38. Cấp, cấp lại, thay đổi, bổ sung nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ.
Tổ chức khoa học và công nghệ là tổ chức có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ, được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật. Khi đáp ứng được các điều kiện để thành lập theo quy định của pháp luật thì tổ chức khoa học và công nghệ có quyền đăng ký hoạt động và sẽ được cơ quan nhà nước nhà nước có thẩm quyền Cấp, cấp lại, thay đổi, bổ sung nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lần đầu cho tổ chức khoa học và công nghệ theo Luật Khoa học và công nghệ 2013, Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Thông tư 03/2014/TT-BKHCN, Thông tư 298/2016/TT-BTC.
1. Một số khái niệm cơ bản
Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy (khoản 1 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm (khoản 2 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ (khoản 3 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Tổ chức khoa học và công nghệ là tổ chức có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ, được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật (khoản 11 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
Lưu ý:
– Tổ chức khoa học và công nghệ có quyền thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp khoa học và công nghệ trực thuộc, văn phòng đại diện, chi nhánh trong nước và ở nước ngoài để hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan (khoản 3 Điều 13 Luật Khoa học và công nghệ 2013).
2. Hình thức và phân loại tổ chức khoa học và công nghệ
2.1. Hình thức của tổ chức khoa học và công nghệ được quy định như sau (khoản 1 Điều 9 Luật Khoa học và công nghệ 2013):
– Tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện, trung tâm, phòng thí nghiệm, trạm nghiên cứu, trạm quan trắc, trạm thử nghiệm và hình thức khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định;
– Cơ sở giáo dục đại học được tổ chức theo quy định của Luật giáo dục đại học;
– Tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được tổ chức dưới hình thức trung tâm, văn phòng, phòng thử nghiệm và hình thức khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.
2.2. Tổ chức khoa học và công nghệ được phân loại như sau (khoản 2 Điều 9 Luật Khoa học và công nghệ 2013):
– Theo thẩm quyền thành lập, tổ chức khoa học và công nghệ gồm các loại quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Khoa học và công nghệ 2013;
– Theo chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ gồm tổ chức nghiên cứu cơ bản, tổ chức nghiên cứu ứng dụng, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ;
– Theo hình thức sở hữu, tổ chức khoa học và công nghệ gồm tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập, tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài.
3. Thẩm quyền thành lập tổ chức khoa học và công nghệ
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Luật Khoa học và công nghệ 2013 thì thẩm quyền thành lập tổ chức khoa học và công nghệ được quy định như sau:
– Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội;
– Chính phủ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Chính phủ;
– Toà án nhân dân tối cao thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Thủ tướng Chính phủ thành lập hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này;
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập tổ chức khoa học và công nghệ của địa phương theo thẩm quyền;
– Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp thành lập tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật và điều lệ;
– Doanh nghiệp, tổ chức khác, cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ của mình.
4. Điều kiện thành lập tổ chức khoa học và công nghệ.
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 08/2014/NĐ-CP thì tổ chức khoa học và công nghệ được thành lập khi đủ điều kiện sau đây:
4.1. Điều lệ tổ chức và hoạt động
– Tên tổ chức khoa học và công nghệ bao gồm tên đầy đủ, tên giao dịch quốc tế và tên viết tắt (nếu có), được viết bằng các chữ cái trong Bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu, phát âm được. Tên đầy đủ bao gồm hình thức của tổ chức khoa học và công nghệ, tên riêng của tổ chức khoa học và công nghệ.
Tên gọi của tổ chức phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động chính, không được trùng lặp với tổ chức khoa học và công nghệ khác, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo đảm không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân đang được bảo hộ tại Việt Nam.
– Mục tiêu, phương hướng hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ không được vi phạm các quy định tại Điều 8 của Luật khoa học và công nghệ và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
– Trụ sở chính có địa chỉ được xác định rõ theo địa danh hành chính, có số điện thoại, số fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
– Người đại diện.
– Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức khoa học và công nghệ phù hợp mục tiêu, phương hướng hoạt động.
– Lĩnh vực hoạt động, thuộc một trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm; sản xuất, kinh doanh sản phẩm là kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; dịch vụ khoa học và công nghệ.
Trường hợp tổ chức khoa học và công nghệ do cá nhân thành lập thì lĩnh vực hoạt động theo quy định tại Khoản 4 Điều 20 Luật khoa học và công nghệ.
– Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các chức danh trong bộ máy lãnh đạo và các cơ quan khác của tổ chức khoa học và công nghệ.
– Vốn điều lệ của tổ chức, bao gồm tiền mặt và các tài sản khác quy ra tiền; nguyên tắc tăng giảm vốn hoạt động và các nguyên tắc về tài chính khác.
– Điều kiện, trình tự, thủ tục sáp nhập, chia, tách, giải thể (nếu có).
– Cam kết tuân thủ pháp luật.
4.2. Nhân lực khoa học và công nghệ
– Mỗi tổ chức khoa học và công nghệ phải có ít nhất 05 (năm) người có trình độ đại học trở lên bao gồm làm việc chính thức và kiêm nhiệm, trong đó có ít nhất 30% có trình độ chuyên môn phù hợp với lĩnh vực chủ yếu xin đăng ký hoạt động và ít nhất 40% làm việc chính thức.
Trường hợp thành lập tổ chức khoa học và công nghệ để phát triển ngành khoa học và công nghệ mới thì tổ chức khoa học và công nghệ phải có ít nhất (một) người có trình độ đại học trở lên thuộc ngành đăng ký hoạt động làm việc chính thức.
– Người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ phải có trình độ đại học trở lên, có kinh nghiệm quản lý, năng lực chuyên môn phù hợp.
Đối với tổ chức khoa học và công nghệ là cơ sở giáo dục đại học thì người đứng đầu phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về giáo dục đại học.
4.3. Cơ sở vật chất – kỹ thuật
Có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng trụ sở, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, máy móc thiết bị, tài sản trí tuệ, các phương tiện vật chất – kỹ thuật khác để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức khoa học và công nghệ.
– Đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập còn phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
– Đối với tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài còn phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Khoản 3 Điều 11 của Luật khoa học và công nghệ.
– Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cụ thể các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5. Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ
– Các trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ bị mất, rách, nát (khoản 2 Điều 7 Thông tư 03/2014/TT-BKHCN).
– Hồ sơ: khoản 2 Điều 10 Nghị định 08/2014/NĐ-CP, khoản 2 Điều 7 Thông tư 03/2014/TT-BKHCN.
– Trình tự thủ tục cấp lại: Điều 10 Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Điều 7 Thông tư 03/2014/TT-BKHCN.
6. Thay đổi, bổ sung nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ
– Các trường hợp thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận (Điều 7 Thông tư 03/2014):
- Khi thay đổi, bổ sung một trong các nội dung ghi trên Giấy chứng nhận, tổ chức khoa học và công nghệ vẫn phải bảo đảm các điều kiện tương ứng được quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
- Trường hợp tổ chức khoa học và công nghệ thay đổi trụ sở chính (chuyển sang tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi đã đăng ký hoạt động) dẫn đến thay đổi cơ quan cấp giấy chứng nhận, tổ chức phải có văn bản đề nghị thay đổi trụ sở chính gửi cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận, kèm theo báo cáo tình hình hoạt động và nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận.
– Hồ sơ: khoản 1 Điều 10 Nghị định 08/2014/NĐ-CP, khoản 1 Điều 7 Thông tư 03/2014/TT-BKHCN.
– Trình tự thủ tục cấp lại: Điều 10 Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Điều 7 Thông tư 03/2014/TT-BKHCN.
7. Đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ
7.1. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ bị đình chỉ hiệu lực đến 06 tháng trong các trường hợp sau đây (khoản 1 Điều 12 Nghị định 08/2014/NĐ-CP):
– Quá 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ không triển khai hoạt động;
– Ngừng hoạt động quá 12 tháng liên tục mà không có lý do chính đáng;
– Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng năm về tình hình hoạt động cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ 02 năm liên tiếp;
– Không còn đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định này trong thời hạn 12 tháng liên tục;
– Không đăng ký thay đổi, bổ sung, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có thay đổi, bổ sung hoặc mất Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.
7.2. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ bị hủy bỏ trong các trường hợp sau đây (khoản 2 Điều 12 Nghị định 08/2014/NĐ-CP):
– Giả mạo nội dung kê khai trong hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ;
– Quá thời hạn đình chỉ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ mà tổ chức khoa học và công nghệ không tiến hành các biện pháp khắc phục hoặc không khắc phục được theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
– Theo quyết định, đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền khi tổ chức khoa học và công nghệ có hành vi vi phạm trong hoạt động.
8. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 08/2014/NĐ-CP về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ thì:
– Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ cho tổ chức khoa học và công nghệ do các cơ quan quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e Khoản 1 Điều 12 của Luật khoa học và công nghệ và do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở Trung ương thành lập, tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài và tổ chức khoa học và công nghệ là cơ sở giáo dục đại học.
– Sở Khoa học và Công nghệ nơi tổ chức khoa học và công nghệ đặt trụ sở chính cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ cho tổ chức khoa học và công nghệ không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này.
Lưu ý:
– Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ thì có thẩm quyền cấp thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ đã cấp.
9. Xử phạt vi phạm hành chính
9.1. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây (khoản 3 Điều 8 Nghị định 51/2019/NĐ-CP):
– Không đăng ký hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được thành lập.
– Không đăng ký thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày có thay đổi, bổ sung nội dung ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.
9.2. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây (khoản 5 Điều 8 Nghị định 51/2019/NĐ-CP):
– Tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ khi không có Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài;
– Tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ không đúng lĩnh vực ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài;
– Không duy trì các điều kiện hoạt động như khi đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.
9.3. Phạt tiền từ 10 000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây (khoản 6 Điều 8 Nghị định 51/2019/NĐ-CP):
– Tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ khi Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoặc hủy bỏ hiệu lực;
– Cho thuê hoặc cho mượn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài.
9.4. Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu có nội dung sai sự thật trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài (khoản 7 Điều 8 Nghị định 51/2019/NĐ-CP).
9.5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh từ 01 tháng đến 03 tháng đối với tổ chức có hành vi quy định tại điểm b khoản 5, điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định 51/2019/NĐ-CP (khoản 8 Điều 8 Nghị định 51/2019/NĐ-CP).
9.6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc hủy bỏ hồ sơ, tài liệu có nội dung sai sự thật đối với hành vi quy định tại khoản 7 Điều 8 Nghị định 51/2019/NĐ-CP (khoản 9 Điều 8 Nghị định 51/2019/NĐ-CP).
Kết luận: Tổ chức khoa học và công nghệ là tổ chức có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ, được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật. Khi đáp ứng được các điều kiện để thành lập theo quy định của pháp luật thì tổ chức khoa học và công nghệ có quyền đăng ký hoạt động và sẽ được cơ quan nhà nước nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lần đầu. Khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lần đầu cho tổ chức khoa học và công nghệ, các tổ chức cần phải tuân thủ theo quy định tại Luật Khoa học và công nghệ 2013, Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Thông tư 03/2014/TT-BKHCN, Thông tư 298/2016/TT-BTC.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lần đầu cho tổ chức khoa học và công nghệ
Cấp lại nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ
Thay đổi, bổ sung nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ