20. Di chuyển hồ sơ người có công với cách mạng

Posted on

Theo quy định của pháp luật, người có công với cách mạng được hưởng các chế độ ưu đãi theo luật định. Trường hợp người có công thay đổi nơi cư trú thì cần làm thủ tục di chuyển hồ sơ người có công với cách mạng đến nơi ở mới để có thể tiếp tục hưởng chế độ ưu đãi. Sau đây, Dữ liệu pháp lý có một vài lưu ý về vấn đề này dựa trên quy định tại Pháp lệnh số: 02/2020/UBTVQH14, Nghị định 75/2021/NĐ-CP; Nghị định 131/2021/NĐ-CP; Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH.

1. Một số khái niệm

Theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh số: 02/2020/UBTVQH14:

– Người có công với cách mạng bao gồm:

a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

c) Liệt sĩ;

d) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

đ) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

e) Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

g) Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh;

h) Bệnh binh;

i) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học;

k) Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;

l) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;

m) Người có công giúp đỡ cách mạng.

– Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.

2. Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của, người có công với cách mạng (Điều 5 Pháp lệnh số: 02/2020/UBTVQH14)

Tùy từng đối tượng, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi chủ yếu như sau:

1. Trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần;

2. Các chế độ ưu đãi khác bao gồm:

a) Bảo hiểm y tế;

b) Điều dưỡng phục hồi sức khỏe;

c) Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động – thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên;

d) Ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm;

đ) Hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

e) Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở;

g) Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước;

h) Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng;

i) Vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh;

k) Miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.

3. Điều kiện di chuyển hồ sơ

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 49 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH điều kiện di chuyển hồ sơ, bao gồm:

a) Người có công hoặc người thờ cúng liệt sĩ thay đổi nơi cư trú;

b) Thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng khi thay đổi nơi cư trú được di chuyển hồ sơ gốc về nơi cư trú mới nêu tại địa phương nơi quản lý hồ sơ gốc không còn thân nhân khác hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Lưu ý: Trường hợp tại địa phương nơi quản lý hồ sơ gốc còn thân nhân khác của người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng thì thực hiện di chuyển bản sao hồ sơ.

4. Hồ sơ di chuyển

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 49 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH thì hồ sơ di chuyển bao gồm:

a) Đơn đề nghị di chuyển hồ sơ (Mẫu HS6);

b) Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú dài hạn;

c) Phiếu báo di chuyển hồ sơ (Mẫu HS7);

d) Hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi.

5. Thủ tuc di chuyển

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 49 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH thì thủ tục thực hiện di chuyển hồ sơ người có công được thực hiện như sau:

a) Nơi đi:

Cá nhân làm đơn đề nghị di chuyển hồ sơ gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ kèm theo bản sao hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đơn có trách nhiệm kiểm tra, hoàn tất hồ sơ di chuyển và gửi bảo đảm qua đường bưu điện đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi cá nhân cư trú; gửi 01 phiếu báo di chuyển hồ sơ về Cục Người có công để theo dõi, quản lý: gửi 01 phiếu báo di chuyển cho cá nhân để biết.

b) Nơi đến:

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi tiếp nhận hồ sơ trong thời gian 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm:

Thông báo đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đi.

Kiểm tra hồ sơ tiếp nhận, nếu hồ sơ đúng quy định thì đăng ký quản lý đối tượng và thực hiện tiếp các chế độ ưu đãi theo quy định.

Trường hợp hồ sơ chưa đúng quy định thì chuyển trả lại hồ sơ kèm công văn nêu rõ lý do chưa tiếp nhận, yêu cầu nơi chuyển hồ sơ kiểm tra, bổ sung.

Lưu ý:

– Mọi vướng mắc về chế độ và hồ sơ phải được giải quyết trước khi di chuyển. Thời điểm tiếp tục hưởng chế độ trợ cấp kể từ ngày tiếp nhận được hồ sơ.

– Trường hợp hồ sơ thương binh được xác nhận từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước không đầy đủ theo quy định (do thất lạc) thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đi có công văn gửi Cục Chính sách – Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng (đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng) hoặc Cục Chính sách – Tổng cục Xây dựng lực lượng công an nhân dân, Bộ Công an (đối với công an nhân dân) đề nghị trích lục hồ sơ.

Kết luận: Khi chuyển đến nơi cư trú mới người có công với cách mạng cần thực hiện thủ tục chuyển hồ sơ người có công với cách mạng đến nơi ở mới thì mới có thể tiếp tục nhận các chế độ đãi ngộ của nhà nước. Các bước thực hiện được quy định tại Pháp lệnh số: 02/2020/UBTVQH14, Nghị định 75/2021/NĐ-CP; Nghị định 131/2021/NĐ-CP; Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

DI CHUYỂN HỒ SƠ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG