29. Dừng trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội

Posted on

Trong quá trình hoạt động, tổ chức cá nhân có thể phát sinh việc dừng trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội, khi đó tổ chức cá nhân có nhu cầu phải tiến hành đề nghị dừng trợ giúp. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản

Cơ sở trợ giúp xã hội là cơ sở có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Cơ sở có tên gọi bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, biểu tượng riêng (nếu có). Tên và biểu tượng của cơ sở không trùng lắp hoặc gây nhầm lẫn với tên hoặc biểu tượng của cơ sở khác đã được đăng ký trước đó; không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trụ sở hoạt động của cơ sở đặt trên lãnh thổ Việt Nam và có địa chỉ cụ thể (Điều 4 Nghị định 103/2017/NĐ-CP).

Cơ sở trợ giúp xã hội gồm cơ sở trợ giúp xã hội công lậpcơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập (Điều 2 Nghị định 103/2017/NĐ-CP).

Lưu ý:

Cơ sở trợ giúp xã hội gồm 7 loại hình sau (Điều 5 Nghị định 103/2017/NĐ-CP):

  • Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi.
  • Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
  • Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật.
  • Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.
  • Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp thực hiện việc chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội.
  • Trung tâm công tác xã hội thực hiện việc tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội.
  • Cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật.

2. Điều kiện dừng trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội

Điều kiện dừng trợ giúp xã hội được quy định như sau (khoản 2 Điều 43 Nghị định 103/2017/NĐ-CP):

2.1 Đối với đối tượng sử dụng dịch vụ hoặc người giám hộ, thân nhân hoặc gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc cha mẹ nuôi thì khi đề nghị dừng trợ cấp phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Người giám hộ, gia đình hoặc gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng có đơn đề nghị;

– Đối tượng được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật con nuôi;

– Đối tượng đủ 18 tuổi. Trường hợp từ 18 tuổi trở lên đang học các cấp học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thì tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở cho đến khi tốt nghiệp văn bằng thứ nhất nhưng không quá 22 tuổi;

– Đối tượng đề nghị dừng hoạt động trợ giúp xã hội;

2.2 Đối với trường hợp dừng trợ giúp xã hội từ phía cơ sở trợ giúp xã hội thì cần đáp ứng các diều kiện sau:

– Kết thúc quản lý trường hợp theo quyết định của người đứng đầu cơ sở;

– Cơ sở không có khả năng cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp cho đối tượng;

– Đối tượng không liên hệ trong vòng 1 tháng;

– Đối tượng chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật;

– Kết thúc hợp đồng cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội;

– Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

3. Dừng trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội

Về thẩm quyền dừng trợ giúp xã hội: Người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội quyết định dừng trợ giúp xã hội đối với đối tượng (khoản 1 Điều 43 Nghị định 103/2017/NĐ-CP).

Cơ sở trợ giúp xã hội  phải có biên bản bàn giao đối tượng về gia đình, cộng đồng có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc thanh lý hợp đồng dịch vụ trợ giúp xã hội khi có quyết định dừng trợ giúp xã hội (điểm c khoản 3 Điều 43 Nghị định 103/2017/NĐ-CP).

Kết luận: Khi đề nghị dừng trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Nghị định 103/2017/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây

Dừng trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội