62. Chấp thuận chuyển giao công nghệ

Posted on

Việc chấp thuận chuyển giao công nghệ được thực hiện theo trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Nghị định 51/2019/NĐ-CP, Thông tư 169/2016/TT-BTC Thông tư 02/2018/TT-BKHCN.

1. Khái niệm

Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ. (khoản 7 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017).

Việc cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ được thực hiện theo trình tự sau đây (khoản 2 Điều 28 Luật Chuyển giao công nghệ 2017).:

– Chấp thuận chuyển giao công nghệ.

– Cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.

2. Quyền chuyển giao công nghệ (Điều 7 Luật chuyển gia công nghệ năm 2017)

– Chủ sở hữu công nghệ có quyền chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.

– Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng công nghệ được chuyển giao quyền sử dụng công nghệ đó cho tổ chức, cá nhân khác khi chủ sở hữu công nghệ đồng ý.

Phạm vi chuyển giao quyền sử dụng công nghệ do các bên thỏa thuận bao gồm:

+ Độc quyền hoặc không độc quyền sử dụng công nghệ;

+ Quyền chuyển giao tiếp quyền sử dụng công nghệ của bên nhận chuyển giao cho bên thứ ba.

3. Đối tượng công nghệ được chuyển giao (Điều 4 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017)

3.1 Công nghệ được chuyển giao là một hoặc các đối tượng sau

– Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ;

– Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;

– Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;

– Máy móc, thiết bị đi kèm một trong các đối tượng quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

Lưu ý: Trường hợp đối tượng công nghệ quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

3.2 Công nghệ hạn chế chuyển giao (Điều 10 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017)

3.2.1 Hạn chế chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong nước trong trường hợp sau đây:

– Công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến ở các quốc gia công nghiệp phát triển;

– Sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải nguy hại đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

– Tạo ra sản phẩm bằng phương pháp biến đổi gen;

– Sử dụng chất phóng xạ, tạo ra chất phóng xạ mà đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

– Sử dụng tài nguyên, khoáng sản hạn chế khai thác trong nước;

– Công nghệ nhân giống, nuôi, trồng giống mới chưa được kiểm nghiệm;

– Tạo ra sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến phong tục, tập quán, truyền thống và đạo đức xã hội.

3.2.2 Hạn chế chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài trong trường hợp sau đây:

a) Tạo ra các sản phẩm truyền thống, sản xuất theo bí quyết truyền thống hoặc sử dụng, tạo ra chủng, loại giống trong nông nghiệp, khoáng chất, vật liệu quý hiếm đặc trưng của Việt Nam 

b) Tạo ra sản phẩm xuất khẩu vào thị trường cạnh tranh với mặt hàng xuất khẩu chủ lực quốc gia của Việt Nam.

3.3 Công nghệ cấm chuyển giao (Điều 11 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017)

Cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong nước công nghệ sau đây:

– Không đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo đảm sức khỏe con người, bảo vệ tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học;

– Tạo ra sản phẩm gây hậu quả xấu đến phát triển kinh tế – xã hội; ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội;

– Công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ không còn sử dụng phổ biến và chuyển giao ở các quốc gia đang phát triển và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

– Công nghệ sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;

– Sử dụng chất phóng xạ, tạo ra chất phóng xạ không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Lưu ý: Cấm chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài công nghệ thuộc Danh mục bí mật nhà nước, trừ trường hợp luật khác cho phép chuyển giao.

4. Các lưu ý liên quan đến chấp thuận chuyển giao công nghệ

– Đối với dự án đầu tư đã được thẩm định, lấy ý kiến công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư thì không phải chấp thuận chuyển giao công nghệ (khoản 2 Điều 28 Luật Chuyển giao công nghệ 2017)

– Tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao gửi hồ sơ đến Bộ Khoa học và Công nghệ để đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ (khoản 2 Điều 29 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017).

– Mức thu phí thẩm định đối với xem xét, chấp thuận chuyển giao công nghệ (cấp phép sơ bộ) là 10 (mười) triệu đồng (điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư 169/2016/TT-BTC).

5. Xử phạt vi phạm hành chính

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi kê khai sai sự thật trong hồ sơ đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ.

– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ hồ sơ, tài liệu có số liệu, nội dung sai sự thật do thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 51/2019/NĐ-CP (Điều 17 Nghị định 51/2019/NĐ-CP)

Kết luận: Công dân Việt Nam, doanh nghiệp sẽ được cấp thỏa thuận chuyển giao công nghệ theo những quy định củaLuật Chuyển giao công nghệ 2017, Nghị định 51/2019/NĐ-CP  Thông tư 02/2018/TT-BKHCN.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:

Chấp thuận chuyển giao công nghệ