43. Đăng ký lại phương tiện trong tất cả các trường hợp (trong trường hợp chuyển quyền sở hữu phương tiện đồng thời thay đổi cơ quan đăng ký phương tiện; trường hợp chuyển quyền sở hữu phương tiện nhưng không thay đổi cơ quan đăng ký phương tiện; trường hợp phương tiện thay đổi tên, tính năng kỹ thuật; phương tiện trong trường hợp chuyển từ cơ quan đăng ký khác sang cơ quan đăng ký phương tiện thủy nội địa; trường hợp chủ phương tiện thay đổi trụ sở hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của chủ phương tiện sang đơn vị hành chính cấp tỉnh khác)
Đăng ký lại phương tiện trong trường hợp chuyển từ cơ quan đăng ký khác sang cơ quan đăng ký phương tiện thủy nội địa là thủ tục hành chính do tổ chức hoặc cá nhân thực hiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Luật Giao thông đường thủy nội địa, Nghị định 132/2015/NĐ-CP, Thông tư 75/2014/TT-BGTVT.
1. Một số khái niệm cơ bản
Phương tiện thủy nội địa (sau đây gọi là phương tiện) là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thuỷ nội địa. (khoản 7 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004)
Phiên tiện thô sơ là phương tiện không có động cơ chỉ di chuyển bằng sức người hoặc sức gió, sức nước. (khoản 8 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004)
Bè là phương tiện được kết ghép lại bằng tre, nứa, gỗ hoặc các vật nổi khác để chuyển đi hoặc dùng làm phương tiện vận chuyển tạm thời trên đường thuỷ nội địa.(khoản 9 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004)
Hoán cải phương tiện là việc thay đổi tính năng, kết cấu, công dụng của phương tiện. (khoản 10 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004)
Trọng tải toàn phần của phương tiện là khối lượng tính bằng tấn của hàng hoá, nhiên liệu, dầu bôi trơn, nước trong khoang két, lương thực, thực phẩm, hành khách và hành lý, thuyền viên và tư trang của họ. (khoản 14 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004)
Sức chở người của phương tiện là số lượng người tối đa được phép chở trên phương tiện, trừ thuyền viên, người lái phương tiện và trẻ em dưới một tuổi. (khoản 15 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004)
2. Điều kiện hoạt động của phương tiện thủy nội địa.
Điều kiện hoạt động của phương tiện thủy nội địa quy định tại Điều 24 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 như sau:
Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa, phương tiện có sức chở trên 12 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm các điều kiện sau:
– Đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 26 của Luật giao thông đường thủy nội địa 2004;
– Có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; kẻ hoặc gắn số đăng ký, vạch dấu mớn nước an toàn, ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện;
– Có đủ định biên thuyền viên và danh bạ thuyền viên theo quy định.
Đối với phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 24 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004.
Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa và bảo đảm điều kiện an toàn như sau:
– Thân phương tiện phải chắc chắn, không bị rò nước vào bên trong; phương tiện phải thắp một đèn có ánh sáng trắng ở nơi dễ nhìn nếu hoạt động vào ban đêm; phương tiện chở người phải có đủ chỗ cho người ngồi cân bằng trên phương tiện và có đủ áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh cho số người được phép chở trên phương tiện;
– Máy lắp trên phương tiện phải chắc chắn, an toàn, dễ khởi động và hoạt động ổn định;
– Phương tiện phải được kẻ hoặc gắn số đăng ký, ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện;
– Phương tiện phải được sơn vạch dấu mớn nước an toàn và khi chở người, chở hàng không được ngập qua vạch dấu mớn nước an toàn. Dấu mớn nước an toàn của phương tiện được sơn một vạch có màu khác với màu sơn mạn phương tiện; vạch sơn có chiều rộng 25 milimét, chiều dài 250 milimét nằm ngang trên hai bên mạn tại vị trí giữa của chiều dài lớn nhất của phương tiện; mép trên của vạch sơn cách mép mạn 100 milimét đối với phương tiện chở hàng, cách mép mạn 200 milimét đối với phương tiện chở người.
Đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm điều kiện an toàn quy định tại điểm a khoản 3 Điều 24 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004.
Phương tiện phải bảo đảm còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ.
3. Đăng ký phương tiện thủy nội địa.
Đăng ký phương tiện thủy nội địa được quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 25 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 như sau:
– Phương tiện có nguồn gốc hợp pháp, đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký.
– Phương tiện của tổ chức, cá nhân được đăng ký tại nơi chủ phương tiện đặt trụ sở hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Lưu ý:
– Miễn đăng ký đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè.(Khoản 7 Điều 25 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004)
– Phương tiện có đủ hồ sơ theo quy định sẽ được cơ quan đăng ký phương tiện có thẩm quyền quy định tại Điều 8 Thông tư này đăng ký vào Sổ đăng ký phương tiện thủy nội địa và cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa.( Khoản 1 Điều 3 Thông tư 75/2014/TT-BGTVT)
– Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân chưa có hộ khẩu thường trú nhưng có đăng ký tạm trú tại địa phương thì việc đăng ký phương tiện được thực hiện như trường hợp có hộ khẩu đăng ký thường trú. (Khoản 2 Điều 3 Thông tư 75/2014/TT-BGTVT)
4. Các trường hợp phải đăng ký lại phương tiện.
Phương tiện phải đăng ký lại trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 25 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 như sau:
– Chuyển quyền sở hữu;
– Thay đổi tên, tính năng kỹ thuật;
– Trụ sở hoặc nơi đăng ký thường trú của chủ phương tiện chuyển sang đơn vị hành chính cấp tỉnh khác;
– Chuyển đăng ký từ cơ quan đăng ký khác sang cơ quan đăng ký phương tiện thủy nội địa.
5. Xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 11 Nghị định 132/2015/NĐ-CP: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm dưới đây, áp dụng cho phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 01 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 05 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 05 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 05 người đối với hành vi
– Không đăng ký lại phương tiện theo quy định hoặc không khai báo để xóa tên phương tiện hoặc không nộp lại giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo quy định;
Kết luận: Đăng ký lại phương tiện trong trường hợp chuyển từ cơ quan đăng ký khác sang cơ quan đăng ký phương tiện thủy nội địa là thủ tục hành chính do tổ chức hoặc cá nhân thực hiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện. Khi thực hiện thủ tục này các tổ chức hoặc cá nhân cần phải tuân thủ theo quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), Nghị định 132/2015/NĐ-CP, Thông tư 75/2014/TT-BGTVT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Đăng ký lại phương tiện trong trường hợp chuyển từ cơ quan đăng ký khác sang cơ quan đăng ký phương tiện thủy nội địa.