36. Đăng ký tàu biển tạm thời
Trong quá trình đăng ký tàu biển, tổ chức, cá nhân sẽ được đăng ký tàu biển tạm thời nếu thuộc các trường hợp pháp luật quy định. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Nghị định 171/2016/NĐ-CP và Thông tư 189/2016/TT-BTC như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Tàu thuyền là phương tiện hoạt động trên mặt nước hoặc dưới mặt nước bao gồm tàu, thuyền và các phương tiện khác có động cơ hoặc không có động cơ (khoản 1 Điều 4 Bộ Luật hàng hải 2015).
Đăng ký tàu biển là việc cơ quan có thẩm quyền về đăng ký tàu biển tại Việt Nam thực hiện ghi, lưu trữ các thông tin về tàu biển vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu biển theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp Luật. Đăng ký tàu biển bao gồm các hình thức sau (khoản 1 Điều 3 Nghị định 171/2016/NĐ-CP):
– Đăng ký tàu biển không thời hạn;
– Đăng ký tàu biển có thời hạn;
– Đăng ký thay đổi;
– Đăng ký tàu biển tạm thời;
– Đăng ký tàu biển đang đóng;
– Đăng ký tàu biển loại nhỏ.
Đăng ký tàu biển tạm thời là việc đăng ký tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài tạm thời mang cờ quốc tịch Việt Nam trong các trường hợp (khoản 5 Điều 3 Nghị định 171/2016/NĐ-CP):
– Chưa nộp phí, lệ phí theo quy định;
– Chưa có giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu biển nhưng đã có cam kết trong hợp đồng mua, bán tàu biển là bên bán sẽ giao giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu biển cho bên mua; trong trường hợp này Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu biển Việt Nam chỉ có hiệu lực kể từ ngày hai bên mua, bán ký biên bản bàn giao tàu;
– Thử tàu đóng mới hoặc nhận tàu đóng mới để đưa về nơi đăng ký trên cơ sở hợp đồng đóng tàu.
2. Đặt tên tàu biển
Tên tàu biển do chủ tàu tự đặt và phù hợp với các quy định sau (khoản 1 Điều 8 Nghị định 171/2016/NĐ-CP và Điều 21 Bộ Luật hàng hải 2015):
– Tên tàu biển do chủ tàu đặt nhưng không được trùng với tên tàu biển đã đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam;
– Không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên của tàu biển, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó;
– Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
3. Đăng ký tàu biển tạm thời
Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu biển Việt Nam được cấp 01 bản chính cho chủ tàu đăng ký tàu biển tạm thời mang cờ quốc tịch Việt Nam theo mẫu Nghị định này quy định. Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu biển Việt Nam có giá trị sử dụng trong 180 ngày kể từ ngày cấp (điểm a, b khoản 1 Điều 11 Nghị định 171/2016/NĐ-CP).
Lưu ý:
– Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu biển Việt Nam hết hiệu lực khi tàu biển chưa thể về Việt Nam để hoàn thành thủ tục đăng ký chính thức theo quy định tại Nghị định này, cơ quan đăng ký tàu biển nơi cấp Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu biển Việt Nam gia hạn đăng ký một lần nhưng thời gian gia hạn không quá 180 ngày, kể từ ngày hết hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu biển Việt Nam được cấp lần đầu (điểm c khoản 1 Điều 11 Nghị định 171/2016/NĐ-CP);
– Trường hợp sau khi gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu biển Việt Nam quy định tại điểm c khoản này mà tàu biển vẫn chưa thể về Việt Nam để hoàn thành thủ tục đăng ký chính thức vì lý do bất khả kháng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định gia hạn thời gian đăng ký tàu biển tạm thời nhưng thời gian gia hạn không quá 180 ngày (điểm d khoản 1 Điều 11 Nghị định 171/2016/NĐ-CP).
Lưu ý:
– Trường hợp giấy chứng nhận đăng ký tàu biển bị mất, bị rách nát, hư hỏng, cơ quan đăng ký tàu biển cấp lại cho chủ tàu trên cơ sở hình thức đăng ký trước đó của tàu biển (khoản 1 Điều 16 Nghị định 171/2016/NĐ-CP).
4. Xóa đăng ký tàu biển Việt Nam
Tàu biển Việt Nam phải xóa đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam trong trường hợp sau đây (khoản 1 Điều 25 Bộ Luật hàng hải 2015):
– Bị phá hủy, phá dỡ hoặc chìm đắm mà không thể trục vớt được;
– Mất tích;
– Không còn đủ điều kiện để được mang cờ quốc tịch Việt Nam;
– Không còn tính năng tàu biển;
– Theo đề nghị của chủ tàu hoặc người đứng tên đăng ký tàu biển.
Lưu ý:
– Tàu biển Việt Nam đăng ký tạm thời thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều 3 Nghị định 171/2016/NĐ-CP không được xóa đăng ký nếu chưa nộp phí, lệ phí theo quy định (khoản 14 Điều 1 Nghị định 86/2020/NĐ-CP).
Lưu ý:
– Trong trường hợp không còn tính năng tàu biển hoặc theo đề nghị của chủ tàu hoặc người đứng tên đăng ký tàu biển, tàu biển đang thế chấp chỉ được xóa đăng ký tàu biển Việt Nam, nếu người nhận thế chấp tàu biển đó chấp thuận (khoản 2 Điều 25 Bộ Luật hàng hải Việt Nam năm 2015).
– Khi xóa đăng ký tàu biển hoặc xóa đăng ký tàu biển đang đóng, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam hoặc Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển đang đóng và cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký (khoản 3 Điều 25 Bộ Luật hàng hải 2015).
Kết luận: Để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời, tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến cơ quan đăng ký tàu biển hoặc bằng các hình thức phù hợp khác. Trình tự thủ tục đăng ký tàu biển tạm thời phải đảm bảo tuân theo Điều 11 Nghị định 171/2016/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Đăng ký tàu biển tạm thời