21. Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam

Posted on

Thủ tục Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo Luật kiểm toán độc lập 2011, Nghị định 17/2012/NĐ-CP, Thông tư 203/2012/TT-BTC. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:

1. Một số khái niệm cơ bản

Kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán (khoản 1 Điều 5 Luật Kiểm toán độc lập 2011).

Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết của chi nhánh tại Việt Nam (khoản 13 điều 5 Luật kiểm toán độc lập 2011).

Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán bao gồm các thông tin chính sau đây theo quy định Điều 8 Thông tư 203/2012/TT-BTC gổm:
-Tên doanh nghiệp kiểm toán; Tên doanh nghiệp kiểm toán bằng tiếng nước ngoài (nếu có); Tên viết tắt (nếu có); Địa chỉ trụ sở chính;
– Họ và tên người đại diện theo pháp luật và họ và tên Giám đốc (Tổng Giám đốc) của doanh nghiệp kiểm toán (nếu không phải là người đại diện theo pháp luật);
– Số và ngày cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán;
– Số, ngày cấp và tên cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư;
– Các điều khoản, điều kiện doanh nghiệp kiểm toán phải tuân thủ khi sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.

2. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam

Theo Điều 3 Thông tư 203/2012/TT-BTC thì giấy chứng nhận đủ điều kinh doanh dịch vụ kiểm toán được cấp cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 21 Luật kiểm toán độc lập và các quy định tại Nghị định 17/2012/NĐ-CP.

Căn cứ tại khoản 4 Điều 21 Luật kiểm toán độc lập 2011, theo đó, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải có đủ các điều kiện sau đây:

– Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật của nước nơi doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đặt trụ sở chính;

– Có ít nhất hai kiểm toán viên hành nghề, trong đó có Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chi nhánh;

– Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài không được giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp khác tại Việt Nam;

– Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải có văn bản gửi Bộ Tài chính bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam;

– Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải bảo đảm duy trì vốn không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ.

Lưu ý:

– Theo Điều 8 Nghị định 17/2012/NĐ-CP thì vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài có thành lập chi nhánh tại Việt Nam và vốn được cấp của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam được quy định như sau:

+ Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải có vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán tại thời điểm kết thúc năm tài chính gần nhất với thời điểm đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh tối thiểu tương đương 500.000 (năm trăm nghìn) đô la Mỹ.

+ Vốn được cấp của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không thấp hơn mức vốn pháp định đối với công ty trách nhiệm hữu hạn quy định tại Điều 5 Nghị định này, cụ thể là không thấp hơn 5 (năm) tỷ đồng Việt Nam từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

+ Trong quá trình hoạt động doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán và vốn được cấp của chi nhánh tại Việt Nam không thấp hơn vốn quy định tại Khoản 1 Điều này (500.000 (năm trăm nghìn) đô la Mỹ). Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải bổ sung vốn nếu vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài và của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam thấp hơn các mức vốn quy định trong thời gian 03 (ba) tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm toán mà chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì phải làm thủ tục xóa ngành nghề kinh doanh dịch vụ kiểm toán (khoản 5 Điều 21 Luật kiểm toán độc lập 2011).

–  Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán được làm bằng tiếng Việt. Các giấy tờ kèm theo đơn đề nghị bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam (khoản 2 Điều 4 Thông tư 203/2012/TT-BTC).

– Giấy tờ do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp hoặc công chứng, chứng thực ở nước ngoài phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (khoản 3 Điều 4 Thông tư 203/2012/TT-BTC).

3. Các trường hợp chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện kiểm toán

Điều 9 Nghị định 17/2012/NĐ-CP hướng dẫn khoản 2 Điều 30 của Luật kiểm toán độc lập 2011 các trường hợp chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện kiểm toán quy định cụ thể như sau:

– Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề một trong các dịch vụ sau cho đơn vị được kiểm toán:

+ Công việc ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính;

+ Thực hiện dịch vụ kiểm toán nội bộ;

+ Thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm soát nội bộ;

+ Các dịch vụ khác có ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.

– Thành viên tham gia cuộc kiểm toán, người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc đang nắm giữ cổ phiếu, góp vốn vào đơn vị được kiểm toán hoặc có quan hệ kinh tế, tài chính khác với đơn vị được kiểm toán theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.

– Người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc nắm giữ cổ phiếu, góp vốn và nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên đối với đơn vị được kiểm toán hoặc là người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) của đơn vị được kiểm toán.

– Người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) của đơn vị được kiểm toán đồng thời là người góp vốn và nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên đối với doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.

– Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và đơn vị được kiểm toán có các mối quan hệ sau:

+ Có cùng một cá nhân hoặc doanh nghiệp, tổ chức thành lập hoặc tham gia thành lập;

+ Cùng trực tiếp hay gián tiếp chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn dưới mọi hình thức của một bên khác;

+ Được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ sau: Vợ và chồng; bố, mẹ và con (không phân biệt con đẻ, con nuôi hoặc con dâu, con rể); anh, chị, em có cùng cha, mẹ (không phân biệt cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi); ông nội, bà nội và cháu nội; ông ngoại, bà ngoại và cháu ngoại; cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột;

+ Có thỏa thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng;

+ Cùng là công ty hoặc pháp nhân thuộc cùng một mạng lưới theo quy định của chuẩn mực kiểm toán.

– Đơn vị được kiểm toán đã thực hiện trong năm trước liền kề hoặc đang thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hoặc các dịch vụ kiểm toán khác cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.

– Trường hợp khác theo quy định của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán và quy định của pháp luật.

4. Xử ý vi phạm hành chính

Điều 59, 60 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định về các hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập và xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập, đồng thời mức xử phạt cụ thể cho từng hành vi vi phạm được quy định tại Điều 41 Nghị định 41/2018/NĐ-CP.

Căn cứ tại khoản 2 Điều 6 và Điều 41 Nghị định 41/2018/NĐ-CP thì những hành vi vi phạm quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhân đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán được xử lý như sau

–  Đối với hành vi xác nhận các tài liệu không đúng thực tế trong hồ sơ để đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

–  Đối với hành vi kê khai không đúng thực tế trong hồ sơ để đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

– Đối với hành vi gian lận, giả mạo hồ sơ để đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm.

Kết luận: Thủ tục Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam là thủ tục bắt buộc để chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm toán tại Việt Nam.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Thủ tục Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam