17. Đăng ký sửa đổi chế độ Kế toán theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thủ tục Đăng ký sửa đổi chế độ Kế toán theo Thông tư 133/2016/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện theo Luật kế toán 2015, Nghị định 41/2018/NĐ-CP, Thông tư 133/2016/TT-BTC. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:
1. Một số khái niệm cơ bản
Chế độ kế toán là những quy định và hướng dẫn về kế toán trong một lĩnh vực hoặc một số công việc cụ thể do cơ quan quản lý nhà nước về kế toán hoặc tổ chức được cơ quan quản lý nhà nước về kế toán ủy quyền ban hành (khoản 2 Điều 3 Luật kế toán 2015).
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa (Điều 6 Nghị định 39/2018/NĐ-CP).
Thông tư 133/2016/TT-BTC áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ) thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phàn kinh tế theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trừ doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, công ty đại chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán, các hợp tác xã, liên hợp tác xã theo quy định tại Luật hợp tác xã; doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực đặc thù như điện lực, dầu khí, bảo hiểm, chứng khoán … đã được Bộ Tài chính ban hành hoặc chấp thuận áp dụng chế độ kế toán đặc thù.
2. Đăng ký sửa đổi Chế độ kế toán theo Thông tư 133/2016/TT-BTC
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 133/2016/TT-BTC thì việc đăng ký sửa đổi chế độ kế toán được thực hiện như sau:
Thứ nhất, đối với hệ thống tài khoản kế toán
– Trường hợp doanh nghiệp cần bổ sung tài khoản cấp 1, cấp 2 hoặc sửa đổi tài khoản cấp 1, cấp 2 về tên, ký hiệu, nội dung và phương pháp hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh đặc thù phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính trước khi thực hiện.
– Doanh nghiệp có thể mở thêm các tài khoản cấp 2 và các tài khoản cấp 3 đối với những tài khoản không có qui định tài khoản cấp 2, tài khoản cấp 3 tại danh mục Hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này nhằm phục vụ yêu cầu quản lý của doanh nghiệp mà không phải đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận.
Thứ hai, đối với Báo cáo tài chính
– Doanh nghiệp nhỏ và vừa căn cứ biểu mẫu và nội dung của các chỉ tiêu của Báo cáo tài chính tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này để chi tiết các chỉ tiêu (có sẵn) của hệ thống Báo cáo tài chính phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh, yêu cầu quản lý của từng đơn vị.
– Trường hợp doanh nghiệp cần bổ sung mới hoặc sửa đổi biểu mẫu, tên và nội dung các chỉ tiêu của Báo cáo tài chính phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính trước khi thực hiện.
Thứ ba, đối với chứng từ và sổ kế toán
– Các chứng từ kế toán đều thuộc loại hướng dẫn (không bắt buộc), doanh nghiệp được tự thiết kế mẫu chứng từ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của đơn vị nhưng phải đảm bảo các nội dung chủ yếu và phải đảm bảo cung cấp những thông tin theo quy định của Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn Luật Kế toán.
– Tất cả các biểu mẫu sổ kế toán (kể cả các loại Sổ Cái, sổ Nhật ký) đều thuộc loại hướng dẫn (không bắt buộc). Doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn Luật Kế toán. Doanh nghiệp được tự thiết kế biểu mẫu sổ, thẻ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý nhưng phải đảm bảo trình bày thông tin đầy đủ, rõ ràng, dễ kiểm tra, kiểm soát.
Lưu ý:
Khi đăng ký sửa đổi chế độ Kế toán, ngoài Thông tư 200/2014/TT-BTC được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, từ quy mô nhỏ đến lớn trong mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế, thì còn có Thông tư 133/2016/TT-BTC áp dụng cho doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Như vậy thì doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ có thể chọn sử dụng 1 trong 2 Thông tư trên và phải nhất quán trong cùng 1 năm tài chính. Trường hợp cần thay đổi chế độ kế toán áp dụng, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan quản lý thuế.
3. Nguyên tắc áp dụng
Theo Điều 3 Thông tư 133/2016/TT-BTC thì nguyên tắc chung quy định như sau:
– Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể lựa chọn áp dụng Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Thông tư 200/2014/TT-BTC và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp và phải thực hiện nhất quán trong năm tài chính. Trường hợp chuyển đổi trở lại áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Thông tư 133/2016/TT-BTC thì phải thực hiện từ đầu năm tài chính và phải thông báo lại cho cơ quan Thuế.
– Doanh nghiệp vừa và nhỏ căn cứ vào nguyên tắc kế toán, nội dung và kết cấu của các tài khoản kế toán quy định tại Thông tư 133/2016/TT-BTC để phản ánh và hạch toán các giao dịch kinh tế phát sinh phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của đơn vị.
– Trường hợp trong năm tài chính doanh nghiệp có những thay đổi dẫn đến không còn thuộc đối tượng áp dụng theo Thông tư 133/2016/TT-BTC thì được áp dụng Thông tư này cho đến hết năm tài chính hiện tại và phải áp dụng Chế độ kế toán phù hợp với quy định của pháp luật kể từ năm tài chính kế tiếp.
4. Xử phạt vi phạm hành chính
Đối với hành vi áp dụng sai chế độ kế toán mà đơn vị thuộc đối tượng áp dụng thì cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định 41/2018/NĐ-CP).
Kết luận: Thủ tục Đăng ký sửa đổi chế độ Kế toán theo Thông tư 133/2016/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa là một thủ tục quan trọng và cần thiết đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Thủ tục Đăng ký sửa đổi chế độ Kế toán theo Thông tư 133/2016/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa