41. Đăng ký tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ
Tổ chức, cá nhân được đăng ký tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Nghị định 40/2014/NĐ-CP, Thông tư 09/2015/TT-BKHCN như sau:
1. Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia
Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia là quỹ trực thuộc Bộ Khoa học và công nghệ, có tư cách pháp nhân, hoạt động không vì lợi nhuận.
Chức năng của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ: tài trợ, cho vay để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do tổ chức và cá nhân đề xuất.
Các loại hình tài trợ của quỹ bao gồm:
– Các đề tài trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ;
– Các đề tài trong lình vực khoa học xã hội và nhân văn;
– Các đề tài mới phát sinh (những vấn đề rất nóng);
– Các đề tài hợp tác song phương (Việt-Bỉ, Việt-Đức);
– Hỗ trợ một phần các đề tài đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ;
– Hỗ trợ các hoạt động khoa học khác: thực tập ngắn hạn, tham gia hội nghị quốc tế, tổ chức hội thảo quốc tế.
2. Đăng ký tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ
2.1. Điều kiện xem xét hỗ trợ
Theo khoản 1 Điều 9 Thông tư 09/2015/TT-BKHCN, điều kiện xem xét hỗ trợ đăng ký tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ được quy định như sau:
– Hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành được tổ chức bởi các tổ chức có uy tín trong lĩnh vực, có trang tin điện tử giới thiệu về hội thảo;
– Có các nhà khoa học trong nước và nước ngoài có kết quả nghiên cứu công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín trong lĩnh vực đăng ký tham dự và trình bày báo cáo khoa học tại hội thảo;
– Được các cơ quan khoa học và công nghệ và các tổ chức nghề nghiệp uy tín trong lĩnh vực bảo trợ;
– Phù hợp với lĩnh vực hoạt động của đơn vị tổ chức.
2.2. Tiêu chí xem xét hỗ trợ bao gồm: (khoản 2 Điều 9 Thông tư 09/2015/TT-BKHCN)
– Chất lượng hội thảo: đánh giá dựa trên việc tổ chức hội thảo (đơn vị tổ chức, ban tổ chức, ban chương trình, nhà khoa học tham gia), uy tín của hội thảo (chất lượng các lần tổ chức hội thảo trước đó);
– Ý nghĩa của hội thảo đối với lĩnh vực nghiên cứu tại Việt Nam;
– Thành tích nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài đề nghị Quỹ hỗ trợ kinh phí tham gia hội thảo;
– Dự toán kinh phí hợp lý.
2.3. Nội dung hỗ trợ (khoản 3 Điều 9 Thông tư 09/2015/TT-BKHCN)
Các nội dung được Quỹ hỗ trợ gồm chi phí phản biện báo cáo, in ấn kỷ yếu hội thảo (không quá 300 cuốn) và chi phí ăn, ở của chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài được mời tham dự và trình bày báo cáo tại hội thảo (không quá 10 người).
3. Một sô lưu ý
– Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có thực hiện chủ trì hoặc có báo cáo chính thức tại các hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành là một điều kiện cần để được xem xét, công nhận là nhà khoa học đầu ngành. (Điều 15 Nghị định 40/2014/NĐ-CP)
– Nơi nộp hồ sơ đăng ký: Văn phòng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia;
– Thời gian nộp hồ sơ đăng ký: Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị tài trợ tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam cho Quỹ chậm nhất là ba (03) tháng trước ngày khai mạc hội thảo. Quỹ sẽ tiếp nhận, tổ chức đánh giá xét chọn hồ sơ và thông báo quyết định tài trợ đối với hồ sơ được chấp nhận tài trợ.
Kết luận: Tổ chức, cá nhân được đăng ký tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 9 Thông tư 09/2015/TT-BKHCN.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Đăng ký tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ