35. Giải quyết hưởng chế độ ưu đãi đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học
Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, Nghị định 131/2021/NĐ-CP, Nghị định 75/2021/NĐ-CP, Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH.
1. Quy định chung
Đối tượng xác nhận là Người đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 8 năm 1961 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học theo quy định tại Điều 53 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, bao gồm:
– Cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thuộc quân đội nhân dân Việt Nam.
– Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Công an nhân dân.
– Cán bộ, công nhân viên trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
– Thanh niên xung phong tập trung.
– Công an xã; dân quân; du kích; tự vệ; dân công; cán bộ thôn, ấp, xã, phường.
Điều kiện xác nhận là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo quy định tại Điều 53 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, như sau:
– Là người đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ ngày 01 tháng 8 năm 1961 đến 30 tháng 4 năm 1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học ở chiến trường B, C, K (kể cả 10 xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn và Vĩnh Thủy thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).
– Do nhiễm chất độc hóa học dẫn đến một trong các trường hợp bệnh tật như : Mắc bệnh theo danh mục bệnh tật do Bộ Y tế quy định làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; Vô sinh; Sinh con dị dạng, dị tật theo danh mục dị dạng, dị tật do Bộ Y tế quy định.
2. Chế độ ưu đãi đối con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học
Theo quy định tại Điều 31 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng các chế độ sau:
-Trợ cấp hằng tháng đối với con đẻ bị dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên
-Bảo hiểm y tế
-Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động – thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên
-Ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm;
-Hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân
Lưu ý: Thời điểm hưởng trợ cấp từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.
– Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cần thiết căn cứ vào tình trạng dị dạng, dị tật.
– Khi con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định chết thì người tổ chức mai táng được hưởng mai táng phí; đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp ưu đãi.
Khi con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đáp ứng được các điều kiện theo quy định thì nộp hồ sơ hưởng chế độc ưu đãi đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 29 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH giải quyết cụ thể là: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ do Sở Y tế chuyển đến, có trách nhiệm ra quyết định trợ cấp, phụ cấp đối với những trường hợp đủ điều kiện.
-Mức hưởng trợ cấp đối với con để người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học(Phụ lục I Nghị định 75/2021/NĐ-CP)
Con đẻ còn sống của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% đến 80% là 974.000 đồng
Con đẻ còn sống của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên là 1.624.000 đồng.
3. Hồ sơ, thủ tục công nhận và giải quyết chế độ con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học
Theo quy định tại Điều 57 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, thì hồ sơ, thủ tục công nhận và giải quyết chế độ con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được thực hiện như sau:
- Cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật lập bản khai theo Mẫu số 09 Phụ lục I Nghị định này kèm bản sao được chứng thực từ giấy khai sinh, trích lục khai sinh và một trong các giấy tờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 Nghị định này gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú.
- Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận bản khai và lập danh sách kèm giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ theo quy định tại khoản 2 Điều này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, cấp giấy giới thiệu những trường hợp đủ điều kiện gửi đến Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh theo Mẫu số 38 Phụ lục I Nghị định này kèm bản sao giấy tờ ghi nhận bị dị dạng, dị tật.
- Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm tổ chức khám giám định, ban hành biên bản giám định y khoa theo Mẫu số 78 Phụ lục I Nghị định này gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận biên bản giám định y khoa có trách nhiệm xem xét, nếu đủ điều kiện thì ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo Mẫu số 65 Phụ lục I Nghị định này; quyết định cấp giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và trợ cấp ưu đãi theo Mẫu số 64 Phụ lục I Nghị định này đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, đồng thời thực hiện việc cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này.
4. Xử lý vi phạm
Căn cứ theo quy định tại Điều 55 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 thì các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý như sau:
- Người giả mạo giấy tờ để được xem xét công nhận là người có công với cách mạng, hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị thu hồi quyết đình công nhận, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi và phải hoàn trả số tiền đã nhận.
- Người khai báo gian dối giấy tờ để được hưởng thêm chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị chấm dứt chế độ ưu đãi được hưởng thêm và phải hoàn trả số tiền đã nhận do khai báo gian dối.
- Người chứng nhận sai sự thật hoặc làm giả giấy tờ cho người khác để được xem xét công nhận là người có công với cách mạng; người lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Người vi phạm quy định về quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; lợi dụng chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng để trục lợi: thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật
Kết luận: Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chế độ ưu đãi khi làm hồ sơ hưởng ưu đãi theo quy định tại Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, Nghị định 131/2021/NĐ-CP, Nghị định 75/2021/NĐ-CP, Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH.
Chi tiết, trình tự hồ sơ xem tại đây: