27. Thủ tục đối với phương tiện thủy nội địa rời/vào cảng, bến thủy nội địa

Posted on

Thủ tục đối với phương tiện thủy nội địa rời cảng, bến thủy nội địa là thủ tục bắt buộc thực hiện đối với phương tiện thủy nội địa muốn rời cảng, bến thủy nội địa. Thủ tục này được quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, Thông tư 177/2012/TT-BTC và Thông tư 50/2014/TT-BGTVT. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa thủ tục này như sau:

1. Một số khái niệm:

Phương tiện thuỷ nội địa là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thuỷ nội địa. (Khoản 7 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, Khoản 9 Điều 3 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT).

Cảng thủy nội địa là hệ thống các công trình được xây dựng để phương tiện thủy nội địa, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài neo đậu, xếp, dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ khác; cảng thủy nội địa có vùng đất cảng và vùng nước cảng. Cảng thủy nội địa bao gồm cảng tổng hợp, cảng hàng hóa, cảng hành khách, cảng chuyên dùng. (Khoản 1 Điều 3 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT)

Bến thủy nội địa là công trình độc lập có quy mô nhỏ, gồm vùng đất và vùng nước trước bến để phương tiện thủy nội địa neo, đậu xếp dỡ hàng hóa, đón, trả hành khách và thực hiện dịch vụ hỗ trợ khác. Bến thủy nội địa gồm bến hàng hóa, bến hành khách, bến tổng hợp, bến, khách ngang sông và bến chuyên dùng.( Khoản 6 Điều 3 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT).

2. Thủ tục đối với phương tiện thủy nội địa vào/rời cảng, bến thủy nội địa

Hoạt động của phương tiện, tàu biển tại cảng, bến thuỷ nội địa quy định tại Điều 70 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 như sau:

– Thuyền trưởng, người lái phương tiện chỉ được đưa phương tiện, tàu biển vào những cảng, bến thuỷ nội địa được phép hoạt động; khi ra, vào, neo đậu tại cảng, bến thuỷ nội địa phải thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

– Thuyền viên, người lái phương tiện của phương tiện, tàu biển hoạt động trong phạm vi cảng, bến thuỷ nội địa phải chấp hành các quy định pháp luật và nội quy của cảng, bến thuỷ nội địa đó.

Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến cấp giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT như sau:

-Trường hợp phương tiện thủy đã được cấp giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa nhưng vẫn neo đậu tại vùng nước cảng, bến quá 24 giờ thì thuyền trưởng, thuyền phó hoặc người lái phương tiện phải đến Văn phòng Cảng vụ làm lại thủ tục rời cảng, bến cho phương tiện thủy.

– Trường hợp phương tiện thủy nội địa vào cảng, bến thủy nội địa và lưu lại trong khoảng thời gian không quá 72 giờ hoặc giấy tờ, tài liệu khi làm thủ tục rời cảng, bến thủy nội địa không thay đổi so với khi vào thì được làm thủ tục rời cảng, bến thủy nội địa một lần.

Đối với phương tiện rời vào cảng, bến từ hai lần trở lên trong một ngày thì Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến chỉ kiểm tra thực tế lần đầu, từ lần thứ hai trong ngày chỉ kiểm tra điều kiện an toàn theo quy định.

Lưu ý: Phương tiện vận chuyển hành khách tại bến khách ngang sông không phải làm thủ tục rời bến. (khoản 5 Điều 16 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT).

Kết luận: Phương tiện thủy nội địa có nhu cầu rời cảng, bến thủy nội địa cần phải thực hiện thủ tục được quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, Thông tư 177/2012/TT-BTC và Thông tư 50/2014/TT-BGTVT.

Chi tiết thủ tục xem tại đây:

Thủ tục đối với phương tiện thủy nội địa rời cảng, bến thủy nội địa