53. Cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp các linh kiện sử dụng để lắp ô tô, rơ moóc và sơ mi rơ moóc

Posted on

Cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp các linh kiện sử dụng để lắp ô tô, rơ moóc và sơ mi rơ moóc là thủ tục được thực hiện theo Thông tư 30/2011/TT-BGTVT, Thông tư 54/2014/TT-BGTVT. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:

1. Một số khái niệm cơ bản

Theo khoản 3, 4, 5 Điều 3 Thông tư 30/2011/TT-BGTVT, quy định các khái niệm sau:

– Tổng thành là động cơ, khung, buồng lái, thân xe hoặc thùng chở hàng hay thiết bị chuyên dùng lắp trên xe.

– Hệ thống là hệ thống truyền lực, hệ thống chuyển động, hệ thống treo, hệ thống phanh, hệ thống lái, hệ thống nhiên liệu, hệ thống điện, hệ thống đèn chiếu sáng và tín hiệu.

– Linh kiện là các tổng thành, hệ thống và các chi tiết được sử dụng để lắp ráp xe cơ giới.

2. Điều kiện thực hiện cấp Giấy chứng nhận

– Theo khoản 1 Điều 9 Thông tư 30/2011/TT-BGTVT (được sửa đổi bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Thông tư 54/2014/TT-BGTVT), Cục Đăng kiểm Việt Nam căn cứ hồ sơ kiểm tra sản phẩm theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này và báo cáo kết quả đánh giá điều kiện kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Cơ sở sản xuất theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này để cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) cho kiểu loại sản phẩm theo mẫu tương ứng được quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này.

– Thỏa mãn yêu cầu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng:

+ QCVN 32: 2017/BGTVT về kính an toàn của xe ô tô

+ QCVN 33: 2019/BGTVT về gương dùng cho xe ô tô

+ QCVN 34: 2017/BGTVT về lốp hơi dùng cho ô tô

+ QCVN 35: 2017/BGTVT về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

+ QCVN 52: 2019/BGTVT về kết cấu an toàn chống cháy của xe cơ giới

+ QCVN 53: 2019/BGTVT về yêu cầu an toàn chống cháy của vật liệu sử dụng trong kết cấu nội thất xe cơ giới

+ QCVN 78: 2014/BGTVT về vành hợp kim nhẹ dùng cho xe ô tô

+ QCVN 11:2015/BGTVT về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với rơ moóc và sơ mi rơ moóc

Lưu ý:

– Giấy chứng nhận cấp cho kiểu loại linh kiện nhập khẩu chỉ có giá trị đối với các linh kiện cùng kiểu loại thuộc tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu nếu không thực hiện việc đánh giá COP hoặc không được miễn đánh giá COP theo quy định.

3. Một số lưu ý

– Quy trình thực hiện để được cấp giấy chứng nhận theo điểm a khoản 2 Điều 9 Thông tư 30/2011/TT-BGTVT được quy định như sau:

+ Cơ sở sản xuất nộp hồ sơ kiểm tra sản phẩm, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn Cơ sở sản xuất hoàn thiện lại; nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định thì thống nhất về thời gian và địa điểm thực hiện đánh giá điều kiện kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Cơ sở sản xuất.

+ Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra nội dung hồ sơ và thực hiện đánh giá điều kiện kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Cơ sở sản xuất theo quy định: nếu chưa đạt yêu cầu thì thông báo để Cơ sở sản xuất hoàn thiện lại; nếu đạt yêu cầu thì cấp Giấy chứng nhận.

Thời hạn cấp giấy chứng nhận: Trong phạm vi 05 ngày kể từ ngày hồ sơ kiểm tra đầy đủ theo quy định và kết quả đánh giá điều kiện kiểm tra chất lượng tại Cơ sở sản xuất đạt yêu cầu (điểm d khoản 2 Điều 9 Thông tư 30/2011/TT-BGTVT).

4. Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ tại khoản 4, 5 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được xử lý như sau:

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi điều khiển xe có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);

– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

Kết luận: Cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp các linh kiện sử dụng để lắp ô tô, rơ moóc và sơ mi rơ moóc là một thủ tục bắt buộc. Cơ sở sản xuất nộp hồ sơ đề nghị đề nghị kiểm tra sản phẩm đến Cục Đăng kiểm Việt Nam. Trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư 30/2011/TT-BGTVT, Thông tư 54/2014/TT-BGTVT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp các linh kiện sử dụng để lắp ô tô, rơ moóc và sơ mi rơ moóc