34. Xác nhận hàng năm Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa
Xác nhận hàng năm Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa là thủ tục phát sinh trong quá trình hoạt động tại cảng thủy nội địa nhằm mục đích bảo đảm an ninh. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 và Thông tư 57/2013/TT-BGTVT).
1. Định nghĩa
Theo khoản 1 Điều 13 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, khoản 5 Điều 1 Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi:
– Cảng thủy nội địa là hệ thống công trình được xây dựng để phương tiện, tàu biển neo đậu, xếp dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ hỗ trợ khác. Cảng thủy nội địa có vùng đất cảng và vùng nước cảng.
Vùng đất cảng được giới hạn để xây dựng cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, lắp đặt thiết bị và công trình phụ trợ khác.
Vùng nước cảng được giới hạn để thiết lập vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu hạ tải, khu tránh bão.
– Cảng thủy nội địa gồm cảng tổng hợp, cảng hàng hóa, cảng hành khách, cảng chuyên dùng và được phân thành cảng loại I, loại II, loại III.
2. An ninh cảng thủy nội địa
2.1. Cấp độ an ninh cảng thủy nội địa
Cấp độ an ninh cảng thủy nội địa phân thành 03 cấp độ an ninh.
– Cấp độ an ninh 1 là cấp độ mà các biện pháp bảo vệ an ninh thích hợp phải được duy trì liên tục;
– Cấp độ an ninh 2 là cấp độ mà các biện pháp bảo vệ an ninh bổ sung phải được duy trì trong khoảng thời gian có nguy cơ cao của một sự cố an ninh;
– Cấp độ an ninh 3 là cấp độ mà các biện pháp bảo vệ an ninh cụ thể phải được duy trì trong khoảng thời gian hạn chế khi một sự cố an ninh có thể xảy ra hoặc sắp xảy ra, mặc dù có thể không xác định được mục tiêu cụ thể (Điều 4 Thông tư 57/2013/TT-BGTVT
2.2. Các biện pháp bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa
Các biện pháp bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa phải phù hợp với từng cấp độ an ninh (Điều 5 Thông tư 57/2013/TT-BGTVT):
– Cấp độ an ninh 1
+ Đảm bảo duy trì thực hiện mọi nhiệm vụ an ninh cảng thủy nội địa trong Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa;
+ Theo dõi tất các hoạt động diễn ra trong khu vực cảng thủy nội địa kể cả khu vực neo đậu;
+ Kiểm soát các khu vực hạn chế trong cảng;
+ Kiểm tra, giám sát khu vực làm hàng;
+ Kiểm tra, giám sát hoạt động nhận đồ dự trữ cho tàu;
+ Đảm bảo việc trao đổi thông tin an ninh kịp thời.
– Cấp độ an ninh 2
Các biện pháp bảo vệ bổ sung nêu trong Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa phải được triển khai thực hiện đối với mỗi hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này.
-Cấp độ an ninh 3
Các biện pháp tăng cường bảo vệ đặc biệt trong Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa phải được triển khai thực hiện đối với mỗi hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này.
2.3. Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa
Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa do doanh nghiệp khai thác cảng xây dựng theo mẫu quy định tại Phụ lục IIcủa Thông tư này và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhằm đảm bảo việc áp dụng các biện pháp bảo vệ người, cảng, tàu, hàng hóa, các đơn vị vận chuyển hàng hóa, đồ dự trữ của tàu trong phạm vi cảng, tránh các rủi ro của một sự cố an ninh.
Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa phải được lập và duy trì trên cơ sở đánh giá an ninh cảng thủy nội địa. Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa phải đưa ra các biện pháp phù hợp đối với ba cấp độ an ninh (Điều 7 Thông tư 57/2013/TT-BGTVT).
2.4. Cam kết an ninh cảng thủy nội địa
Theo Điều 8 Thông tư 57/2013/TT-BGTVT, Bản cam kết an ninh được thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này, dựa trên cơ sở đánh giá nguy cơ rủi ro có thể xảy ra từ các hoạt động giao tiếp giữa tàu với cảng hoặc giữa tàu với tàu đối với người, tài sản và môi trường.
– Tàu hoặc cảng có thể yêu cầu một bản cam kết an ninh trong trường hợp:
+ Tàu có cấp độ an ninh cao hơn so với cảng hoặc tàu khác mà nó đang giao tiếp;
+ Có ký kết thỏa thuận về cam kết an ninh giữa các nước ký kết đối với một số tuyến quốc tế hoặc đối với một số tàu cụ thể trên các tuyến đó;
+ Đã có mối đe dọa an ninh hoặc sự cố an ninh liên quan đến tàu hoặc cảng;
+ Tàu đang ở trong cảng, nhưng không yêu cầu cảng phải có và thực thi Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa đã được phê duyệt;
+ Tàu đang tiến hành các hoạt động giao tiếp với tàu khác, nhưng không yêu cầu phải có và thực thi một Kế hoạch an ninh tàu được phê duyệt.
– Nội dung trong bản cam kết an ninh phải được cảng hoặc tàu xác báo phù hợp với cấp độ an ninh của cảng và tàu.
– Bản cam kết an ninh phải do thuyền trưởng hoặc sĩ quan an ninh tàu và nhân viên an ninh cảng thủy nội địa hoặc tổ chức chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh trên bờ thay mặt cho cảng lập.
3. Hồ sơ thực hiện
– Doanh nghiệp khai thác cảng thủy nội địa gửi 01 bộ hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (khoản 1 Điều 15 Thông tư 57/2013/TT-BGTVT). Hồ sơ gồm:
+ Đơn đề nghị xác nhận hàng năm Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa theo mẫu quy định tại Phụ lục X của Thông tư này;
+ Bản đánh giá an ninh cảng thủy nội địa có ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng: hải quan, biên phòng, cảng vụ, y tế, cảnh sát đường thủy, công an, kiểm dịch;
+ Biên bản các buổi tập huấn hoặc diễn tập hoặc huấn luyện theo chương trình Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa dược phê duyệt;
+ Bản chính Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xem xét, nếu hồ sơ bảo đảm các điều kiện theo quy định thì xác nhận hàng năm Giấy chứng nhận phù hợp cảng thủy nội địa. Trường hợp hồ sơ không bảo đảm các điều kiện theo quy định phải trả lời doanh nghiệp bằng văn bản và nêu rõ lý do (khoản 2 Điều 15 Thông tư này).
Kết luận: Khi tiến hành thủ tục xác nhận hàng năm Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa thì doanh nghiệp khai thác cảng thủy nội địa nộp hồ sơ tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, đồng thời đáp ứng đầy đủ điều kiện tại Thông tư 57/2013/TT-BGTVT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Xác nhận hàng năm Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa