19. Phê duyệt Hợp đồng hợp tác liên quan trực tiếp đến quyền vận chuyển hàng không
Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng nhau chịu trách nhiệm. Để thúc đẩy và thuận tiện trong quá trình vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện hàng không thì các hãng hàng không cần tham gia giao kết hợp đồng hợp tác liên quan trực tiếp đến quyền vận chuyển hàng không và cần phải được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyển. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung về việc Phê duyệt Hợp đồng hợp tác liên quan trực tiếp đến quyền vận chuyển hàng không theo Bộ luật dân sự 2015, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, sửa đổi, bổ sung 2014, Thông tư 81/2014/TT-BGTVT như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
1.1. Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng nhau chịu trách nhiệm (khoản 1 Điều 504 Bộ luật dân sự 2015).
Hợp đồng hợp tác liên quan trực tiếp đến quyền vận chuyển hàng không bao gồm các loại hợp đồng sau (khoản 1 Điều 18 Thông tư 81/2014/TT-BGTVT):
– Hợp đồng liên danh
– Hợp đồng khác mà đối tượng trực tiếp là việc khai thác, sử dụng quyền vận chuyển hàng không.
Hợp đồng liên danh là hợp đồng trong đó có nội dung hãng hàng không sử dụng số hiệu chuyến bay của mình trên chuyến bay do hãng hàng không khai thác tại Việt Nam (khoản 2 Điều 18 Thông tư 81/2014/TT-BGTVT).
1.2. Quyền vận chuyển hàng không là quyền khai thác thương mại vận chuyển hàng không với các điều kiện về hãng hàng không, đường bay, tàu bay khai thác, chuyến bay và đối tượng vận chuyển (khoản 2 Điều 112 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006). Và quyền vận chuyển hàng không sẽ được cấp khi Hãng hàng Việt Nam phải cung cấp bản sao hợp đồng hợp tác liên quan trực tiếp đến quyền vận chuyển hàng không và các tài liệu có liên quan đến Bộ giao thông vận tả để xem xét và phê chuẩn (khoản 6 Điều 113 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006).
Yêu cầu đối với việc khai thác quyền vận chuyển hàng không bao gồm (Điều 20 Thông tư 81/2014/TT-BGTVT):
– Hãng hàng không chỉ được phép kinh doanh vận chuyển hàng không trong phạm vi quyền vận chuyển hàng không được cấp.
– Các hãng hàng không không được mua bán quyền vận chuyển hàng không, thực hiện các hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm hoặc cạnh tranh không lành mạnh.
Lưu ý:
Hãng hàng không bị thu hồi quyền vận chuyển hàng không thường lệ trong các trường hợp sau đây (khoản 4 Điều 113 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006):
– Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không và khai thác vận chuyển hàng không;
– Không bắt đầu khai thác quyền vận chuyển hàng không trong thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày được cấp;
– Ngừng khai thác quyền vận chuyển hàng không mười hai tháng liên tục;
– Theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Yêu cầu đối với việc ký kết và thực hiện hợp đồng hợp tác liên quan đến trực tiếp đến quyền vận chuyển hàng không
Yêu cầu đối với việc ký kết và thực hiện hợp đồng hợp tác liên quan trực tiếp đến quyền vận chuyển hàng không bao gồm (khoản 3 Điều 18 Thông tư 81/2014/TT-BGTVT):
– Hợp đồng phải có điều khoản quy định chỉ có hiệu lực sau khi được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt;
– Các hãng hàng không tham gia hợp đồng có các quyền vận chuyển hàng không trên các đường bay tương ứng; việc phê duyệt hợp đồng phải đảm bảo quyền lợi chung của Việt Nam, của hãng hàng không Việt Nam;
– Đối với hoạt động liên danh giữa các hãng hàng không nước ngoài trên các đường bay đến và đi từ Việt Nam, các hãng hàng không nước ngoài phải đệ trình lịch bay liên danh đến Cục Hàng không Việt Nam để xem xét phê duyệt theo quy định của điều ước quốc tế liên quan.
Lưu ý:
– Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm xem xét, thẩm định, đánh giá nội dung hồ sơ và quyết định phê duyệt hợp đồng hợp tác liên quan trực tiếp đến quyền vận chuyển hàng không. Trường hợp không phê duyệt, phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
– Trường hợp hồ sơ đề nghị phê duyệt hợp đồng hợp tác liên quan trực tiếp đến quyền vận chuyển hàng không chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản đề nghị hãng hàng không hoàn chỉnh hồ sơ và thời hạn giải quyết tính từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định (khoản 2 Điều 19 Thông tư 81/2014/TT-BGTVT)
Kết luận: Việc Phê duyệt Hợp đồng hợp tác liên quan trực tiếp đến quyền vận chuyển hàng không quy định tại Bộ luật dân sự 2015, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, sửa đổi, bổ sung 2014, Thông tư 81/2014/TT-BGTVT.
Chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu đơn xem tại đây:
Phê duyệt Hợp đồng hợp tác liên quan trực tiếp đến quyền vận chuyển hàng không.