12. Điều chỉnh trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ
Trong quá trình hoạt động, các tổ chức, cá nhân có thể phát sinh việc điều chỉnh trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ, khi đó tổ chức cá nhân có nhu cầu cần phải tiến hành đề nghị điều chỉnh. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Thông tư 15/2016/TT-BKHCN như sau:
1. Các trường hợp phát sinh điều chỉnh trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ
Các trường hợp phát sinh điều chỉnh bao gồm (từ Điều 14 đến Điều 20 Chương III Thông tư 15/2016/TT-BKHCN):
– Điều chỉnh tên, mục tiêu, sản phẩm đề tài;
– Điều chỉnh kinh phí thực hiện đề tài;
– Thay đổi tổ chức chủ trì đề tài;
– Thay đổi chủ nhiệm đề tài;
– Điều chỉnh nội dung của đề tài;
– Điều chỉnh thời gian thực hiện đề tài;
– Điều chỉnh khác đối với đề tài.
2. Các yêu cầu, điều kiện điều chỉnh trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ
2.1 Điều chỉnh tên, mục tiêu, sản phẩm đề tài (Điều 14 Thông tư 15/2016/TT-BKHCN):
- Đối với đề tài thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng: Không được phép điều chỉnh.
- Đối với đề tài thực hiện theo phương thức khoán chi từng phần: Việc điều chỉnh do Quỹ xem xét, quyết định trên cơ sở tư vấn của Hội đồng khoa học hoặc chuyên gia tư vấn độc lập.
2.2 Điều chỉnh kinh phí thực hiện đề tài
Theo Điều 15 Thông tư 15/2016/TT-BKHCN thì việc điều chỉnh kinh phí thực hiện đề tài (theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và khoán chi từng phần) được thực hiện theo Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC về quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.
2.3 Thay đổi tổ chức chủ trì đề tài
Khi thay đổi tổ chức chủ trì cần lưu ý những điểm sau (Điều 16 Thông tư 15/2016/TT-BKHCN):
- Trường hợp có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc sáp nhập, chia tách, giải thể tổ chức chủ trì hoặc tổ chức chủ trì hiện tại không đáp ứng được các yêu cầu về tư cách pháp nhân, năng lực hoạt động phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đề tài, điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ hoạt động nghiên cứu của đề tài theo quy định, thì Quỹ xem xét việc thay đổi
- Tổ chức chủ trì mới phải đáp ứng các yêu cầu tư cách pháp nhân, năng lực hoạt động phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đề tài, điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ hoạt động nghiên cứu của đề tài theo quy định.
- Tổ chức chủ trì hiện tại, tổ chức chủ trì mới và chủ nhiệm đề tài có quyền đề nghị bằng văn bản để Quỹ xem xét, quyết định.
2.4 Thay đổi chủ nhiệm đề tài
Việc thay đổi chủ nhiệm đề tài chỉ được thực hiện khi tổ chức chủ trì có văn bản gửi đến Quỹ và thuộc một trong các trường hợp sau (khoản 1 Điều 17 Thông tư 15/2016/TT-BKHCN):
– Chủ nhiệm đề tài đi học tập, công tác dài hạn trên 06 (sáu) tháng liên tục ở nước ngoài, không tham gia các hoạt động nghiên cứu của đề tài;
– Chủ nhiệm đề tài bị ốm đau, bệnh tật không có khả năng điều hành hoạt động nghiên cứu của đề tài (có văn bản đề nghị của chủ nhiệm đề tài hoặc người được ủy quyền hoặc xác nhận của cơ quan y tế);
– Chủ nhiệm đề tài tử vong hoặc mất tích trên 06 (sáu) tháng;
– Chủ nhiệm đề tài không hoàn thành tiến độ và nội dung đề tài theo hợp đồng mà không có lý do chính đáng, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính theo kết luận của đoàn kiểm tra, thanh tra hoặc phải đình chỉ công tác;
– Chủ nhiệm đề tài có văn bản đề nghị thay đổi chủ nhiệm đề tài vì lý do cá nhân khác không thể tiếp tục thực hiện công việc được giao.
Lưu ý:
Chủ nhiệm đề tài mới phải đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn phù hợp với nội dung nghiên cứu của đề tài; năng lực nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của đề tài và đủ thời gian để hoàn thành nội dung nghiên cứu của đề tài theo quy định. Trường hợp chủ nhiệm đề tài đi công tác, làm việc tại nước ngoài, tổng thời gian ở nước ngoài không quá 1/3 thời gian thực hiện đề tài (khoản 2 Điều 17 Thông tư 15/2016/TT-BKHCN).
2.5 Điều chỉnh nội dung của đề tài
Việc điều chỉnh nội dung của đề tài được quy định như sau (Điều 18 Thông tư 15/2016/TT-BKHCN):
– Đối với đề tài thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng: Chủ nhiệm đề tài, Tổ chức chủ trì đề tài được chủ động điều chỉnh nội dung đề tài và tự chịu trách nhiệm về quyết định điều chỉnh của mình nhưng không làm thay đổi mục tiêu, thời gian, kết quả nghiên cứu của đề tài và tổng kinh phí thực hiện đề tài.
– Đối với đề tài thực hiện theo phương thức khoán chi từng phần: Chủ nhiệm đề tài và tổ chức chủ trì đề tài phải có văn bản báo cáo Quỹ.
2.6 Điều chỉnh thời gian thực hiện đề tài
Việc điều chỉnh thời gian thực hiện đề tài được quy định như sau (Điều 19 Thông tư 15/2016/TT-BKHCN):
– Trường hợp đề tài không có khả năng hoàn thành đúng thời hạn theo hợp đồng thì chậm nhất 60 (sáu mươi) ngày trước khi kết thúc thời hạn thực hiện hợp đồng, tổ chức chủ trì và chủ nhiệm đề tài phải báo cáo bằng văn bản, giải trình lý do và kiến nghị về việc gia hạn thực hiện đề tài gửi Quỹ kèm theo báo cáo tình hình thực hiện đề tài đến thời điểm đề nghị gia hạn thực hiện.
– Trường hợp đề tài đã hoàn thành nội dung công việc, đã triển khai ít nhất 2/3 (hai phần ba) thời gian nghiên cứu và có đủ sản phẩm khoa học theo hợp đồng, chủ nhiệm đề tài và tổ chức chủ trì gửi văn bản đề nghị và Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện đề tài để Quỹ xem xét tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài.
2.7 Điều chỉnh khác đối với đề tài
Tổ chức chủ trì, chủ nhiệm đề tài được quyền điều chỉnh đối với các trường hợp sau nhưng không làm thay đổi mục tiêu, thời gian, kết quả nghiên cứu của đề tài và tổng kinh phí thực hiện đề tài (Điều 20 Thông tư 15/2016/TT-BKHCN):
– Điều chỉnh mua sắm vật tư, nguyên, nhiên vật liệu, sửa chữa, mua sắm tài sản cố định: Đối với đề tài thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, chủ nhiệm đề tài, tổ chức chủ trì đề tài được chủ động quyết định điều chỉnh kế hoạch mua sắm và dự toán về số lượng, khối lượng, chủng loại vật tư, nguyên, nhiên vật liệu mua bằng ngân sách nhà nước, kế hoạch sửa chữa, mua sắm tài sản cố định và không làm tăng tổng kinh phí chi cho mục nguyên vật liệu đã được phê duyệt;
– Điều chỉnh, bổ sung cá nhân tham gia nghiên cứu: Chủ nhiệm đề tài, tổ chức chủ trì đề tài được chủ động thay đổi cá nhân tham gia nghiên cứu (không phải là thành viên thực hiện chính, thư ký khoa học) để bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu, sản phẩm của đề tài đã được phê duyệt. Việc thay đổi cá nhân tham gia nghiên cứu phải có sự đồng thuận của người được bổ sung và người được thay thế và phải đáp ứng yêu cầu theo quy định;
– Đối với đoàn ra: Đối với đề tài thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, tổ chức chủ trì, chủ nhiệm đề tài được chủ động quyết định điều chỉnh kế hoạch đoàn ra. Đối với đề tài thực hiện theo phương thức khoán chi từng phần, tổ chức chủ trì, chủ nhiệm đề tài được chủ động điều chỉnh thời điểm và thời gian tổ chức đoàn ra phù hợp với thực tế.
Lưu ý:
Tổ chức chủ trì đề tài chủ động quyết định điều chỉnh các nội dung bao gồm: điều chỉnh kinh phí thực hiện đề tài, điều chỉnh nội dung đối với đề tài thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và được quyền điều chỉnh đối với các trường hợp không làm thay đổi mục tiêu, thời gian, kết quả nghiên cứu của đề tài và tổng kinh phí thực hiện đề tài (khoản 2 Điều 21 Thông tư 15/2016/TT-BKHCN).
Kết luận: Khi tiến hành thủ tục điều chỉnh trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Thông tư 15/2016/TT-BKHCN.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây
Điều chỉnh trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ