3. Đề nghị chấm dứt hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân

Posted on

Tổ chức muốn chấp dứt hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân phải đáp ứng các quy định. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật phòng, chống mua bán người 2011, Nghị định 09/2013/NĐ-CP, Thông tư 35/2013/TT-BLĐTBXH, Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản

Nạn nhân là người bị xâm hại bởi hành vi:

  • Mua bán người
  • Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
  • Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hoặc để thực hiện hành vi quy định tại 2 hành vi trên.

(khoản 4 Điều 2, khoản 1, 2, 3 Điều 3 Luật phòng, chống mua bán người 2011)

2. Điều kiện thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân

Tổ chức muốn thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân thì phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 09/2013/NĐ-CP, Điều 3 Thông tư 35/2013/TT-BLĐTBXH như sau:

  • Có trụ sở làm việc ổn định, thuận tiện giao thông;
  • Diện tích đất tự nhiên tối thiểu 15 m2/nạn nhân; diện tích phòng ở bình quân 05 m2/nạn nhân;
  • Có trang thiết bị, phương tiện phù hợp với nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân;

Ngoài điều kiện quy định trên thì tổ chức còn phải đáp ưng các điều kiện khác như sau:

2.1 Điều kiện về cơ sở vật chất                                                             

2.1.1 Phòng tiếp nhận nạn nhân

– Có diện tích tối thiểu 10m2 (mười mét vuông);

– Có các trang thiết bị tối thiểu cần thiết cho việc tiếp nhận nạn nhân, gồm bàn làm việc, ghế ngồi, tủ tài liệu, máy vi tính, điện thoại;

– Có bảng niêm yết nội quy, phạm vi dịch vụ hỗ trợ nạn nhân.

2.1.2 Phòng ở của nạn nhân

– Diện tích phòng ở phải đảm bảo bình quân 05m2 (năm mét vuông) cho 01 (một) người và không quá 04 (bốn) người trong 01 (một) phòng. Các phòng ở phải được xây dựng chắc chắn, đủ ánh sáng, có cửa sổ, cửa ra vào phải có khóa;

– Có trang thiết bị tối thiểu phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của nạn nhân trong thời gian lưu trú tại cơ sở như giường nằm, tủ quần áo, các đồ dùng trong sinh hoạt cá nhân.

2.1.3 Cơ sở hỗ trợ nạn nhân phải có nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, nhà tắm và các công trình phụ trợ khác; phải đảm bảo về an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho nạn nhân; phù hợp với các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Đối với cơ sở hỗ trợ nạn nhân có quy mô hỗ trợ từ 25 (hai mươi lăm) người trở lên phải có các phân khu riêng biệt dành cho phụ nữ, trẻ em, nhà ở, nhà bếp, khu vệ sinh, khu làm việc của cán bộ nhân viên, khu sinh hoạt chung, hệ thống cấp, thoát nước, điện, đường đi nội bộ, trang thiết bị y tế, cơ số thuốc tối thiểu phục vụ cho sơ cứu, cấp cứu khi cần thiết.

2.2. Điều kiện về nhân sự

ít nhất 05 (năm) nhân viên, trong đó 02 (hai) nhân viêntrình độ từ cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành công tác xã hội.

– Có ít nhất 01 (một) nhân viên chuyên trách. Trường hợp cơ sở hỗ trợ nạn nhân có sử dụng người làm kiêm nhiệm thì phải đăng ký giờ làm việc cụ thể để đảm bảo an ninh, an toàn cho cơ sở và nạn nhân;

– Nhân viên trực tiếp làm công tác hỗ trợ nạn nhân phải đáp ứng tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công tác xã hội viên trở lên theo quy định tại Thông tư số 34/2010/TT-LĐTBXH ngày 8 tháng 11 năm 2010 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội và đã được tập huấn về công tác hỗ trợ nạn nhân;

– Đối với nhân viên y tế (nếu có) phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp y tế trở lên; nhân viên bảo vệ phải có chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Lưu ý:

Bên cạnh các điều kiện được cấp phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân thì theo Điều 10 Nghị định 09/2013/NĐ-CP còn có các quy định về trường hợp không được cấp Giấy phép gồm các trường hợp như sau:

-Tổ chức, cá nhân nước ngoài.

-Tổ chức cá nhân Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau: Không đáp ứng đủ các điều kiện quy định; Việc thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc lợi dụng việc thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; Hồ sơ không hợp lệ.

3. Chấm dứt hoạt động

Cơ sở hỗ trợ nạn nhân chấm dứt hoạt động trong các trường hợp quy định tại Điều 18 Nghị định 09/2013/NĐ-CP

– Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập;

– Hết thời hạn hoạt động theo Giấy phép thành lập mà tổ chức, cá nhân thành lập không đề nghị gia hạn;

– Hết thời gian hoạt động theo Giấy phép thành lập mà không được cơ quan có thẩm quyền gia hạn;

– Bị thu hồi Giấy phép thành lập theo quy định.

4. Thẩm quyền giải quyết

Tổ chức muốn chấm dứt hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân phải nộp đơn đề nghị cho cơ quan có thẩm quyền và theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 35/2013/TT-BLĐTBXH thì Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền ra quyết định chấm dứt hoạt động cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo đề nghị.

Lưu ý:

Trường hợp có tranh chấp giữa cơ sở hỗ trợ nạn nhân và các bên liên quan thì Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ thông báo cho cơ sở hỗ trợ nạn nhân và chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật (điểm c khoản 2 Điều 8 Thông tư 35/2013/TT-BLĐTBXH)

5. Xử phạt hành chính

Tổ chức có các hành vi vi phạm quy định sẽ bị xử phạt theo khoản 2 Điều 65, Điều 66 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thành lập cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình để hoạt động trục lợi

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động ngoài phạm vi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc không đăng ký hoạt động.

Lưu ý:

Bên cạnh hình phạt chính, pháp luật còn quy định hình phạt bổ sung đối với hành vi thành lập cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình để hoạt động trục lợi là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng

Kết luận: Tổ chức muốn chấm dứt hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân phải nộp đơn đề nghị cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Luật phòng, chống mua bán người 2011, Nghị định 09/2013/NĐ-CPThông tư 35/2013/TT-BLĐTBXHNghị định 144/2021/NĐ-CP.

Chi tiết, trình tự hồ sơ xem tại đây:

Đề nghị chấm dứt hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân