63. Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe máy chuyên dùng cải tạo
Thiết kế xe máy chuyên dùng cải tạo cần được cơ quan có thẩm quyền thực hiện thẩm định và cấp giấy chứng nhận. Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung thủ tục Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe máy chuyên dùng cải tạo theo Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Thông tư 89/2015/TT-BGTVT, Thông tư 238/2016/TT-BTC, Thông tư 239/2016/TT-BTC, Thông tư 42/2018/TT-BGTVT.
1. Khái quát chung
– Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ (khoản 20 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008).
– Xe máy chuyên dùng (sau đây viết tắt là Xe) gồm các loại xe được nêu trong tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7772:2007 “Xe, máy và thiết bị thi công di động – phân loại” và các loại Xe được nêu tại Thông tư số 39/2016/TT-BGTVT ngày 06 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải (khoản 3 Điều 1 Thông tư 42/2018/TT-BGTVT).
– Cải tạo xe cơ giới là việc thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí, nguyên lý làm việc, thông số, đặc tính kỹ thuật của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, tổng thành của xe cơ giới. Trường hợp thay thế hệ thống, tổng thành bằng hệ thống, tổng thành khác cùng kiểu loại, của cùng nhà sản xuất (cùng mã phụ tùng) thì không phải là cải tạo (khoản 4 Điều 3 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT).
– Thẩm định thiết kế là việc xem xét, kiểm tra đối chiếu các nội dung của hồ sơ thiết kế sản phẩm với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định hiện hành nhằm đảm bảo cho các sản phẩm được sản xuất, lắp ráp đáp ứng các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (khoản 3 Điều 1 Thông tư 42/2018/TT-BGTVT).
2. Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe máy chuyên dùng cải tạo
(Điều 18 Thông tư 89/2015/TT-BGTVT):
Cơ sở thiết kế cải tạo lập 01 bộ (gồm 03 bản) Hồ sơ thiết kế Xe cải tạo và nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam, hồ sơ bao gồm:
+ Văn bản đề nghị chứng nhận chất lượng Xe cải tạo;
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các loại giấy tờ thay thế khác của Cơ sở thiết kế (đối với trường hợp Cơ sở thiết kế lần đầu);
+ Bản vẽ tổng thể của Xe trước và sau cải tạo; Bản vẽ, tài liệu kỹ thuật của tổng thành, hệ thống được sử dụng để cải tạo; Bản thuyết minh tính toán các nội dung cải tạo có ảnh hưởng đến các hạng mục phải kiểm tra tính toán được nêu tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư này; Ảnh chụp kiểu dáng Xe trước khi cải tạo; Bản thông tin của Xe (nếu có thay đổi) theo mẫu quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này (khoản 1 Điều 16 Thông tư 89/2015/TT-BGTVT).
Lưu ý:
– Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ: Nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn cơ sở hoàn thiện lại; Nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định thì viết giấy nhận Hồ sơ.
– Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ khi Cơ sở thiết kế nộp đủ hồ sơ: nếu Hồ sơ thiết kế Xe cải tạo đạt yêu cầu, Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế cải tạo theo mẫu tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Thông tư này; Nếu Hồ sơ thiết kế Xe cải tạo không đạt yêu cầu, cơ quan thẩm định thiết kế thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do gửi tới Cơ sở thiết kế (khoản 2 Điều 16 Thông tư 89/2015/TT-BGTVT).
3. Xử phạt hành chính
Theo điểm a khoản 9 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi: Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe”.
Kết luận: Việc Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe máy chuyên dùng cải tạo cần tuần thủ các quy định tại Thông tư 89/2015/TT-BGTVT, Thông tư 42/2018/TT-BGTVT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe máy chuyên dùng cải tạo