10. Cho ý kiến trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an ninh, quốc phòng trên đường thủy nội địa quốc gia
Cho ý kiến trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an ninh, quốc phòng trên đường thủy nội địa quốc gia được thực hiện theo Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 (sửa đổi bổ sung 2014), Thông tư 15/2016/TT-BGTVT. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:
1. Các khái niệm liên quan
Đường thủy nội địa là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải (khoản 4 Điều 3 Luật đường thủy nội địa 2004).
Tuyến đường thủy nội địa là một hoặc nhiều luồng chạy tàu thuyền trên sông, kênh, rạch, hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo. Chiều dài tuyến đường thủy nội địa được xác định từ điểm đầu đến điểm cuối (khoản 3 Điều 3 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT).
Theo Điều 4 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT, đường thủy nội địa được phân loại thành đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa địa phương và đường thủy nội địa chuyên dùng.
Đường thủy nội địa quốc gia là đường thủy nội địa nối liền các trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội, các đầu mối giao thông vận tải quan trọng phục vụ kinh tế, quốc phòng, an ninh quốc gia hoặc đường thủy nội địa có hoạt động vận tải thủy qua biên giới (khoản 1 Điều 4 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT).
Theo khoản 2 Điều 11 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT, các dự án xây dựng công trình có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa bao gồm:
– Xây dựng cầu vĩnh cửu, cầu tạm, âu tàu, bến phà, cảng, bến thủy nội địa bốc xếp hàng hóa và đón trả hành khách, phong điện, nhiệt điện, các công trình nổi, công trình ngầm trên đường thủy nội địa;
– Xây dựng, đường dây, đường ống vượt qua luồng trên không hoặc dưới đáy luồng;
– Xây dựng công trình kè, đập, thủy điện, thủy lợi, thủy điện kết hợp giao thông, thủy lợi kết hợp giao thông, công trình chính trị khác (trừ công trình khẩn cấp phòng, chống lụt bão, bảo vệ đê);
– Xây dựng cảng cá; cảng, bến làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng;
– Thi công nạo vét (trừ nạo vét bảo trì đường thủy nội địa hàng năm và nạo vét bảo đảm giao thông kết hợp tận thu sản phẩm);
– Khai thác tài nguyên;
– Thi công trục vớt, thanh thải vật chướng ngại;
– Các khu vực nuôi trồng thủy sản, hải sản (bè cá, đăng đáy cá, bài nuôi trồng thủy sản, hải sản), khu vực vùng nước hoạt động dạy nghề, vùng nước neo đậu phương tiện, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, khu vực thể thao trên đường thủy nội địa.
2. Thẩm quyền cho ý kiến trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình đảm bảo an ninh, quốc phòng trên đường thủy nội địa quốc gia
Bộ Giao thông vận tải cho ý kiến bằng văn bản đối với các công trình bảo đảm an ninh, quốc phòng trên đường thủy nội địa quốc gia (điểm a khoản 1 Điều 12 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT).
Lưu ý:
Các dự án xây dựng công trình liên quan đến giao thông đường thủy nội địa khi lập dự án đầu tư phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền và trước khi thi công công trình phải có văn bản chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa của cơ quan có thẩm quyền (khoản 1 Điều 11 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT).
3. Điều kiện cho ý kiến trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an ninh, quốc phòng trên đường thủy nội địa quốc gia
Theo Điều 13 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT, trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng các công trình liên quan đến giao thông đường thủy nội địa, chủ đầu tư phải thực hiện tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, và nộp đầy đủ hồ sơ đến Bộ Giao thông vận tải theo quy định.
Lưu ý:
Căn cứ tại Điều 13 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT, chủ đầu tư cần lưu ý những điểm sau:
– Nội dung văn bản đề nghị phải ghi rõ vị trí, quy mô công trình, tình hình thủy văn và các kết cấu chính của công trình.
– Trên bình đồ thể hiện cao độ tự nhiên mặt cắt ngang theo phạm vi dọc tuyến đường thủy nội địa đối với khu vực xây dựng công trình (trừ khu vực nuôi trồng thủy sản, hải sản, vùng nước hoạt động dạy nghề, vùng nước neo đậu phương tiện, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, khu vực thể thao).
– Đối với khu vực nuôi trồng thủy sản, hải sản, vùng nước hoạt động dạy nghề, vùng nước neo đậu phương tiện, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, khu vực thể thao, phải có tài kiệu kèm theo là bản vẽ thể hiện phạm vi (chiều dài, chiều rộng) khu vực, phạm vi luồng và hành lang bảo vệ luồng, khoảng cách đến các công trình hiện hữu liên quan khu vực và phương án bố trí báo hiệu bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa.
– Đối với công trình xây dựng cầu vĩnh cửu, cầu tạm: phải có tài kiệu kèm theo về dữ liệu về kích thước khoang thông thuyền (vị trí, khẩu độ cầu, chiều cao tĩnh không); mặt cắt dọc công trình thể hiện trên mặt cắt ngang sông;
– Đối với cầu quay, cầu cất, cầu nâng hạ, cầu phao; âu tàu, đập, thủy điện, thủy lợi, công trình thủy điện, thủy lợi kết hợp giao thông: phải có tài kiệu kèm theo về dữ liệu về khoang thông thuyền (vị trí, chiều rộng), thể hiện rõ phương án và công nghệ đóng, mở, bản vẽ thiết kế vùng nước dự kiến bố trí cho phương tiện thủy neo đậu khi chờ đợi, độ sâu tại khoang thông thuyền công trình thủy lợi kết hợp giao thông;
– Đối với công trình đường ống, đường dây vượt qua luồng trên không: phải có tài kiệu kèm theo là bản vẽ, các số liệu về khoang thông thuyền, thể hiện rõ điểm thấp nhất của đường dây, đường ống (điểm thấp nhất của đường dây điện tính cả hành lang an toàn lưới điện);
– Đối với công trình cảng cá; cảng làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; công trình phong điện, nhiệt điện; cảng, bến thủy nội địa, bến phà; kè: phải có tài kiệu kèm theo là bản vẽ thể hiện mặt bằng khu vực cảng, bến; công trình kè, chính trị khác; kích thước, kết cấu các cầu cảng, bến, kè, công trình chính trị khác và các công trình phụ trợ; vùng nước cần thiết cho hoạt động của cảng, bến, công trình phong điện, nhiệt điện;
– Đối với công trình ngầm, đường dây, đường ống dưới đáy luồng: phải có tài kiệu kèm theo là bản vẽ thể hiện khoảng cách, cao trình đỉnh công trình đến cao độ tự nhiên đáy luồng, phạm vi luồng và hành lang luồng đường thủy nội địa;
– Đối với khai thác tài nguyên, nạo vét: phải có tài kiệu kèm theo là bản vẽ các mặt cắt ngang và hồ sơ mốc để xác định vị trí nạo vét, đổ đất hoặc khai thác tài nguyên.
4. Thời hạn cho ý kiếntrong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình đảm bảo an ninh, quốc phòng trên đường thủy nội địa quốc gia
Theo khoản 1 Điều 13 Thông tư 15/2016/TT-BGTVT, thời hạn cho ý kiến được quy định như sau:
– Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ;
– Chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam báo cáo kết quả thẩm định trình Bộ Giao thông vận tải;
– Chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trình, Bộ Giao thông vận tải có văn bản cho ý kiến.
Kết luận: Cho ý kiến trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an ninh, quốc phòng trên đường thủy nội địa quốc gia là một thủ tục quan trọng, cần tuân thủ quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 (sửa đổi bổ sung 2014), Thông tư 15/2016/TT-BGTVT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cho ý kiến trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an ninh, quốc phòng trên đường thủy nội địa quốc gia