55. Cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh cảng hàng không
Tổ chức, cá nhân muốn thực hiện hoạt động kinh doanh cảng hàng không phải thực hiện thủ tục Cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh cảng hàng không. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật Hàng không dân dụng 2006, Nghị định 92/2016/NĐ-CP, Nghị định 89/2019/NĐ-CP.
1. Một số khái niệm
Kinh doanh cảng hàng không là hoạt động khai thác kết cấu hạ tầng sân bay và các công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng cảng hàng không thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp cảng hàng không nhằm mục đích sinh lợi. (khoản 2 Điều 3 Nghị định 92/2016/NĐ-CP)
2. Giấy phép kinh doanh cảng hàng không
2.1. Đối tượng kinh doanh
Tổ chức, cá nhân kinh doanh tại cảng hàng không, sân bay bao gồm các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Hàng không dân dụng 2006:
– Doanh nghiệp cảng hàng không;
– Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không;
– Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ khác.
Lưu ý: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại cảng hàng không, sân bay theo khoản 3 Điều 62 Luật Hàng không dân dụng 2006
– Thực hiện các quy định về an toàn hàng không, an ninh hàng không;
– Chấp hành và tạo điều kiện thuận lợi cho Cảng vụ hàng không kiểm tra các hoạt động khai thác và cung cấp dịch vụ.
2.2. Điều kiện kinh doanh
Các điều kiện quy định trong các trường hợp cụ thể tại Điều 13 Nghị định 92/2016/NĐ-CP
Được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương trong trường hợp:
– Thành lập doanh nghiệp cảng hàng không;
– Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp cảng hàng không cho nhà đầu tư nước ngoài.
Được cấp Giấy phép kinh doanh cảng hàng không, sân bay khi đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 14 Nghị định 92/2016/NĐ-CP
– Có tài liệu giải trình việc đáp ứng các điều kiện về bảo đảm an toàn, an ninh hàng không quy định và Phụ ước 14 của Công ước quốc tế về hàng không dân dụng.
– Đáp ứng các điều kiện về vốn như sau:
+ Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp cảng hàng không: 100 tỷ đồng Việt Nam;
+ Tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ
Lưu ý: Doanh nghiệp được Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh cảng hàng không khi đáp ứng các điều kiện sau đây và không phải nộp lệ phí theo Điều 63 Luật Hàng không dân dụng 2006:
– Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
– Có tổ chức bộ máy và nhân viên được cấp giấy phép, chứng chỉ phù hợp, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, khai thác cảng hàng không, sân bay;
– Đáp ứng điều kiện về vốn theo quy định của Chính phủ;
– Có phương án về trang bị, thiết bị và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không.
2.3. Cấp lại
Theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP, quy định về việc cấp lại như sau:
– Cấp lại trong trường hợp bị mất, rách, hỏng, thay đổi các nội dung trong giấy phép hoặc giấy phép bị hủy bỏ do không đáp ứng các điều kiện kinh doanh hàng không
– Giấy phép cấp lại phải có nội dung quy định hủy bỏ giấy phép đã bị mất, rách, hỏng hoặc thay đổi nội dung hoặc Giấy phép bị hủy bỏ.
2.4. Hủy bỏ
Theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP, giấy phép sẽ bị hủy nếu:
– Không duy trì vốn tối thiểu trong thời gian 03 năm liên tục;
– Cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép;
– Ngừng khai thác vận tải hàng không 36 tháng liên tục;
– Không được cấp Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép;
– Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay bị thu hồi, hủy bỏ quá 36 tháng mà không được cấp lại;
– Hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung ghi trong Giấy phép;
– Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an ninh, quốc phòng;
– Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an ninh hàng không, an toàn hàng không, tổ chức bộ máy điều hành và hoạt động khai thác vận chuyển hàng không, hoạt động hàng không chung;
– Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không;
– Không còn đáp ứng đủ điều kiện cấp Giấy phép theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Một số quy định về Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay được quy định tại Điều 23 Luật Hàng không dân dụng 2006:
– Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay được cấp cho tổ chức để chứng nhận việc đáp ứng điều kiện khai thác an toàn đối với loại tàu bay và loại hình khai thác quy định.
– Tổ chức được cấp Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Có tổ chức bộ máy khai thác; phương thức điều hành và giám sát khai thác tàu bay phù hợp;
+ Có đội ngũ nhân viên được đào tạo và có giấy phép, chứng chỉ phù hợp;
+ Có chương trình huấn luyện nghiệp vụ, chương trình bảo dưỡng tàu bay phù hợp với tính chất và quy mô khai thác;
+ Có tàu bay, trang bị, thiết bị bảo đảm khai thác an toàn;
+ Có đầy đủ tài liệu hướng dẫn khai thác.
– Bộ Giao thông vận tải cấp hoặc công nhận Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay
3. Xử lí vi phạm hành chính
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng không chung mà không có, không đủ điều kiện cấp giấy phép (Điều 22 Nghị định 162/2018/NĐ-CP)
Kết luận: Doanh nghiệp sẽ được Cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh cảng hàng không theo quy định của Luật Hàng không dân dụng 2006, Nghị định 92/2016/NĐ-CP, Nghị định 89/2019/NĐ-CP.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh cảng hàng không