7. Thông báo thường xuyên, đột xuất luồng đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, địa phương
Về thông báo thường xuyên, đột xuất luồng đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thê hóa nội dung đó theo quy định của Luật đường thủy nội địa năm 2014 sửa đổi bổ sung năm 2019, Nghị định 135/2015/NĐ-CP, Thông tư 19/2016/TT-BGTVT, Thông tư 15/2016/TT-BGTVT, Thông tư số 01/2019/TT-BGTVT.
1. Một số khái niệm
Đường thủy nội địa là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải. (khoản 4 Điều 3 Luật đường thủy nội địa năm 2014 sửa đổi bổ sung năm 2019)
Đường thủy nội địa được phân loại thành: Đường thủy nội địa quốc gia; Đường thủy nội địa địa phương; Đường thủy nội địa chuyên dùng. (khoản 2 Điều 9 Luật đường thủy nội địa năm 2014 sửa đổi bổ sung năm 2019)
Tuyến đường thủy nội địa là một hoặc nhiều luồng chạy tàu thuyền trên sông, kênh, rạch, hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo; chiều dài tuyến đường thủy nội địa được xác định từ điểm đầu đến điểm cuối. (khoản 2 Điều 3 Thông tư 19/2016/TT-BGTVT)
Đường thủy nội địa chuyên dùng là đường thủy nội địa nối liền cảng, bến thủy nội địa chuyên dùng với đường thủy nội địa quốc gia hoặc đường thủy nội địa địa phương, phục vụ cho nhu cầu giao thông vận tải của tổ chức, cá nhân. (khoản 3 Điều 4 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT)
Thông báo luồng là việc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công bố các thông tin, số liệu đặc trưng kỹ thuật của luồng như cao độ mực nước (H), chiều sâu luồng (h), cao độ đáy luồng (Z), chiều rộng luồng (B), chiều cao tĩnh không thực tế và những vấn đề khác có liên quan đến an toàn giao thông của luồng. (khoản 10 Điều 3 Thông tư 19/2016/TT-BGTVT)
2. Thông báo thường xuyên, đột xuất luồng đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương
Thông báo luồng đường thủy nội địa được cơ quan có thẩm quyền quy định công bố kịp thời tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Thông báo luồng đường thủy nội địa phải được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan công bố, đồng thời gửi đến các cơ quan, đơn vị vận tải thủy nội địa và các hình thức thông tin phù hợp khác. (Điều 9 Thông tư 19/2016/TT-BGTVT)
Nội dung thông báo thường xuyên luồng đường thủy nội địa chuyên dùng theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư 19/2016/TT-BGTVT bao gồm:
– Chuẩn tắc kỹ thuật luồng theo phân cấp kỹ thuật của tuyến đường thủy nội địa, độ sâu trong phạm vi chiều rộng luồng, bãi cạn tương ứng với mực nước thủy văn;
– Những lưu ý về an toàn giao thông khi phương tiện thủy lưu thông trên tuyến đường thủy nội địa tại khu vực có chuẩn tắc luồng hạn chế (bãi cạn, vật chướng ngại, công trình vượt sông, khu vực đang thi công công trình ảnh hưởng đến an toàn giao thông, công trình nạo vét luồng, điều tiết khống chế, tai nạn giao thông) và những vấn đề khác có liên quan.
Nội dung thông báo luồng đường thủy nội địa đột xuất bao gồm: thông báo hạn chế giao thông, thay đổi tuyến chạy tàu, điều chuyển khoang thông thuyền, điều tiết khống chế vật chướng ngại được đo tại một vị trí, khu vực bị hạn chế đối với phương tiện lưu thông trên tuyến. (khoản 4 Điều 11 Thông tư 19/2016/TT-BGTVT)
Yêu cầu thông báo luồng đường thủy nội địa theo quy định tại khoản 5 Điều 11 Thông tư 19/2016/TT-BGTVT như sau:
– Vị trí lấy theo lý trình tuyến đường thủy nội địa hoặc hệ tọa độ VN-2000 và hệ tọa độ WGS-84, độ chính xác 1/10 giây;
– Độ sâu thông báo luồng đường thủy nội địa là độ sâu của điểm cạn nhất trong khu vực thông báo tính bằng mét, độ chính xác 1/10 mét;
– Địa danh trong thông báo luồng đường thủy nội địa được lấy theo địa danh ghi trên bản đồ hoặc tài liệu quản lý luồng đường thủy nội địa, nếu chưa có trong các tài liệu trên thì sử dụng tên thường dùng của địa phương;
– Ngôn ngữ trong thông báo luồng đường thủy nội địa là tiếng Việt;
– Thời điểm có hiệu lực và hết hiệu lực (nếu có) của thông báo luồng đường thủy nội địa.
Trình tự thủ tục đối với trường hợp thông báo thường xuyên, đột xuất luồng đường thủy nội địa chuyên dung theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư 19/2016/TT-BGTVT được tiến hành như sau:
– Tổ chức, cá nhân có đường thủy nội địa chuyên dùng gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị công bố thông báo thường xuyên, đột xuất luồng đường thủy nội địa chuyên dùng đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Thông tư này;
– Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ phải hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ;
– Chậm nhất là 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 12 của Thông tư này thực hiện việc công bố thông báo luồng đường thủy nội địa. Trường hợp không công bố phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Sở Giao thông vận tải có thẩm quyền công bố thông báo luồng đường thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương. (khoản 2 Điều 12 Thông tư 19/2016/TT-BGTVT)
3. Xử lý vi phạm hành chính
Xử lý vi phạm về quản lý đường thủy nội địa theo Điều 7 Nghị định 135/2015/NĐ-CP:
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi thông báo không kịp thời theo quy định khi luồng thay đổi (khoản 1 Điều 7 Nghị định 135/2015/NĐ-CP).
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không thông báo theo quy định khi luồng thay đổi (khoản 2 Điều 7 Nghị định 135/2015/NĐ-CP).
Kết luận: Sau khi nhận đủ hồ sơ quy định, chậm nhất là 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ Sở giao thông vận tải thực hiện việc công bố thông báo luồng đường thủy nội địa. Trường hợp không công bố phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Thông báo thường xuyên, đột xuất luồng đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương