5. Xác nhận liệt sĩ đối với người hy sinh không thuộc lực lượng quân đội, công an hy sinh trong chiến tranh từ ngày 31/12/1991 trở về trước không còn giấy tờ
Xác nhận liệt sĩ đối với người hy sinh thuộc lực lượng quân đội, công an hy sinh trong chiến tranh từ ngày 31/12/1991 trở về trước không còn giấy tờ là thủ tục hành chính được pháp luật quy định thông qua Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14, Nghị định 131/2021/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này như sau:
1. Một số khái niệm
Theo Điều 14 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ưu đãi người có công với cách mạng thì liệt sĩ là:
– Người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận là liệt sĩ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;
+ Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng;
+ Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;
+ Hoạt động hoặc tham gia hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh;
+ Làm nghĩa vụ quốc tế;
+ Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh;
+ Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm;
+ Do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục do Chính phủ quy định;
+ Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm;
+ Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội;
+ Do vết thương tái phát là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 23 của Pháp lệnh này có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, có bệnh án điều trị yết thương tái phát của bệnh viện tuyến huyện trở lên và biên bản kiểm thảo tử vong;
+ Mất tích trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, i và k khoản này và được cơ quan có thẩm quyền kết luận không phản bội; đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ.
Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 quy định thân nhân liệt sĩ bao gồm:
– Cha đẻ, mẹ đẻ;
– Vợ hoặc chồng;
– Con;
– Người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ: là người đã nuôi dưỡng khi liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi và thời gian nuôi dưỡng từ 10 năm trở lên (Theo khoản 2 Điều 4 Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14)
2. Xác nhận liệt sĩ
2.1 Căn cứ xác nhận
Điều 3 Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP quy định các căn cứ để xác nhận liệt sĩ đối với người hy sinh thuộc lực lượng quân đội, công an hy sinh trong chiến tranh từ ngày 31/12/1991 trở về trước không còn giấy tờ bao gồm:
– Danh sách liệt sĩ lưu tại cơ quan, đơn vị có ghi tên người hy sinh, hoặc giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31/12/1994 trở về trước có ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu.
– Người hy sinh đã được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sĩ từ ngày 31/12/1994 trở về trước.
2.2 Điều kiện xác nhận liệt sĩ
Bên cạnh căn cứ để xác nhận liệt sĩ đối với người không còn giấy tờ, thì còn phải đáp ứng các điều kiện về xác nhận liệt sĩ quy định tại Điều 16 Nghị định 131/2021/NĐ-CP: Người hy sinh thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xác nhận là liệt sĩ:
– Trực tiếp phục vụ chiến đấu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh được xác định là thực hiện các nhiệm vụ trong lúc trận đánh đang diễn ra hoặc trong khi địch đang bắn phá: cứu thương, tải thương, tải đạn, đảm bảo thông tin liên lạc, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu.
– Địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh được xác định theo quy định tại Phụ lục III Nghị định này.
– Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh được xác định như sau:
+ Nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập có tính chất nguy hiểm trong các trường hợp sau: bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai; trong huấn luyện chiến đấu, diễn tập của lực lượng: không quân, hải quân, kiểm ngư, cảnh sát biển, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, cảnh sát cơ động, đặc nhiệm.
+ Làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh có tính chất nguy hiểm khi: chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai; thực hiện nhiệm vụ của kiểm ngư, cảnh sát biển; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; rà phá, xử lý, tiêu hủy bom mìn, vật liệu nổ; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, thử nghiệm, bảo quản, vận chuyển thuốc phóng, thuốc nổ, vũ khí, đạn dược; xây dựng công trình ngầm quốc phòng, an ninh.
– Địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh (sau đây gọi là địa bàn đặc biệt khó khăn) là địa bàn có điều kiện tự nhiên hiểm trở, khắc nghiệt, khó khăn dễ xảy ra tai nạn, ốm đau, bao gồm các địa bàn theo Phụ lục IV Nghị định này.
Không xem xét công nhận đối với các trường hợp ốm đau tại địa bàn đặc biệt khó khăn nhưng đã được đưa đi chữa trị ở bệnh viện tuyến tỉnh trở lên hoặc ốm đau ở nơi khác và đã được điều trị nhưng không chữa khỏi mà vẫn chuyển công tác về địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn.
– Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm quy định tại điểm i khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh là trực tiếp thực thi nhiệm vụ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nhằm điều tra, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ đối tượng phạm tội hoặc ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự.
– Xem xét công nhận liệt sĩ đối với trường hợp quy định tại điểm k khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh gồm các yếu tố sau:
+ Nhận thức được đầy đủ sự nguy hiểm và tính cấp bách của sự việc.
+ Chủ động thực hiện hành vi đặc biệt dũng cảm, chấp nhận hy sinh bản thân.
+ Bảo vệ lợi ích quan trọng của Nhà nước, tính mạng và lợi ích hợp pháp của Nhân dân hoặc để ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
+ Là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội, được tặng thưởng Huân chương và được cơ quan quản lý nhà nước về người có công tổ chức phát động học tập tấm gương trong phạm vi cả nước.
– Các trường hợp khác thực hiện theo quy định tại các điểm c, d, đ, e, l, m khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh. Cụ thể:
+ Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;
+ Hoạt động hoặc tham gia hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh;
+ Làm nghĩa vụ quốc tế;
+ Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh;
+ Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm;
+ Mất tích trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, i và k khoản này và được cơ quan có thẩm quyền kết luận không phản bội; đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ.
3. Thẩm quyền giải quyết
Sau khi đủ điều kiện và căn cứ để xác nhận liệt sĩ thì theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP:
– Đại diện thân nhân người hy sinh làm đơn đề nghị xác nhận liệt sĩ gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người hy sinh trước khi tham gia quân đội, công an.
– Trường hợp người tham gia quân đội, công an từ các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, nông trường, lâm trường thì phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị trước khi tham gia quân đội, công an để Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người hy sinh làm cơ sở lập hồ sơ.
– Trường hợp hy sinh đã được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sĩ từ ngày 31/12/1994 trở về trước thì phải kèm theo giấy xác nhận về phần mộ và thời điểm an táng hài cốt liệt sĩ của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội địa phương quản lý nghĩa trang liệt sĩ.
4. Xử lý vi phạm
Xử lý đối với người vi phạm pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng (Điều 55 Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14):
– Người giả mạo giấy tờ để được xem xét công nhận là người có công với cách mạng, hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị thu hồi quyết đình công nhận, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi và phải hoàn trả số tiền đã nhận.
– Người khai báo gian dối giấy tờ để được hưởng thêm chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị chấm dứt chế độ ưu đãi được hưởng thêm và phải hoàn trả số tiền đã nhận do khai báo gian dối.
– Người chứng nhận sai sự thật hoặc làm giả giấy tờ cho người khác để được xem xét công nhận là người có công với cách mạng; người lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
– Người vi phạm quy định về quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; lợi dụng chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng để trục lợi: thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật
Kết luận: Như vậy, khi đại diện nhân thân người thuộc lực lượng quân đội, công an hy sinh trong chiến tranh từ ngày 31/12/1991 trở về trước không còn giấy tờ muốn làm thủ tục xác nhận liệt sĩ cho người đã hy sinh thì cần tuân thủ theo trình tự thủ tục quy định tại Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14, Nghị định 131/2021/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây: