71. Xét công nhận nhà khoa học trẻ tài năng

Posted on

Khoa học – Công nghệ ngày càng phát triển và có rất nhiều nhà khoa học trẻ cố gắng tìm hiểu và phát triển, sáng tạo ra nhiều những công trình khoa học mang tính ứng dụng cao vào đời sống – xã hội, giúp ích cho nhân loại.  Để tạo điều kiện tốt cho các nhà khoa học trẻ, cho mọi người có quyền được sáng tạo, sáng chế ra những công trình khoa học được phát triển bản thân cũng như những đứa con tinh thần của mình. Vì vậy mà mà vấn đề “Xét công nhận nhà khoa học trẻ tài năng” là vấn đề quan trọng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà khoa học trẻ, công nhận họ để họ có động lực phát triển bản thân, cải thiện, sáng tạo những công trình khoa học của mình để giúp ích  Khoa học – Công nghệ trên đà phát triển và giúp ích cho đời sống, Kinh tế- Xã hội. Và Dữ Liệu Pháp Lý sẽ phổ biến thủ tục trình tự xét nhà khoa học trẻ tài năng được quy định trong pháp luật: Luật khoa học và công nghệ 2013, Nghị định 40/2014/NĐ-CP, Nghị định 27/2020/NĐ-CP.

1. Một số khái niệm cơ bản

Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy.

Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.

Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ.

Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn.

2. Điều kiện và tiêu chuẩn để công nhận là Nhà khoa học trẻ tài năng

Nhà khoa học trẻ tài năng là cá nhận hoạt động khoa học và công nghệ dưới 35 tuổi, có trình độ tiến sĩ trở lên và đạt một trong các tiêu chuẩn, điều kiện sau (khoản 13 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ – CP):

– Chủ trì công trình đạt giải thưởng uy tín về khoa học công nghệ trong nước và quốc tế

– Là tác giả chính ít nhất năm bài báo khoa học được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín; hoặc là tác giả của ít nhất hai sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ trong đó có ít nhất một sáng chế được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội; hoặc đã chủ trì thực hiện thành công một nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà kết quả/sản phẩm mang lại có giá trị, tác động, hiệu quả cao về kinh tế xã hội. Ứng viên trong lĩnh vực khoa học xã hội nếu không đáp ứng điều kiện này thì phải đã có ít nhất ba lần tham gia chủ trì hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành ở cấp quốc gia hoặc tham gia hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành tầm quốc tế.

Chính sách trọng dụng nhà khoa học trẻ tài năng
3. Chính sách trọng dụng nhà khoa học trẻ tài năng

Nhà khoa học trẻ tài năng được hưởng các ưu đãi sau (Điều 24 Nghị định 40/2014/NĐ-CP và khoản 14 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ – CP):
– Được xét tuyển dụng đặc cách không qua thi vào làm việc trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và được hưởng hệ số lương 5,08 (tương đương bậc 3/8 ngạch chuyên viên chính).
– Được ưu tiên cử tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ chuyên ngành khoa học và công nghệ tại các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài; được ưu tiên cử đi thực tập, làm việc có thời hạn tại các tổ chức khoa học và công nghệ ở nước ngoài; được ưu tiên giao trực tiếp chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng thuộc lĩnh vực chuyên môn.
– Được tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ xem xét giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước để thành lập hoặc góp vốn thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
– Được xem xét hỗ trợ kinh phí sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ, trừ trường hợp kinh phí này đã được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
– Được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành ở trong nước và nước ngoài tối đa 1 lần trong 1 năm; hỗ trợ kinh phí công bố kết quả khoa học và công nghệ, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế và giống cây trồng ở trong nước và nước ngoài, trừ trường hợp kinh phí này đã được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
– Được hưởng các chính sách quy định tại Chương II Nghị định  40/2014/NĐ-CP và các ưu đãi khác quy định tại Điều 23 Luật Khoa học và công nghệ 2013.

4. Quyền và nghĩa vụ của nhà khoa học trẻ tài năng

4.1. Quyền của nhà khoa học trẻ tài năng bao gồm (Điều 20 Luật khoa học và công nghệ 2013):

– Tự do sáng tạo, bình đẳng trong hoạt động khoa học và công nghệ.

– Tự mình hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân khác để hoạt động khoa học và công nghệ, ký kết hợp đồng khoa học và công nghệ.

– Được tạo điều kiện để tham gia, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ mà mình là thành viên.

– Thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ trong một số lĩnh vực theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

– Đăng ký tham gia tuyển chọn hoặc được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

– Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao, chuyển nhượng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

– Công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Luật báo chí, Luật xuất bản và quy định khác của pháp luật.

– Góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ để hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh; nhận tài trợ để hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.

– Tư vấn, đề xuất ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước với cơ quan có thẩm quyền, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức khoa học và công nghệ mà mình là thành viên và tham gia giám sát việc thực hiện.

– Tham gia tổ chức khoa học và công nghệ, hội, hiệp hội khoa học và công nghệ; tham gia hoạt động đào tạo, tư vấn, hội nghị, hội thảo khoa học và công nghệ; tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ.

– Được xét công nhận, bổ nhiệm vào chức danh quy định tại Điều 19 của Luật này.

– Được khen thưởng, hưởng quyền ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

4.2. Nghĩa vụ của nhà khoa học trẻ tài năng bao gồm (Điều 21 Luật Khoa học và Công nghệ 2013)

– Đóng góp trí tuệ, tài năng vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

– Thực hiện hợp đồng khoa học và công nghệ đã ký kết.

– Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giao.

– Đăng ký, lưu giữ và giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

– Giữ bí mật nhà nước về khoa học và công nghệ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội.

5. Thời hạn nộp hồ sơ và phê duyệt

Nộp hồ sơ (trực  tiếp / trực tuyến/ bưu chính) àQuỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (45 ngày) ra quyết định công nhận (gửi đến các cá nhân trong 15 ngày) hoặc từ chối thông báo bằng văn bản (khoản 13 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ – CP).

Kết luận: Việc xét công nhận nhà khoa học tài năng trẻ quy định tại Luật khoa học và công nghệ, Nghị định 27/2020/NĐ – CP, Nghị định 40/2014/NĐ – CP

Chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu đơn xem tại đây:

Xét công nhận nhà khoa học tài năng trẻ