16. Đưa đối tượng ra khỏi cơ sở trợ giúp trẻ em
Trong quá trình hoạt động, cá nhân tổ chức có thể phát sinh việc đưa đối tượng ra khỏi cơ sở trợ giúp trẻ em, khi đó cá nhân tổ chức có nhu cầu sẽ tiến hành đề nghị đưa đối tượng ra khỏi cơ sở. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Thông tư 55/2015/TT-BLĐTBXH và Quyết định 101/QĐ-LĐTBXH 2016 như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Cơ sở trợ giúp trẻ em quy định tại Thông tư 55/2015/TT-BLĐTBXH này gồm: Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp, cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật, trung tâm công tác xã hội (khoản 2 Điều 1 Thông tư số 55/2015/TT-BLĐTBXH).
Lưu ý:
Nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp trẻ em được quy định tại Điều 3 Thông tư số 55/2015/TT-BLĐTBXH:
– Tiếp nhận, quản lý, giáo dục và trợ giúp đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư số 55/2015/TT-BLĐTBXH.
– Cử đại diện tham gia cuộc họp tư vấn để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
– Phân công nhân viên công tác xã hội hoặc người có kinh nghiệm quản lý, giáo dục người chưa thành niên trực tiếp trợ giúp đối tượng.
– Tạo điều kiện cho đối tượng được đi học, tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề, các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương.
– Phối hợp với trung tâm công tác xã hội và các cơ quan, đơn vị liên quan để xác minh địa chỉ, người thân của đối tượng để trợ giúp đối tượng hòa nhập cộng đồng.
– Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tại cộng đồng trong việc quản lý, giáo dục và trợ giúp đối tượng.
– Tổ chức quản lý đối tượng phù hợp với nhiệm vụ của cơ sở.
2. Điều kiện đưa đối tượng ra khỏi cơ sở trợ giúp trẻ em
Đối tượng ra khỏi cơ sở khi có một trong các điều kiện sau (khoản 1 Điều 8 Thông tư số 55/2015/TT-BLĐTBXH):
– Người giám hộ, gia đình ruột thịt hoặc gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng có đơn đề nghị;
– Đối tượng đủ 18 tuổi. Trường hợp từ 18 tuổi trở lên đang học các cấp học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thì tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở cho đến khi tốt nghiệp văn bằng thứ nhất nhưng không quá 22 tuổi.
3. Thẩm quyền đưa đối tượng ra khỏi cơ sở trợ giúp trẻ em
Người có thẩm quyền đưa đối tượng ra khỏi cơ sở trợ giúp trẻ em là Người đứng đầu cơ sở (Điều 6 Thông tư 55/2015/TT-BLĐTBXH).
Cơ sở bàn giao đối tượng cho Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền để tiếp tục hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống sau khi có quyết định (điểm b khoản 2 Điều 8 Thông tư 55/2015/TT-BLĐTBXH).
Kết luận: Khi đưa đối tượng ra khỏi cơ sở trợ giúp trẻ em cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Thông tư 55/2015/TT-BLĐTBXH.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây