40. Cấp, cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ Điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa

Posted on

Trong quá trình hoạt động của mình, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh của các cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa có thể bị mất, hư hỏng hoặc cơ sở đó có sự thay đổi nội dung về địa chỉ hoạt động hay loại cơ sở đào tạo so với giấy chứng nhận đã được cấp. Sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Luật giao thông đường thủy nội địa 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018, Nghị định 132/2015/NĐCP, Nghị định 78/2016/NĐ-CP, Nghị định 128/2018/NĐ-CP, Thông tư 01/2017/TT-BGTVT, Thông tư 18/2018/TT-BGTVT và Quyết định 52/QĐ-BGTVT về thủ tục cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.

1.Một số khái niệm liên quan

– Căn cứ theo quy định tại Khoản 4, 7, 18 và 20 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

+ Đường thủy nội địa là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thuỷ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.

+ Phương tiện thuỷ nội địa (sau đây gọi là phương tiện) là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thuỷ nội địa.

+ Thuyền viên là người làm việc theo chức danh quy định trên phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa hoặc phương tiện có sức chở trên 12 người.

+ Người lái phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa hoặc phương tiện có sức chở đến 12 người hoặc bè.

Hoạt động giao thông đường thủy nội địa quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 bao gồm hoạt động của người, phương tiện tham gia giao thông vận tải trên đường thủy nội địa; hoạt động quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, xây dựng, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa và quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa.

Lưu ý:

Tại Điều 35 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về điều kiện của người lái phương tiện như sau:

– Người lái phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người phải có các điều kiện sau đây:

+ Đủ 18 tuổi trở lên và không quá 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam;

+ Có chứng nhận đủ sức khoẻ của cơ quan y tế và biết bơi;

+ Có chứng chỉ lái phương tiện.

– Người lái phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc có sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người phải đủ 15 tuổi trở lên, đủ sức khoẻ, biết bơi, phải học tập pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa và được cấp giấy chứng nhận. Trường hợp sử dụng phương tiện vào mục đích kinh doanh thì độ tuổi của người lái phương tiện phải tuân theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

2.Cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa

– Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 78/2016/NĐ-CP thì cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa được thành lập hợp pháp và phải đáp ứng các Điều kiện về cơ sở đào tạo theo quy định tại Nghị định 78/2016/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

– Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 78/2016/NĐ-CP thì cơ sở đào tạo được chia thành bốn loại, bao gồm:

+ Cơ sở đào tạo loại 1: Được phép đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng để cấp các loại giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa.

+ Cơ sở đào tạo loại 2: Được phép đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng để cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn từ hạng nhì trở xuống, chứng chỉ chuyên môn;

 + Cơ sở đào tạo loại 3: Được phép đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng để cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn từ hạng ba trở xuống, chứng chỉ chuyên môn.

 + Cơ sở đào tạo loại 4: Được phép đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng để cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hạng tư, chứng chỉ nghiệp vụ.

Lưu ý: Tại Chương II Nghị định 78/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 128/2018/NĐ-CP) thì cơ sở đào tạo phải đáp ứng được những điều kiện sau:

Về điều kiện về phòng học chuyên môn, phòng thi, kiểm tra: Hệ thống phòng học chuyên môn và phòng thi, kiểm tra phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống phòng học chuyên môn, phòng thi, kiểm tra; xưởng thực hành; khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy của cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, bao gồm: Phòng học pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, phòng học điều khiển phương tiện thủy nội địa, phòng học lý thuyết máy – điện và phòng học thủy nghiệp cơ bản. Phòng thi, kiểm tra có thể được bố trí chung với các phòng học chuyên môn.

Về xưởng thực hành: Các xưởng thực hành phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống phòng học chuyên môn, phòng thi, kiểm tra; xưởng thực hành; khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy của cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, bao gồm: Xưởng thực hành nguội – cơ khí, thực hành máy – điện.

Về khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy:
+ Khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống phòng học chuyên môn, phòng thi, kiểm tra; xưởng thực hành; khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy của cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

+ Phương tiện thực hành phải có giấy tờ hợp pháp về đăng ký, đăng kiểm, các trang thiết bị phục vụ hành trình, cứu sinh, cứu hỏa, cứu thủng và phải treo biển “Phương tiện huấn luyện” ở vị trí dễ quan sát trong khi huấn luyện.”

Về nội dung, chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa: Nội dung, chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Về đội ngũ giáo viên:
+ Tiêu chuẩn của đội ngũ giáo viên được thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

+ Đối với giáo viên dạy thực hành, ngoài tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau:

Giáo viên dạy thực hành thuyền trưởng, máy trưởng phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng cao hơn ít nhất 01 hạng so với hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn được phân công giảng dạy;

Giáo viên dạy thực hành thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất và có thời gian đảm nhiệm chức danh hạng nhất từ 36 tháng trở lên.

3.Các trường hợp được cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ Điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 78/2016/NĐ-CP thì cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa sẽ được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khi thuộc một trong các trường hợp sau:

– Bị mất

– Bị hỏng

– Thay đổi địa chỉ hoặc loại cơ sở đào tạo.

4. Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Nghị định 132/2015/NĐ-CP thì cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện có thể bị xử phạt hành chính về những hành vi vi phạm với các mức phạt tiền cụ thể như sau:

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Không thực hiện đúng quy chế tuyển sinh;

+ Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nội dung, chương trình đào tạo theo quy định.

– Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Không bảo đảm tiêu chuẩn phòng học, xưởng và khu vực thực hành theo quy định;

+ Tài liệu giảng dạy không bảo đảm theo quy định;

+ Giáo viên giảng dạy, hướng dẫn thực hành không bảo đảm điều kiện theo quy định;

+ Không thực hiện đúng quy chế thi, kiểm tra đối với học viên.

Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm Không bảo đảm tiêu chuẩn phòng học, xưởng và khu vực thực hành theo quy định.

Bên cạnh đó, tại Điều 36 nghị định 132/2015/NĐ-CP quy định: Thanh tra giao thông có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong phạm vi quản lý được giao đối với hành vi vi phạm quy định về cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện.

Kết luận: Các cơ sở đào tạo khi đăng ký cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ Điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa phải tuân thủ theo quy định tại Luật giao thông đường thủy nội địa 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018, Nghị định 132/2015/NĐCP, Nghị định 78/2016/NĐ-CPNghị định 128/2018/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ Điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa