29. Chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc

Posted on

Doanh nghiệp, hợp tác xã khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành thì sẽ được đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến thủ tục chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc theo Luật Giao thông đường bộ 2008Thông tư 23/2012/TT-BGTVT.

1. Một số khái niệm liên quan.

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ.

Hành khách là người được chở trên phương tiện vận tải hành khách đường bộ, có trả tiền.

Vận tải đường bộ là hoạt động sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để vận chuyển người, hàng hóa trên đường bộ.

Người vận tải là tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để thực hiện hoạt động vận tải đường bộ.

2. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.

a) Hoạt động vận tải đường bộ.

Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 64 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì:

– Hoạt động vận tải đường bộ gồm hoạt động vận tải không kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ. Kinh doanh vận tải đường bộ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.

– Kinh doanh vận tải đường bộ gồm kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh vận tải hàng hóa.

b) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Theo Khoản 1 Điều 65 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm:

– Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xác định bến đi, bến đến với lịch trình, hành trình nhất định;

– Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định;

– Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền;

– Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải;

– Kinh doanh vận tải khách du lịch theo tuyến, chương trình và địa điểm du lịch.

c) Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì tại Điều 67 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định như sau:

Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện sau đây:

+ Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;

+ Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ;

+ Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;

+ Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải;

+ Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

– Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng xe taxi và phải có đủ các điều kiện sau đây:

+ Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

+ Có bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông;

+ Đăng ký tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách với cơ quan có thẩm quyền và phải niêm yết công khai.

– Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ và phải có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2 Điều này.

– Chính phủ quy định cụ thể điều kiện và việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

d) Vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 68 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì người vận tải, người lái xe khách phải chấp hành các quy định sau đây:

– Đón, trả hành khách đúng nơi quy định;

– Không chở hành khách trên mui, trong khoang chở hành lý hoặc để hành khách đu, bám bên ngoài xe;

– Không chở hàng nguy hiểm, hàng có mùi hôi thối hoặc động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách;

– Không chở hành khách, hành lý, hàng hóa vượt quá trọng tải, số người theo quy định;

– Không để hàng hóa trong khoang chở hành khách; có biện pháp giữ gìn vệ sinh trong xe.

Lưu ý: Tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 23/2012/TT-BGTVT có quy đinh: “Đối với vận tải hành khách định kỳ (theo tuyến cố định): Phương tiện khởi hành từ bến xe đầu tuyến; đi theo hành trình, dừng nghỉ tại các trạm dừng nghỉ theo quy định và kết thúc tại bến xe cuối tuyến.”.

3. Khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

– Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư 23/2012/TT-BGTVT thì doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ điều kiện theo quy định hiện hành được đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thời hạn khai thác tuyến là 05 (năm) năm.

– Bên cạnh đó, về thẩm quyền chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc thì tại Khoản 5 Điều 14 Thông tư 23/2012/TT-BGTVT quy định: “Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc vào sâu trong lãnh thổ của hai nước; Sở Giao thông vận tải các tỉnh giáp biên giới Việt – Trung chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với các tuyến giữa khu vực biên giới của hai nước. Mẫu chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc quy định tại Phụ lục XIII của Thông tư này.”

Lưu ý:

– Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Thông tư 23/2012/TT-BGTVthì doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trên tuyến được quyền bổ sung phương tiện, thay thế phương tiện. Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ đúng quy định, cơ quan quản lý có thẩm quyền ra văn bản chấp thuận bổ sung, thay thế phương tiện.

– Ngoài ra, tại Điều 16 Thông tư 23/2012/TT-BGTVT có quy định về ngừng hoạt động tuyến, ngừng hoạt động của phương tiện khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ như sau:

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã đang khai thác trên tuyến vận tải hành khách định kỳ khi không có nhu cầu khai thác hoặc giảm số chuyến xe đang khai thác trên tuyến phải thông báo cho Cơ quan quản lý có thẩm quyền trước 10 (mười) ngày.

+ Chậm nhất 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận văn bản đề nghị, Cơ quan quản lý có thẩm quyền thông báo công khai để các doanh nghiệp, hợp tác xã khác đăng ký khai thác.

Kết luận: Khi tiến hành thực hiện thủ tục chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc cần tuân thủ theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008Thông tư 23/2012/TT-BGTVT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tai đây:

Chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc