41. Cấp, cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô (thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP)
Doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cần tiến hành thủ tục Cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô (thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP). Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này theo quy định của Luật giao thông đường bộ 2008, Luật doanh nghiệp 2020, Luật đầu tư 2020, Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Quyết định 2273/QĐ-BGTVT.
1. Một số khái niệm
Thủ tục Cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô áp dụng đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 116/2017/NĐ-CP bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô là tổ chức thực hiện việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này. (khoản 8 Điều 3 Nghị định 116/2017/NĐ-CP)
– Bảo hành là nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trong việc bảo đảm chất lượng ô tô đã bán ra trong điều kiện nhất định (khoản 6 Điều 3 Nghị định 116/2017/NĐ-CP).
– Bảo dưỡng là công việc cần thực hiện theo hướng dẫn của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nhằm duy trì trạng thái vận hành bình thường của ô tô (khoản 7 Điều 3 Nghị định 116/2017/NĐ-CP).
Lưu ý: Thủ tục này không áp dụng đối với các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô không thực hiện dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô (khoản 3 Điều 2 Nghị định 116/2017/NĐ-CP).
2. Cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô
Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô là Cục Đăng kiểm Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải. (khoản 1 Điều 22 Nghị định 116/2017/NĐ-CP)
Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô trực tiếp tiến hành thủ tục yêu cầu Cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Lưu ý: Doanh nghiệp thành lập đúng quy định chỉ được cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
=> Hồ sơ cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô
Điều 27 Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng sau khi được cấp Giấy chứng nhận bao gồm:
– Thực hiện bảo hành, bảo dưỡng ô tô của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô khi khách hàng đưa xe tới địa điểm của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
– Thực hiện bảo hành, bảo dưỡng ô tô theo đúng chế độ bảo hành, bảo dưỡng do doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô quy định.
– Phối hợp cùng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trong quá trình thực hiện việc triệu hồi ô tô theo quy định.
– Thực hiện việc đào tạo, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, kỹ thuật viên theo yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô.
– Duy trì tình trạng hoạt động của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định này.
– Chấp hành việc kiểm tra giám sát định kỳ, kiểm tra đột xuất của cơ quan có thẩm quyền.
– Trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng có trách nhiệm giải quyết, hoàn thiện đầy đủ tất cả các công việc chưa hoàn thành tính đến thời điểm bị thu hồi giấy chứng nhận với khách hàng và phải chịu trách nhiệm với tất cả những công việc đó trong suốt thời gian bảo hành theo cam kết của Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng.
3. Xử lý vi phạm
(Điều 26 Nghị định 116/2017/NĐ-CP )
-Doanh nghiêp sẽ bị tạm dừng hiệu lực Giấy chứng nhận đã cấp cho cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô trong các trường hợp sau:
a) Vi phạm các quy định liên quan đến việc duy trì các kết quả đã được kiểm tra, chứng nhận hoặc vi phạm các quy định khác tại Nghị định này;
b) Vi phạm các quy định khác của pháp luật và phải thực hiện theo quyết định xử lý của các cơ quan chức năng;
c) Không chấp hành các quyết định tại thời điểm kiểm tra đột xuất của Cơ quan kiểm tra.
Lưu ý: Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bị tạm dừng hiệu lực Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, nếu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng khắc phục hoàn toàn vi phạm sẽ được xem xét hủy bỏ việc tạm dừng hiệu lực Giấy chứng nhận.
-Doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp cho cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô trong các trường hợp sau:
a) Cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô;
b) Cho thuê, mượn, tự ý sửa đổi nội dung Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô;
c) Chấm dứt hoạt động kinh doanh;
d) Không còn đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định tại Nghị định này;
đ) Không triển khai hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ô tô trong thời gian 12 tháng liên tục kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô;
e) Không khắc phục hoàn toàn vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bị tạm dừng hiệu lực Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Lưu ý:
-Việc tạm dừng hiệu lực, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thực hiện theo Quyết định của Cơ quan kiểm tra. Quyết định phải ghi rõ lý do tạm dừng hiệu lực, thu hồi Giấy chứng nhận.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, doanh nghiệp phải nộp lại bản chính Giấy chứng nhận cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ra quyết định thu hồi.
Kết luận: Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô được cấp trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả thẩm định hồ sơ và kiểm tra thực tế đạt yêu cầu. Đồng thời, khi thực hiện phải đáp ứng các điều kiện theo quy định Luật giao thông đường bộ 2008, Luật doanh nghiệp 2020, Luật đầu tư 2020, Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Quyết định 2273/QĐ-BGTVT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô (thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP)