20. Đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán
Chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán chỉ được kinh doanh dịch vụ kiểm toán khi đáp ứng thủ tục đăng kí kinh doanh dịch vụ. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể thông tin của thủ tục Đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán dựa vào những quy định Luật kiểm toán độc lập 2011, Nghị định số 17/2012/NĐ-CP, Nghị định 41/2018/NĐ-CP, Thông tư 203/2012/TT-BTC như sau:
1. Các khái niệm cơ bản
Kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán (khoản 1 Điều 5 Luật kiểm toán độc lập 2011)
Doanh nghiệp kiểm toán là doanh nghiệp có đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan (khoản 5 Điều 5 Luật kiểm toán độc lập 2011)
Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết của chi nhánh tại Việt Nam (khoản 13 Điều 5 Luật kiểm toán độc lập 2011)
Lưu ý:
Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật và cản trở hoạt động nghề nghiệp của kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam; lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán, xử lý kỷ luật và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán độc lập (khoản 4 Điều 13 Luật kiểm toán độc lập 2011).
2. Chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán
Chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán phải đáp ứng các yêu cầu: ( Điều 31 Luật kiểm toán độc lập 2011):
- Chi nhánh có ít nhất hai kiểm toán viên hành nghề, trong đó có Giám đốc chi nhánh.
- Hai kiểm toán viên hành nghề không được đồng thời là kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại trụ sở chính hoặc chi nhánh khác của doanh nghiệp kiểm toán.
- Được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính.
Lưu ý:
Chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán không bảo đảm điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật kiểm toán độc lập 2011 sau ba tháng liên tục thì bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
Trường hợp doanh nghiệp kiểm toán bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì các chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán đó cũng bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
3. Đối tượng được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán
Đối tượng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán quy định tại Điều 3 Thông tư 203/2012/TT-BTC.
Giấy chứng nhận đủ điều kinh doanh dịch vụ kiểm toán được cấp cho:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH),
- Công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân,
- Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam có đủ các điều kiện theo quy định
Lưu ý:
Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện kiểm toán trong các trường hợp sau đây (khoản 2 Điều 30 Luật kiểm toán độc lập 2011):
- Đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề công việc ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính hoặc thực hiện kiểm toán nội bộ cho đơn vị được kiểm toán;
- Đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề các dịch vụ khác với các dịch vụ quy định tại điểm a khoản này có ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên hành nghề và chi nhánh theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán;
- Thành viên tham gia cuộc kiểm toán, người quản lý, điều hành của chi nhánh là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ phần, góp vốn vào đơn vị được kiểm toán hoặc có quan hệ kinh tế, tài chính khác với đơn vị được kiểm toán theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán;
- Người có trách nhiệm quản lý, điều hành của chi nhánh có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ phần, góp vốn và có ảnh hưởng đáng kể đối với đơn vị được kiểm toán hoặc là người có trách nhiệm quản lý điều hành, thành viên ban kiểm soát hoặc kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán;
- Người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát hoặc kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán đồng thời là người có ảnh hưởng đáng kể đối với chi nhánh theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán;
- Đơn vị được kiểm toán đã thực hiện trong năm trước liền kề hoặc đang thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cho chính chi nhánh;
- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
4. Điều kiện cấp thủ tục Đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán
Điều kiện cấp thủ tục Đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán theo quy định tại Điều 21 Luật kiểm toán độc lập 2011:
- Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật của nước nơi doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đặt trụ sở chính;
- Có ít nhất hai kiểm toán viên hành nghề, trong đó có Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chi nhánh;
- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài không được giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp khác tại Việt Nam;
Lưu ý:
Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải có văn bản gửi Bộ Tài chính bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam;
Trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm toán mà chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì phải làm thủ tục xóa ngành nghề kinh doanh dịch vụ kiểm toán (Điều 16 Thông tư 203/2012/TT-BTC).
5. Xử lý vi phạm hành chính:
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán (Điều 41 Nghị định 41/2018/NĐ-CP):
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xác nhận các tài liệu không đúng thực tế trong hồ sơ để đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không đúng thực tế trong hồ sơ để đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi gian lận, giả mạo hồ sơ để đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
Lưu ý:
Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm đối với các hành vi hành vi gian lận, giả mạo hồ sơ để đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
Kết luận: Khi Đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Luật kiểm toán độc lập 2011, Nghị định số 17/2012/NĐ-CP, Nghị định 41/2018/NĐ-CP, Thông tư 203/2012/TT-BTC.
Chi tiết, trình tự hồ sơ xem tại đây:
Đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán