33. Công bố đưa bến xe hàng vào khai thác
Theo quy định của pháp luật thì bến xe hàng chỉ được đưa vào khai thác sau khi doanh nghiệp công bố và thông báo đến Sở Giao thông vận tải địa phương. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến thủ tục công bố đưa bến xe hàng vào khai thác theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP và Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.
1. Một số khái niệm liên quan.
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP thì các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
– Đơn vị kinh doanh vận tải bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
– Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
– Bến xe ô tô hàng (bến xe hàng) là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thực hiện chức năng phục vụ xe ô tô vận tải hàng hóa xếp, dỡ hàng hóa và các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động vận tải hàng hóa.
2. Quy định về xây dựng, thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông áp dụng đối với bến xe khách, bến xe hàng.
Tại Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 11 Nghị định 10/2020/NĐ-CP có quy định:
– Đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách, bến xe hàng phải xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông.
– Quy trình bảo đảm an toàn giao thông áp dụng đối với đơn vị kinh doanh bến xe khách, bến xe hàng phải thể hiện rõ các nội dung sau: Kiểm tra điều kiện an toàn giao thông của xe ô tô, lái xe ô tô, hàng hóa và hành lý của hành khách trước khi xuất bến; chế độ kiểm tra, giám sát hoạt động của xe ô tô và người lái xe trong khu vực bến xe; chế độ báo cáo về an toàn giao thông.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 6 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT thì bến xe hàng phải xây dựng và thực hiện đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn giao thông theo trình tự các bước như sau:
* Công việc thực hiện khi xe vào bến:
– Nhân viên bến xe và người lái xe phải thực hiện các công việc sau:
+ Hướng dẫn người lái xe đưa xe vào đúng vị trí trả khách, trả hàng; cập nhật thông tin vào phần mềm quản lý bến xe theo quy định;
+Hướng dẫn người lái xe đưa xe vào đúng vị trí dừng đỗ theo quy định tại bến.
* Công việc thực hiện trước khi xe vào vị trí đón khách (xếp hàng):
– Trước khi cho phép xe vào vị trí xếp hàng, nhân viên bến xe phải thực hiện kiểm tra và ghi chép vào sổ theo dõi xe ra, vào bến hoặc cập nhật vào phần mềm quản lý bến xe các nội dung sau:
+ Kiểm tra xe ô tô gồm: giấy đăng ký xe; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực; phù hiệu dán trên kính xe còn hiệu lực và theo đúng quy định; có dữ liệu vị trí của xe tại bến xe trên hệ thống Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, camera (đối với loại xe yêu cầu bắt buộc phải lắp theo quy định) có hoạt động; bình chữa cháy; dụng cụ thoát hiểm (nếu có);
+ Kiểm tra người lái xe ô tô gồm: số lượng người lái xe kèm giấy phép người lái xe; thẻ tên, đồng phục (nếu có); lệnh vận chuyển hoặc giấy vận tải (giấy vận chuyển);
+ Kiểm tra việc niêm yết các thông tin trên xe đảm bảo đầy đủ và theo đúng quy định;
+ Kiểm tra thông tin về biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), người lái xe phải đúng thông tin ghi trên lệnh vận chuyển, trên hợp đồng vận chuyển hoặc giấy vận tải (giấy vận chuyển) theo quy định; kiểm tra người lái xe đảm bảo không sử dụng rượu bia, chất ma túy (trường hợp đơn vị có thiết bị, dụng cụ kiểm tra). Đối với bến xe hàng còn phải kiểm tra thông tin về giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm theo quy định trong trường hợp xe vận chuyển hàng hoá nguy hiểm;
– Khi nhân viên bến xe thực hiện kiểm tra phát hiện trường hợp cơ quan chức năng thu giữ giấy tờ của xe hoặc của người lái xe khi đang thực hiện lượt đi bị cơ quan chức năng thu giữ để xử lý vi phạm thì người lái xe được phép điều khiển phương tiện để hoạt động đến hết lượt về liền kề tiếp theo trên lệnh vận chuyển.
* Công việc thực hiện khi xe vào vị trí đón khách, xếp hàng:
– Sau khi nhân viên bến xe hoàn thành việc kiểm tra các nội dung tại khoản 2 Điều này:
+ Trường hợp có nội dung kiểm tra không đảm bảo yêu cầu, thì tùy theo mức độ của từng hạng mục để yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải, người lái xe thực hiện khắc phục ngay hoặc bố trí xe hoặc người lái xe khác thay thế;
+ Trường hợp tất cả các nội dung kiểm tra đều đạt yêu cầu, nhân viên bến xe hướng dẫn người lái xe cho xe vào vị trí xếp hàng theo thời gian quy định và thực hiện các công việc tiếp theo tại điểm c khoản này;
– Đối với bến xe hàng: thực hiện việc giám sát quá trình xếp hàng và hành lý lên xe trong khu vực bến để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc vận chuyển hàng cấm vận chuyển; đảm bảo việc xếp hàng hóa trên xe được thực hiện đúng quy định. Khuyến khích các bến xe hàng trang bị các thiết bị kỹ thuật để phát hiện hàng cấm vận chuyển trong khu vực bến xe; xếp hàng hóa trên xe đảm bảo không vượt quá khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô; yêu cầu người xếp hàng ký xác nhận vào giấy vận tải (giấy vận chuyển) sau khi xếp hàng hoá lên xe;
– Giám sát hoạt động của xe ô tô và người lái xe trong khu vực bến xe.
* Các công việc giải quyết cho xe xuất bến:
– Trước khi cho xe xuất bến, nhân viên bến xe và người lái xe thực hiện các công việc sau:
+ Đối với bến xe hàng: xác định khối lượng hàng hoá, loại hàng hoá đã xếp lên xe, người lái xe thực hiện việc thanh toán các khoản dịch vụ (trừ trường hợp thanh toán khác theo hợp đồng dịch vụ giữa đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị quản lý, khai thác bến xe) và cùng với nhân viên bến xe ký xác nhận, bàn giao các giấy tờ theo quy định. Kiểm tra và ký xác nhận các thông tin trên giấy vận tải (giấy vận chuyển);
+ Nhân viên bến xe chịu trách nhiệm ghi chép, xác nhận việc người lái xe đã thực hiện đầy đủ các thủ tục quy định cho xe xuất bến. Cập nhật thông tin vào phần mềm quản lý bến xe khi xe xuất bến theo quy định; tổng hợp những trường hợp không cho xe xuất bến theo quy định và tình hình an toàn giao thông tại bến xe.
* Lộ trình áp dụng quy trình bảo đảm an toàn giao thông đối với bến xe: Đối với các bến xe hàng áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
3. Quy định về bến xe hàng.
Tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định 10/2020/NĐ-CP có quy định: “Bến xe hàng chỉ được đưa vào khai thác sau khi doanh nghiệp công bố và thông báo đến Sở Giao thông vận tải địa phương.”.
Căn cứ theo quy định tại Điều 57 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT thì:
– Bến xe hàng đáp ứng đầy đủ các nội dung theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe.
– Nội dung kinh doanh bến xe hàng:
+ Dịch vụ xe ra, vào bến;
+ Dịch vụ xếp, dỡ hàng hoá;
+ Dịch vụ trông giữ phương tiện vận tải hàng hóa;
+ Kinh doanh các dịch vụ khác hỗ trợ cho hoạt động vận tải hàng hóa theo quy định của pháp luật.
– Quy định đối với đơn vị kinh doanh bến xe hàng:
+ Thực hiện các quy định tại khoản 13 Điều 3, khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 11, khoản 2 Điều 21 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và các quy định tại Điều 6 của Thông tư này;
+ Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy, nổ tại bến xe hàng;
+ Niêm yết công khai nội quy bến xe hàng, giá các dịch vụ tại bến xe, tên và số điện thoại Sở Giao thông vận tải địa phương để chủ xe phản ánh, khiếu nại khi cần thiết;
+ Bồi thường thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ nếu để xảy ra mất mát, hư hỏng tài sản, hàng hoá trong thời gian đơn vị cung ứng dịch vụ theo Hợp đồng giữa hai bên đã ký kết hoặc theo thảo thuận giữa hai bên hoặc theo phán quyết của Tòa án hoặc Trọng tài;
+ Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Kinh doanh các loại dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều này;
+ Thu giá dịch vụ xe ra, vào bến xe theo quy định;
+ Không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bến xe hàng để đón, trả khách;
+ Có quyền từ chối phục vụ đối với khách hàng không chấp hành nội quy bến xe;
+ Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ và quy định pháp luật khác có liên quan.
– Định kỳ hàng tháng, Sở Giao thông vận tải công bố thông tin về danh mục các bến xe hàng trên địa bàn trên Trang thông tin điện tử của Sở.
4. Xử lý vi phạm hành chính.
– Căn cứ theo quy định tại Khoản 6 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về hình thức xử phạt liên quan đến thủ tục công bố đưa bến xe hàng vào khai thác thì: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện hành vi tổ chức hoạt động khai thác bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định.
– Về thẩm quyền xử phạt hành chính: Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm (theo Điểm m Khoản 5 Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Kết luận: Khi tiến hành thủ tục công bố đưa bến xe hàng vào khai thác cần tuân thủ theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 10/2020/NĐ-CP và Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tai đây:
Công bố đưa bến xe hàng vào khai thác