77. Chấp thuận vị trí đổ chất nạo vét trên bờ đối với hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa

Posted on

Chủ đầu tư, nhà đầu tư thực hiện đổ chất nạo vét trên bờ đối với hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa cần được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung thủ tục Chấp thuận vị trí đổ chất nạo vét trên bờ đối với hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa theo Nghị định 139/2021/-CP, Nghị định 159/2018/NĐ-CP, Thông tư 33/2019/TT-BGTVT.

1. Khái quát chung

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 159/2018/NĐ-CP quy định: Vùng nước đường thủy nội địa bao gồm đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu tránh trú bão, khu chuyển tải, khu neo đậu tàu thuyền.

Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 159/2018/NĐ-CP quy định: Cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về đường thủy nội địa tại khu vực được giao quản lý, gồm Chi cục đường thủy nội địa, Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông vận tải nơi không tổ chức Cảng vụ đường thủy nội địa địa phương.

Theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 159/2018/NĐ-CP quy định: Hoạt động nạo vét là hoạt động sử dụng phương tiện, thiết bị cơ giới, thủy lực thi công dưới nước để lấy đi vật chất dưới đáy (chất nạo vét); bao gồm các hoạt động nạo vét thi công công trình, nạo vét thu hồi sản phẩm.

Theo Điều 4 Nghị định 159/2018/NĐ-CP quy định về nguyên tắc hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa:

+ Hoạt động nạo vét phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn cộng đồng dân cư, hệ thống công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phòng chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông và không ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng hàng hải, giao thông đường thủy nội địa và các công trình khác.

+ Không thực hiện các hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa mà các hoạt động đó có thể gây cản trở hoạt động tránh trú của tàu thuyền vào mùa lũ lụt, khi có thiên tai xảy ra.

+ Trước khi tiến hành hoạt động nạo vét, đơn vị thi công nạo vét thông báo kế hoạch triển khai thực hiện (thời gian, tiến độ thi công, quy mô công trình, chủng loại và số lượng phương tiện thi công, hình thức thực hiện) đến cơ quan quản lý chuyên ngành (Cảng vụ Hàng hải khu vực, cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực), chính quyền địa phương nơi có công trình và có bảng niêm yết tại công trường trong suốt quá trình thi công. Bảng niêm yết thể hiện các nội dung về cơ quan phê duyệt, chủ đầu tư, nhà đầu tư, tổ chức tư vấn giám sát, đơn vị thi công, quy mô công trình, tiến độ thi công, thời gian bắt đầu thi công, thời gian hoàn thành, nguồn vốn thực hiện, hình thức thực hiện.

+ Các dự án nạo vét cơ bản thuộc đường thủy nội địa phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận phương án thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Trường hợp các dự án nạo vét cơ bản thuộc đường thủy nội địa có đê còn phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý; đối với dự án nạo vét cơ bản ở các tuyến đường thủy nội địa có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt hoặc thuộc địa bàn từ 02 tỉnh trở lên, phải lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi phê duyệt dự án.

+ Chất nạo vét phải được quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về đất đai, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

2. Trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà đầu tư công trình nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa

Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 159/2018/NĐ-CP:

Chủ đầu tư, nhà đầu tư công trình nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa chịu trách nhiệm tổ chức giám sát công tác thi công, đổ chất nạo vét trong suốt thời gian từ khi bắt đầu đến khi kết thúc hoạt động nạo vét, bao gồm và không giới hạn bởi các nội dung sau:

– Tổ chức giám sát chặt chẽ phương tiện thi công nạo vét đảm bảo thi công đúng phạm vi, thiết kế công trình;

– Tổ chức giám sát chặt chẽ phương tiện vận chuyển đổ chất nạo vét, hành trình của các phương tiện và nhận chìm chất nạo vét, đổ thải ở biển tại vị trí được cơ quan có thẩm quyền cấp phép phê duyệt;

– Tổ chức kiểm tra, giám sát lắp đặt, duy trì hoạt động hệ thống giám sát nạo vét, tổ chức quản lý dữ liệu của hệ thống giám sát nạo vét và được kết nối với hệ thống giám sát của cơ quan có thẩm quyền để đáp ứng yêu cầu quản lý, kiểm tra giám sát, tra cứu dữ liệu khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

– Tổ chức giám sát thi công nạo vét bảo đảm các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường và các yêu cầu khác theo quy định pháp luật”.

3. Chấp thuận vị trí đổ chất nạo vét trên bờ đối với hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa

Việc xác định vị trí đổ chất nạo vét trên bờ đối với hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa được thực hiện như sau:

+ Chủ đầu tư hoặc nhà đầu tư gửi văn bản đề nghị đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) để được bố trí và chấp thuận vị trí đổ chất nạo vét cho công trình.

Trong thời gian 15 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có văn bản trả lời về việc bố trí vị trí đổ chất nạo vét phù hợp cho công trình; trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

+ Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa công bố hoặc không bố trí được vị trí đổ chất nạo vét, các chủ đầu tư, nhà đầu tư sẽ chủ động tìm kiếm vị trí đổ chất nạo vét và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để được chấp thuận, làm cơ sở triển khai thực hiện.

Trong thời gian 15 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có văn bản trả lời về việc bố trí vị trí đổ chất nạo vét phù hợp cho công trình; trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do (khoản 3 Điều 7 Nghị định 159/2018/NĐ-CP).

4. Xử phạt vi phạm hành chính

Theo Điều 7 Nghị định 139/2021/-CP, các hành vi sau đây sẽ bị xử phạt vi vi phạm hành chính liên quan đến nạo vét vùng nước đường thủy nội địa:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

+ Sử dụng mỗi phương tiện nạo vét, phương tiện vận chuyển chất nạo vét để thực hiện nạo vét mà không lắp đặt hệ thống giám sát nạo vét theo quy định;

+ Hệ thống giám sát nạo vét trên mỗi phương tiện nạo vét, phương tiện vận chuyển chất nạo vét không bảo đâm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định;

+ Hệ thống giám sát nạo vét trên mỗi phương tiện nạo vét, phương tiện vận chuyển chất nạo vét không hoạt động theo quy định;

+ Sử dụng mỗi phương tiện nạo vét, phương tiện vận chuyển chất nạo vét không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định;

+ Không ghi kết quả giám sát hoặc ghi kết quả giám sát về quá trình thi công nạo vét và vận chuyển đổ chất nạo vét không đúng quy định;

+ Không ghi nhật ký hoặc ghi nhật ký thi công nạo vét không đúng quy định;

+ Không có bảng niêm yết thông tin hoặc bảng niêm yết thông tin tại công trường nạo vét không đúng quy định;

+ Không thông báo kế hoạch triển khai thực hiện (thời gian, tiến độ thi công, quy mô công trình, chủng loại, số lượng phương tiện thi công, hình thức thực hiện) trước khi tiến hành thi công nạo vét cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

+ Thực hiện không đúng phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trong suốt quá trình thi công công trình trên đường thủy nội địa, trừ trường hợp quy định tại Điều 10 Nghị định này.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

+ Không có đủ hồ sơ về bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định;

+ Không có phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trong suốt quá trình thi công công trình trên đường thủy nội địa;

+ Không thực hiện phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trong suốt quá trình thi công công trình trên đường thủy nội địa, trừ trường hợp quy định tại Điều 10 Nghị định này.

Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi nạo vét vùng nước đường thủy nội địa không đúng vị trí, phạm vi, khu vực nạo vét, độ sâu, mái dốc thiết kế (có kể đến các sai số cho phép theo quy định) đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi nạo vét trong vùng nước đường thủy nội địa mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận theo quy định.

Kết luận: Việc Chấp thuận vị trí đổ chất nạo vét trên bờ đối với hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa cần tuân thủ quy định tại Nghị định 159/2018/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Chấp thuận vị trí đổ chất nạo vét trên bờ đối với hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa