56. Cấp Giấy chứng nhận hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao
Cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao tại Việt Nam cần được cơ quan có thẩm quyền Cấp Giấy chứng nhận hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật Công nghệ cao, Thông tư 32/2011/TT-BKHCN, Thông tư 01/2013/TT-BKHCN, Quyết định 55/2010/QĐ-TTg, Quyết định 66/2014/QĐ-TTg.
1. Một số vấn đề chung
– Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có (khoản 1 Điều 3 Luật Công nghệ cao).
– Hoạt động công nghệ cao là hoạt động nghiên cứu, phát triển, tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; phát triển công nghiệp công nghệ cao (khoản 2 Điều 3 Luật Công nghệ cao).
Theo Điều 11 Luật Công nghệ cao:
– Nhà nước khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
– Hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được ưu đãi, hỗ trợ trong những trường hợp sau đây:
+ Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao;
+ Nghiên cứu tạo ra công nghệ cao thay thế công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài;
+ Nghiên cứu sáng tạo công nghệ cao mới.
2. Tiêu chí xác định đề tài, đề án
Theo Điều 2 Thông tư 01/2013/TT-BKHCN:
Đề tài, đề án được xác định là nghiên cứu và phát triển công nghệ cao phải đáp ứng được các tiêu chí sau đây:
– Công nghệ được nghiên cứu trong đề tài, đề án phải thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được ban hành kèm theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19 tháng 07 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ;
– Đề tài, đề án thuộc một trong 3 trường hợp sau:
+ Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao: từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; từ công nghệ cao được chuyển giao; từ công nghệ cao được nhập khẩu, nhằm tiếp thu, làm chủ việc ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam.
+ Nghiên cứu tạo ra công nghệ cao thay thế công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài: nghiên cứu từng phần hoặc toàn bộ công nghệ nhập khẩu; nghiên cứu giải mã công nghệ để tiếp thu các giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật của công nghệ, từng bước hoàn thiện công nghệ, nâng cao tỷ trọng nội địa hóa các công nghệ được nhập khẩu.
+ Nghiên cứu sáng tạo công nghệ cao mới để tạo ra công nghệ cao lần đầu tiên được tạo ra tại Việt Nam;
– Đề tài, đề án phải có tính mới, có khả năng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; có tính độc đáo, đóng góp cho việc nâng cao trình độ và tiềm lực công nghệ cao của Việt Nam; dễ dàng được chuyển giao vào sản xuất trên quy mô công nghiệp;
– Tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài, đề án có năng lực hoặc huy động nguồn lực từ bên ngoài để bảo đảm được tài chính, quản lý, công nghệ, sở hữu trí tuệ, pháp lý và những yếu tố quan trọng khác cho việc thực hiện thành công đề tài, đề án; có khả năng tổ chức triển khai kết quả đề tài, đề án vào sản xuất với quy mô lớn; có khả năng hợp tác trong và ngoài nước để triển khai đề tài, đề án;
– Số lượng cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 85% tổng số cán bộ của đề tài, đề án, trong đó số cán bộ có bằng đại học trở lên chiếm ít nhất 85%;
– Đề tài, đề án phải tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển của đề tài, đề án theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khuyến khích đề tài, đề án đạt các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường như ISO 14000 hoặc tiêu chuẩn tương đương.
Lưu ý:
– Đối với đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao đã hoặc đang triển khai, khi nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên.
– Đối với đề tài, đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao chưa triển khai, khi nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận phải cam kết trong thời gian 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận phải đáp ứng các tiêu chí trên.
3. Thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận
Theo Điều 4 Thông tư 32/2011/TT-BKHCN:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Giám đốc Văn phòng Chứng nhận hoạt động công nghệ cao và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (sau đây gọi là Văn phòng Chứng nhận) có quyết định thành lập Tổ chuyên gia thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
– Thành phần Tổ chuyên gia thẩm định hồ sơ có từ 5 đến 7 thành viên, gồm: Tổ trưởng là đại diện lãnh đạo Văn phòng Chứng nhận, Thư ký Tổ chuyên gia thẩm định là cán bộ Văn phòng Chứng nhận, đại diện một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực cần thẩm định;
– Họp thẩm định hồ sơ:
+ Thư ký Tổ chuyên gia thẩm định cung cấp tài liệu có liên quan cho Tổ chuyên gia thẩm định trước khi họp thẩm định hồ sơ ít nhất 05 ngày làm việc;
+ Phiên họp của Tổ chuyên gia thẩm định được tiến hành trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi có quyết định thành lập và phải có mặt ít nhất hai phần ba số thành viên Tổ thẩm định. Tổ chuyên gia thẩm định hoạt động theo nguyên tắc tập thể, bỏ phiếu kín về việc đồng ý hay không đồng ý cấp Giấy chứng nhận và kết quả theo đa số khi có ít nhất hai phần ba số thành viên có mặt đồng ý.
– Trên cơ sở kết luận của Tổ chuyên gia thẩm định, Văn phòng Chứng nhận hoàn thiện hồ sơ và trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định việc cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân đề nghị.
Lưu ý:
Đối với trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận có tính phức tạp và quy mô lớn, Giám đốc Văn phòng Chứng nhận đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định hồ sơ:
– Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận (sau đây gọi là Hội đồng) trên cơ sở đề xuất của Giám đốc Văn phòng Chứng nhận;
– Hội đồng gồm từ 9 đến 11 thành viên, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng. Hội đồng có 02 ủy viên phản biện là các thành viên Hội đồng am hiểu sâu lĩnh vực của hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận. Thành phần của Hội đồng gồm: 1/2 là các chuyên gia có uy tín, có tinh thần trách nhiệm, có trình độ, chuyên môn phù hợp, am hiểu sâu lĩnh vực công nghệ cao được giao tư vấn và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm hoạt động gần đây trong lĩnh vực công nghệ cao được giao tư vấn; 1/2 là đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hoạch định chính sách, Bộ, ngành, tổng công ty, tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp. Các cá nhân có liên quan đến tổ chức, cá nhân có hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận không được tham gia Hội đồng;
– Hội đồng hoạt động theo các quy định tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Giám đốc Văn phòng Chứng nhận trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định;
– Văn phòng Chứng nhận chủ trì tổ chức phiên họp thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận. Các thành viên Hội đồng thực hiện đánh giá một cách trung thực, khách quan, công bằng theo các quy định của Thông tư này và các văn bản liên quan. Hội đồng có trách nhiệm giữ bí mật về các thông tin liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận;
– Trên cơ sở kết luận của Hội đồng, Văn phòng Chứng nhận hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định việc cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân đề nghị.
Thông tin về tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận được đăng tải trên Website của Văn phòng Chứng nhận.
Kết luận: Cấp Giấy chứng nhận hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao là thủ tục hành chính mà cá nhân, tổ chức nộp đơn tại Văn phòng Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ – bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị cấp giấy chứng nhận. Trình tự, thủ tục được quy định cụ thể tại Luật Công nghệ cao, Thông tư 32/2011/TT-BKHCN, Thông tư 01/2013/TT-BKHCN, Quyết định 55/2010/QĐ-TTg, Quyết định 66/2014/QĐ-TTg.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp Giấy chứng nhận hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao cho cá nhân
Cấp Giấy chứng nhận hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao cho tổ chức