộc về công ty tàu biển đó (Điều 5 Thông tư 27/2011/TT-BGTVT).

Thẩm quyền giải quyết: Cục Đăng kiểm Việt Nam

2.2 Điều kiện để phê duyệt kế hoạch an ninh tài biển theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển

Để được phê duyệt, Kế hoạch An ninh Tàu phải chỉ ra được những biện pháp bảo vệ an ninh trong quản lý và trang bị phương tiện mà tàu phải thực hiện để đảm bảo tàu luôn hoạt động ở cấp độ an ninh 1. Kế hoạch cũng phải chỉ ra các biện pháp bảo vệ an ninh bổ sung hoặc tăng cường mà tàu thực hiện để chuyển lên và hoạt động ở cấp độ an ninh 2 khi được chỉ thị thực hiện như vậy. Hơn nữa, kế hoạch cũng phải chỉ ra những hành động chuẩn bị có thể cho phép tàu thực hiện những hành động ứng phó nhanh theo hướng dẫn có thể đối với tàu được đưa ra bởi lực lượng ứng phó ở cấp độ an ninh 3 trong trường hợp có sự cố an ninh hoặc có nguy cơ đe dọa an ninh ( mục 1.11 Phần B Bộ luật quốc tế ISPS)

3. Xử phạt vi phạm hành chính

Việc không thực hiện phê duyệt kế hoạch an ninh tàu biển theo Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (Bộ luật ISPS) dãn đến không có kế hoạch an ninh tàu biển theo quy định đối với tàu biển chở khách, tàu biển chở hàng từ 500 GT trở lên và giàn di động mang cờ quốc tịch Việt Nam chạy tuyến quốc tế thì bị xử phạt hành chính từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với mỗi hành vi theo quy định tại khoản 4 Điều 33 Nghị định 142/2017/NĐ-CP.

Kết luận: Phê duyệt Kế hoạch an ninh tàu biển và cấp Chứng thư phê duyệt chậm nhất sau 01 ngày làm việc kể từ khi hoàn thành việc soát xét Kế hoạch an ninh tàu biển. Đồng thời, khi thực hiện cần đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Bộ luật quốc tế ISPS, Bộ luật hàng hải 2015, Nghị định 142/2017/NĐ-CP, Thông tư 27/2011/TT-BGTVT và Quyết định 52/QĐ-BGTVT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Phê duyệt kế hoạch an ninh tàu biển theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (Bộ Luật ISPS)