4. Gia hạn Chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông của nút giao đấu nối vào quốc lộ

Posted on

Thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông của nút giao đấu nối vào quốc lộ phải được sự chấp thuận cuẩ cơ quan có thẩm quyền. Trong một số trường hợp, đơn vị quản lý phải thực hiện thủ tục Gia hạn Chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông của nút giao đấu nối vào quốc lộ. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa vấn đề này thông qua quy định của Luật giao thông đường bộ 2008, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 11/2010/NĐ-CP, Thông tư 50/2015/TT-BGTVT, Thông tư 35/2017/TT-BGTVT và Quyết định 52/QĐ-BGTVT như sau

1. Một số khái niệm

Quốc lộ là đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ ba địa phương trở lên; đường nối liền từ cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ; đường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng, khu vực (điểm a khoản 1 Điều 39 Luật giao thông đường bộ 2008).

Đường chính là đường bảo đảm giao thông chủ yếu trong khu vực (khoản 13 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008).

Đường nhánh là đường nối vào đường chính (khoản 14 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008).

Đường gom là đường để gom hệ thống đường giao thông nội bộ của các khu đô thị, công nghiệp, kinh tế, dân cư, thương mại – dịch vụ và các đường khác vào đường chính hoặc vào đường nhánh trước khi đấu nối vào đường chính (khoản 16 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008).

Đường tỉnh là đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc trung tâm hành chính của tỉnh lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh (điểm b khoản 1 Điều 39 Luật giao thông đường bộ 2008).

Đường huyện là đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện (điểm c khoản 1 Điều 39 Luật giao thông đường bộ 2008).

Đường xã là đường nối trung tâm hành chính của xã với các thôn, làng, ấp, bản và đơn vị tương đương hoặc đường nối với các xã lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của xã (điểm d khoản 1 Điều 39 Luật giao thông đường bộ 2008).

Đường đô thị là đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị (điểm đ khoản 1 Điều 39 Luật giao thông đường bộ 2008).

Đường chuyên dùng là đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân (điểm e khoản 1 Điều 39 Luật giao thông đường bộ 2008).

Lưu ý:

Khoản 4 Đều 44 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về việc đấu nối như sau:

– Trường hợp có đường nhánh thì đường gom phải nối vào đường nhánh;

– Trường hợp đường nhánh, đường gom nối trực tiếp vào đường chính thì điểm đấu nối phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về đường bộ cho phép từ khi lập dự án và thiết kế;

– Việc đấu nối các đường từ khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại – dịch vụ và công trình khác vào đường bộ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

2. Gia hạn chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông của nút giao đấu nối vào quốc lộ

Trước khi nâng cấp, cải tạo nút giao; chủ công trình, dự án được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao sử dụng điểm đấu nối thuộc quy hoạch các điểm đấu nối đã được phê duyệt, căn cứ tiêu chuẩn, yêu cầu thiết kế đường ô tô hiện hành, lập và gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền để được xem xét chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của nút giao đấu nối vào quốc lộ (khoản 1 Điều 26 Thông tư 50/2015/TTBGTVT).

Văn bản chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông của nút giao có giá trị trong thời gian 12 tháng kể từ ngày ký ban hành, nếu quá 12 tháng phải thực hiện việc gia hạn. Thủ tục gia hạn như quy định đối với việc gia hạn chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu tại khoản 7 Điều 13 của Thông tư này (khoản 7 Điều 26 Thông tư 50/2015/TTBGTVT).

Lưu ý:

– Việc thiết kế nút giao đấu nối vào quốc lộ phải được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia về đường ô tô.

– Đấu nối đường nhánh vào dự án quốc lộ được xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo, nắn chỉnh tuyến hoặc xây dựng tuyến tránh; ngay từ bước lập dự án, chủ đầu tư dự án phải căn cứ vào qui hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương có dự án đi qua để xác định vị trí và quy mô các nút giao.

– Đấu nối đường nhánh vào quốc lộ đang khai thác; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội và qui hoạch phát triển giao thông vận tải của địa phương để lập qui hoạch các điểm đấu nối.

Cơ quan có thẩm quyền:

– Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông, lưu giữ hồ sơ của nút giao đấu nối liên quan đến đường cấp I, đường cấp II và đường cấp III;

Cục Quản lý đường bộ hoặc Sở Giao thông vận tải chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông, lưu giữ hồ sơ của các nút giao đấu nối liên quan đến đường cấp IV trở xuống được giao quản lý

3. Xử phạt vi phạm hành chính

Liên quan đến thủ tục gia hạn chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông của nút giao đấu nối vào quốc lộ thì người thực hiện có thể bị xử lý theo quy định tại khoản 9 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Theo đó phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính.

Kết luận: Thủ tục Gia hạn chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông của nút giao đấu nối vào quốc lộ thực hiện theo quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 11/2010/NĐ-CP, Thông tư 50/2015/TT-BGTVT, Thông tư 35/2017/TT-BGTVT và Quyết định 52/QĐ-BGTVT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Gia hạn chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông của nút giao đấu nối vào quốc lộ