3. Cấp, cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp
Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức hoặc cá nhân sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, giám định về quyền sở hữu công nghiệp là một trong những lĩnh vực của giám định sở hữu trí tuệ và các tổ chức đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật sẽ được cấp/cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019), Nghị định 105/2006/NĐ-CP, Nghị định 119/2010/NĐ-CP, Nghị định 99/2013/NĐ-CP, Nghị định 154/2018/NĐ-CP, Thông tư 01/2008/TT-BKHCN, Thông tư 18/2011/TT-BKHCN, Thông tư 04/2012/TT-BKHCN, Thông tư 263/2016/TT-BTC.
1. Một số khái niệm liên quan
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009):
– Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
– Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
– Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
– Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
– Mạch tích hợp bán dẫn là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử với ít nhất một phần tử tích cực và một số hoặc tất cả các mối liên kết được gắn liền bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp đồng nghĩa với IC, chip và mạch vi điện tử.
– Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.
– Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
– Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Khu vực kinh doanh quy định tại khoản này là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.
– Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
2. Giám định sở hữu trí tuệ
a) Quy định chung
Căn cứ theo Điều 201 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), giám định về sở hữu trí tuệ được quy định như sau.
– Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
– Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam đáp ứng các điều kiện sau đây được thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ:
+ Có nhân lực, cơ sở vật chất – kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giám định theo quy định của pháp luật;
+ Có chức năng thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động;
+ Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức ủy quyền có Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ.
– Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ:
+ Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
+ Thường trú tại Việt Nam;
+ Có phẩm chất đạo đức tốt;
+ Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp thẻ giám định, đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đó từ năm năm trở lên và đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định.
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quyền trưng cầu giám định về sở hữu trí tuệ khi giải quyết vụ việc mà mình đang thụ lý.
– Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và tổ chức, cá nhân khác có liên quan có quyền yêu cầu giám định về sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
b) Nội dung và lĩnh vực giám định sở hữu trí tuệ
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 39 Nghị định 105/2006/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 119/2010/NĐ-CP):
– Giám định về sở hữu trí tuệ bao gồm các nội dung sau đây:
+ Xác định phạm vi bảo hộ của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 6 của Nghị định này;
+ Xác định đối tượng được xem xét có đáp ứng các Điều kiện để bị coi là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 và các Điều từ Điều 7 đến Điều 14 của Nghị định này;
+ Xác định có hay không sự trùng, tương đương, tương tự, gây nhầm lẫn, khó phân biệt hoặc sao chép giữa đối tượng được xem xét với đối tượng được bảo hộ;
+ Xác định giá trị quyền sở hữu trí tuệ, xác định giá trị thiệt hại.
– Giám định sở hữu trí tuệ bao gồm các lĩnh vực sau đây:
+ Giám định về quyền tác giả và quyền liên quan;
+ Giám định về quyền sở hữu công nghiệp;
+ Giám định về quyền đối với giống cây trồng.
Lưu ý: Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Mục I Thông tư 01/2008/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 04/2012/TT-BKHCN) thì lĩnh vực giám định sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ và điểm b khoản 2 Điều 39 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP sửa đổi bao gồm các chuyên ngành sau đây:
– Giám định sáng chế và thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;
– Giám định kiểu dáng công nghiệp;
– Giám định nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý;
– Giám định các quyền sở hữu công nghiệp khác.
3. Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ
Căn cứ theo quy định tại Điều 42 Nghị định 105/2006/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 119/2010/NĐ-CP và Nghị định 154/2018/NĐ-CP):
– Các tổ chức quy định tại Khoản 2 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ được hoạt động giám định bao gồm:
+ Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp;
+ Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo pháp luật về hợp tác xã;
+ Đơn vị sự nghiệp;
+ Các tổ chức hành nghề luật sư được thành lập và hoạt động theo pháp luật về luật sư, trừ chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.
– Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ chỉ được phép hoạt động khi có ít nhất một giám định viên sở hữu trí tuệ.
– Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện hoạt động giám định trong lĩnh vực đã đăng ký hoạt động.
Lưu ý: Căn cứ theo Điều 43 Nghị định 105/2006/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 119/2010/NĐ-CP) quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức giám định sở hữu trí tuệ thì:
– Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ có các quyền sau đây:
+ Thuê giám định viên sở hữu trí tuệ thực hiện giám định theo các vụ việc;
+ Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định để thực hiện việc giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ có các nghĩa vụ sau đây:
+ Hoạt động theo đúng lĩnh vực giám định ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động;
+ Bảo quản, lưu trữ các tài liệu, hồ sơ liên quan đến vụ việc giám định;
+ Giữ bí mật các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu hoặc trưng cầu giám định và phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
4. Các tổ chức được cấp Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Mục I Thông tư 01/2008/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 04/2012/TT-BKHCN):
– Tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ được cấp Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là Giấy chứng nhận tổ chức giám định).
– Các tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 42 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP sửa đổi bao gồm các tổ chức sau đây:
+ Doanh nghiệp, bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
+ Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hợp tác xã;
+ Đơn vị sự nghiệp thành lập và hoạt động theo Quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
+ Các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về luật sư, bao gồm: văn phòng luật sư; công ty luật trách nhiệm hữu hạn; công ty luật hợp danh; trừ chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.
Chi nhánh và các đơn vị phụ thuộc khác của các tổ chức thuộc các trường hợp quy định tại khoản này chỉ được hoạt động giám định dưới danh nghĩa của tổ chức mà mình phụ thuộc theo ủy quyền của tổ chức đó.
5. Cấp, cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp
a) Thẩm quyền thực hiện
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Mục IV Thông tư 01/2008/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 04/2012/TT-BKHCN) thì thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định được quy định như sau:
– Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Mục IV của Thông tư này cho các đơn vị sự nghiệp là tổ chức khoa học và công nghệ đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ tại Bộ Khoa học và Công nghệ.
– Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Mục IV của Thông tư này cho các tổ chức quy định tại khoản 3 Mục I của Thông tư này đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương.
– Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan tiếp nhận và xem xét hồ sơ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định theo thẩm quyền tương ứng quy định tại điểm a và điểm b trên đây.
b) Hồ sơ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Mục IV Thông tư 01/2008/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 04/2012/TT-BKHCN), hồ sơ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định gồm 01 bộ tài liệu sau đây:
– Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định, làm theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp), Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã), Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ (đối với đơn vị sự nghiệp là tổ chức khoa học và công nghệ), Quyết định thành lập và Giấy đăng ký hoạt động (nếu pháp luật quy định phải đăng ký hoạt động – đối với đơn vị sự nghiệp không phải là tổ chức khoa học và công nghệ) hoặc Giấy đăng ký hoạt động đối với tổ chức hành nghề luật sư (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);
– Bản sao (có chứng thực) quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động giữa tổ chức và giám định viên sở hữu công nghiệp hoạt động cho tổ chức;
– Chứng từ nộp phí, lệ phí.
c) Trình tự giải quyết việc cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định
Căn cứ theo Khoản 3 Mục IV Thông tư 01/2008/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 04/2012/TT-BKHCN) thì trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ xem xét hồ sơ theo quy định sau đây:
– Trường hợp hồ sơ đáp ứng quy định tại khoản 2 Mục IV của Thông tư này và tổ chức đáp ứng các Điều kiện quy định tại khoản 3 Mục I của Thông tư này, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ ra quyết định cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định, trong đó ghi rõ tên đầy đủ, tên giao dịch, địa chỉ của tổ chức và chuyên ngành giám định của tổ chức tương ứng với chuyên ngành giám định của các giám định viên thuộc tổ chức, Danh sách giám định viên sở hữu công nghiệp là thành viên của tổ chức.
– Trường hợp hồ sơ có thiếu sót hoặc tổ chức không đáp ứng các Điều kiện quy định tại khoản 3 Mục I của Thông tư này, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 1 tháng kể từ ngày ra thông báo để tổ chức nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Khi hết thời hạn đã ấn định mà tổ chức nộp hồ sơ không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ ra quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
– Giấy chứng nhận tổ chức giám định được làm theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 của Thông tư này.
c) Cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định
Căn cứ theo Khoản 4 Mục IV Thông tư 01/2008/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 18/2011/TT-BKHCN), việc cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định được quy định như sau:
– Theo yêu cầu của tổ chức giám định, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ ra quyết định cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định trong trường hợp Giấy chứng nhận bị mất, bị lỗi, bị hỏng (rách, bẩn, phai mờ…) đến mức không sử dụng được; hoặc có sự thay đổi liên quan đến các thông tin đã được ghi nhận trong Giấy chứng nhận theo quy định tại điểm a khoản 3 Mục IV của Thông tư này.
– Tổ chức giám định có nghĩa vụ làm thủ tục yêu cầu cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định cấp lại Giấy chứng nhận để ghi nhận lại các thay đổi nêu tại điểm a khoản này.
– Quy định tại khoản 2 và khoản 3 Mục IV của Thông tư này cũng được áp dụng đối với thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định, trừ các tài liệu quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 và thời hạn Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ xem xét hồ sơ là 15 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ.
– Trong trường hợp Giấy chứng nhận tổ chức giám định bị lỗi do Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận gây ra, thì cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm cấp lại Giấy chứng nhận miễn phí trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của tổ chức giám định.
5. Phạt vi phạm hành chính
Hành vi thực hiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp khi không đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.
Kết luận: Khi thực hiện thủ tục cấp, cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp cần phải tuân thủ theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), Nghị định 105/2006/NĐ-CP, Nghị định 119/2010/NĐ-CP, Nghị định 154/2018/NĐ-CP, Thông tư 01/2008/TT-BKHCN, Thông tư 18/2011/TT-BKHCN, Thông tư 04/2012/TT-BKHCN.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp
Cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp