11. Thẩm định Báo cáo phân tích an toàn trong hồ sơ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Posted on

Thẩm định báo cáo phân tích an toàn là một thủ tục rất quan trọng, là căn cứ để phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung trên theo quy định tại Luật năng lượng nguyên tử, Nghị định 70/2010/NĐ-CP, Nghị định 107/2013/NĐ-CP, Thông tư 08/2014/TT-BKHĐT, Thông tư 29/2012/TT-BKHCN.

1. Một số khái niệm cơ bản

Năng lượng nguyên tử là năng lượng được giải phóng trong quá trình biến đổi hạt nhân bao gồm năng lượng phân hạch, năng lượng nhiệt hạch, năng lượng do phân rã chất phóng xạ; là năng lượng sóng điện từ có khả năng ion hóa vật chất và năng lượng các hạt được gia tốc (khoản 1 Điều 3 Luật năng lượng nguyên tử).

Hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; xây dựng, vận hành, bảo dưỡng, khai thác, quản lý và tháo dỡ cơ sở hạt nhân, cơ sở bức xạ; thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng phóng xạ; sản xuất, lưu giữ, sử dụng, vận chuyển, chuyển giao, xuất khẩu, nhập khẩu nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, nhiên liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân; xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ và các dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử. (khoản 2 Điều 3 Luật năng lượng nguyên tử)

Chất phóng xạ là chất phát ra bức xạ do quá trình phân rã hạt nhân, chuyển mức năng lượng hạt nhân, có hoạt độ phóng xạ riêng hoặc tổng hoạt độ lớn hơn mức miễn trừ (Khoản 8 Điều 3 Luật năng lượng nguyên tử)

Vật liệu hạt nhân nguồn là một trong các vật liệu sau đây: urani, thori dưới dạng quặng hoặc đuôi quặng; urani chứa thành phần đồng vị urani 235 ít hơn urani trong tự nhiên; các quặng chứa thori, urani bằng hoặc lớn hơn 0,05% tính theo trọng lượng; các hợp chất của thori và urani khác chưa đủ hàm lượng để được xác định là vật liệu hạt nhân. (Khoản 15 Điều 3 Luật năng lượng nguyên tử).

Vật liệu hạt nhân là vật liệu có khả năng phân hạch bao gồm plutoni có hàm lượng đồng vị plutoni 238 không lớn hơn 80%, urani 233, urani đã làm giàu đồng vị urani 235 hoặc đồng vị urani 233, urani có thành phần đồng vị như trong tự nhiên trừ urani dưới dạng quặng hoặc đuôi quặng. (Khoản 16 Điều 3 Luật năng lượng hạt nhân)

Nhà máy điện hạt nhân là tổ hợp công trình bao gồm một hoặc nhiều tổ máy điện hạt nhân, hệ thống biến áp truyền tải điện lên lưới điện, nơi lưu trữ, lưu chuyển và xử lý chất phóng xạ được đặt tại cùng địa điểm và liên quan trực tiếp đến việc khai thác nhà máy điện hạt nhân đó (Khoản 2 Điều 3 Nghị định 70/2010/NĐ-CP).

2. Thẩm định Báo cáo phân tích an toàn trong hồ sơ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân

2.1. Việc vận hành nhà máy điện hạt nhân được quy định tại Điều 50 Luật năng lượng nguyên tử như sau:

– Nhà máy điện hạt nhân phải có giấy phép vận hành thử trước khi nạp nhiên liệu vào lò phản ứng hạt nhân.

– Việc vận hành thử nhà máy điện hạt nhân phải được thực hiện ở các mức công suất thấp đồng thời với việc kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật, giới hạn vận hành và nâng dần công suất lên mức thiết kế. Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân phải lập báo cáo vận hành thử và báo cáo phân tích an toàn của nhà máy điện hạt nhân, giải trình rõ các thay đổi về chỉ tiêu kỹ thuật, giới hạn vận hành so với thiết kế khi xin cấp giấy phép xây dựng, gửi cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân.

– Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thẩm định báo cáo kết quả vận hành thử và báo cáo phân tích an toàn của nhà máy điện hạt nhân, đề xuất về việc cấp giấy phép vận hành chính thức nhà máy điện hạt nhân trình Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia đánh giá kết quả thẩm định.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân – bộ Khoa học và Công nghệ.

2.2. Báo cáo phân tích an toàn trong hồ sơ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Báo cáo phân tích an toàn là một trong các hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân do chủ thầu trình cho Thủ tướng Chính phủ ( Điều 48 Luật năng lượng nguyên tử)

Lưu ý: 

– Báo cáo PTAT-DAĐT trong hồ sơ phê duyệt dự án đầu tư gồm 12( mười hai) nội dung: giới thiệu chung; mô tả chung nhà máy điện hạt nhân; quản lý an toàn; đánh giá địa điểm; các khía cạnh thiết kế chung; mô tả các hệ thống chính của nhà máy điện hạt nhân; phân tích an toàn; bảo vệ bức xạứng phó sự cố; các khía cạnh môi trường; quản lý chất thải phóng xạ; tháo dỡ và các vấn đề kết thúc vận hành  (Điều 4 thông tư 08/2014/TT-BKHCN).

3. Xử phạt vi phạm hành chính:

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi không lưu giữ báo cáo phân tích an toàn trong hồ sơ đề nghị phê duyệt địa điểm nhà máy điện hạt nhân. (Khoản 7 Điều 14 Nghị định 107/2013/NĐ-CP).

Kết luận: Thẩm định Báo cáo phân tích an toàn trong hồ sơ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân được quy đinh tại Luật năng lượng nguyên tử, Nghị định 70/2010/NĐ-CP, Nghị định 107/213/NĐ-CP, Thông tư 08/2014/TT-BKHĐT, Thông tư 29/2012/TT-BKHCN.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Thẩm định Báo cáo phân tích an toàn trong hồ sơ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân