13. Đăng ký hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn
Trong quá trình hoạt động, các cá nhân tổ chức có nhu cầu tiến hành việc đăng ký hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Cơ sở trợ giúp xã hội là cơ sở có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Cơ sở có tên gọi bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, biểu tượng riêng (nếu có). Tên và biểu tượng của cơ sở không trùng lắp hoặc gây nhầm lẫn với tên hoặc biểu tượng của cơ sở khác đã được đăng ký trước đó; không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trụ sở hoạt động của cơ sở đặt trên lãnh thổ Việt Nam và có địa chỉ cụ thể (Điều 4 Nghị định 103/2017/NĐ-CP).
Cơ sở trợ giúp xã hội gồm cơ sở trợ giúp xã hội công lập và cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập (Điều 2 Nghị định 103/2017/NĐ-CP).
Lưu ý:
Cơ sở trợ giúp xã hội gồm 7 loại hình sau (Điều 5 Nghị định 103/2017/NĐ-CP):
- Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi.
- Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
- Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật.
- Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.
- Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp thực hiện việc chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội.
- Trung tâm công tác xã hội thực hiện việc tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội.
- Cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật.
2. Điều kiện đăng ký hoạt động trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn
Cơ sở trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động trợ giúp xã hội khi có đủ các điều kiện sau (Điều 44 Nghị định 103/2017/NĐ-CP):
– Người đứng đầu, nhân viên của cơ sở phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội; không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;
– Có nhân viên trợ giúp xã hội cho đối tượng;
– Đáp ứng các điều kiện cơ bản về nhà ở, nhà bếp, điện, nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho đối tượng.
3. Đăng ký hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động trợ giúp xã hội đối với cơ sở có trụ sở trên địa bàn (Điều 45 Nghị định 103/2017/NĐ-CP).
Tổ chức cá nhân cần lưu ý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn (Điều 48 Nghị định 103/2017/NĐ-CP):
– Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động trợ giúp xã hội được cấp không đúng quy định của pháp luật;
– Cơ sở vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động;
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật
Kết luận: Khi tiến hành đăng ký hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Nghị định 103/2017/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây
Đăng ký hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn