5. Cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu nhiên liệu 2001 (BCC)

Posted on

Tàu biển chuyên dùng để vận chuyển dầu nhiên liệu bắt buộc phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu về ô nhiễm môi trường khi hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung thủ tục Cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu nhiên liệu 2001 (BCC) theo Bộ luật hàng hải 2015, Nghị định 142/2017/NĐ-CP, Thông tư 46/2011/TT-BGTVT, Thông tư 28/2019/TT-BGTVT.

1. Khái quát chung

– GT là ký hiệu viết tắt của tổng dung tích của tàu biển được xác định theo Công ước quốc tế về đo dung tích tàu biển năm 1969 (khoản 25 Điều 4 Luật 95/2015/QH13).

Tàu biển chuyên dùng để vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc hàng hóa nguy hiểm khác bắt buộc phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu về ô nhiễm môi trường khi hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam được quy định tại khoản 4 Điều 105 Luật 95/2015/QH13.

– Theo yêu cầu của người được bảo hiểm, người bảo hiểm có nghĩa vụ cấp đơn bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm cho người được bảo hiểm. Đơn bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng về việc giao kết hợp đồng bảo hiểm hàng hải (khoản 1 Điều 307 Luật 95/2015/QH13).

Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu nhiên liệu (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) do Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải, Cảng vụ hàng hải được Cục Hàng hải Việt Nam phân cấp thực hiện công tác đăng ký tàu biển (sau đây gọi chung là Cơ quan đăng ký tàu biển) cấp để xác nhận đơn bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính đối với tàu biển có hiệu lực, đáp ứng yêu cầu tại Điều 7 của Công ước Bunker 2001 (Điều 1 Thông tư 28/2019/TT-BGTVT).

2. Đối tượng được cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu nhiên liệu 2001 (BCC)

– Tàu biển Việt Nam có tổng dung tích trên 1000 GT hoạt động tuyến quốc tế;

– Tàu biển Việt Nam có tổng dung tích trên 1000 GT hoạt động tuyến nội địa, tàu biển nước ngoài có tổng dung tích trên 1000 GT sẽ được cấp Giấy chứng nhận nếu chủ tàu có yêu cầu (Điều 4 Thông tư 46/2011/TT-BGTVT).

3. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu nhiên liệu 2001 (BCC)

Tàu biển quy định tại mục 2 có đơn bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu nhiên liệu theo quy định của Công ước Bunker 2001 (Điều 5 Thông tư 46/2011/TT-BGTVT).

4. Cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu nhiên liệu 2001 (BCC)

Thời hạn cấp Giấy chứng nhận: Chậm nhất 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cơ quan đăng ký tàu biển cấp Giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục II.

Chủ tàu nhận Giấy chứng nhận trực tiếp tại Cơ quan đăng ký tàu biển hoặc qua hệ thống bưu chính (Điều 9 Thông tư 46/2011/TT-BGTVT).

Thời hạn sử dụng của Giấy chứng nhận tương ứng với thời hạn ghi trong đơn bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo đảm tài chính được cấp của tàu biển đó. (khoản 2 Điều 3 Thông tư 46/2011/TT-BGTVT).

Giấy chứng nhận được cấp 01 (một) bản chính cho chủ tàu và 01 (một) bản sao (chụp) lưu tại Cơ quan đăng ký tàu biển (khoản 3 Điều 3 Thông tư 46/2011/TT-BGTVT).

Lưu ý:

Giấy chứng nhận đã cấp có thể bị thu hồi khi vi phạm một trong các trường hợp sau: (Điều 11 Thông tư 46/2011/TT-BGTVT).

– Giả mạo hoặc sửa chữa, tẩy xoá, làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận;

– Mua bán, cho thuê, cho mượn Giấy chứng nhận;

– Cố tình khai báo sai lệch thông tin hoặc sử dụng giấy tờ sửa chữa, giả mạo trong hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận.

4. Xử phạt hành chính

Đối với hành vi không có hoặc có giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính đối với tàu thuyền chở khách, chở dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác nhưng đã hết hạn sử dụng theo quy định sẽ bị xử phạt như sau: (khoản 4 Điều 40 Nghị định 142/2017/NĐ-CP):

– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu thuyền chở khách dưới 50 người; tàu thuyền chở dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác có tổng dung tích dưới 200 GT;

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tàu thuyền chở khách từ 50 người đến dưới 100 người; tàu thuyền chở dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác có tổng dung tích từ 200 GT đến dưới 500 GT;

– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tàu thuyền chở khách từ 100 người đến dưới 300 người; tàu thuyền chở dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác có tổng dung tích từ 500 GT đến dưới 3.000 GT;

– Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với tàu thuyền chở khách từ 300 người trở lên; tàu thuyền chở dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác có tổng dung tích từ 3.000 GT trở lên”.

Kết luận: Việc Cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu nhiên liệu 2001 (BCC) cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Nghị định 142/2017/NĐ-CP, Thông tư 46/2011/TT-BGTVT, Thông tư 28/2019/TT-BGTVT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu nhiên liệu 2001 (BCC)