13. Hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động đối với thị trường yêu cầu cao về tay nghề, ngoại ngữ
Hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động đối với thị trường yêu cầu cao về tay nghề, ngoại ngữ. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006, Quyết định 144/2007/QĐ-TTg, Thông tư liên tịch 11/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC như sau:
1. Một số khái niệm
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi là người lao động đi làm việc ở nước ngoài) là công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam, có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động, đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này. (khoản 1 Điều 3 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006)
Thị trường lao động là sự trao đổi hàng hóa sức lao động giữa một bên là những người sở hữu sức lao động và một bên là những người cần thuê sức lao động đó
Theo Điều 60 Bộ luật lao động quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, thì một trong những nhiệm vụ bắt buộc cho người sử dụng lao động là phải đào tạo nghề cho người lao động trước khi chuyển họ sang nghề mới. Người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình; đào tạo cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình.
2. Mục đích dạy nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết
Dạy nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động nhằm tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài có trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật và kiến thức cần thiết khác phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. (Điều 61 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006)
3. Chính sách đối với cơ sở dạy nghề
Nhà nước có chính sách đầu tư cho các cơ sở dạy nghề tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; hình thành một số trường dạy nghề đủ điều kiện về trang bị, thiết bị, chương trình, giáo trình và đội ngũ giáo viên để đào tạo người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. (Điều 64 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006)
4. Hình thức hỗ trợ
Hỗ trợ bồi dưỡng tay nghề, ngoại ngữ, kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài:
– Cung cấp miễn phí giáo trình, tài liệu bồi dưỡng ngoại ngữ, kiến thức cần thiết cho người lao động;
– Hỗ trợ 50% mức học phí bồi dưỡng tay nghề, ngoại ngữ, kiến thức cần thiết theo quy định cho người lao động là con thương binh, liệt sĩ và người có công hưởng theo chế độ, chính sách ưu đãi; người lao động thuộc diện hộ nghèo, người lao động là người dân tộc thiểu số.
Hỗ trợ 20% mức học phí bồi dưỡng nâng cao tay nghề, ngoại ngữ theo quy định cho người lao động trong thời gian đầu thực hiện đề án thí điểm đưa lao động đi làm việc tại thị trường đòi hỏi cao về tay nghề, ngoại ngữ. (khoản 2 Điều 3 Quyết định 144/2007/QĐ-TTg)
5. Đối tượng được hỗ trợ
Người lao động tham gia các khóa học theo đề án thí điểm đưa lao động đi làm việc tại thị trường đòi hỏi cao về tay nghề, ngoại ngữ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận cho thực hiện. (điểm c khoản 1 Mục 2 Thông tư liên tịch 11/TTLC/2006/TTLT-BLĐTBXH)
6. Điều kiện để được hỗ trợ
Người lao động đã tham gia đóng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước đầy đủ.(Thông tư liên tịch 11/TTLC/2006/TTLT-BLĐTBXH)
7. Mức hỗ trợ
Mức hỗ trợ: Bằng 20% mức học phí phải nộp theo quy định, nhưng tối đa không quá 2.000.000 đồng/người lao động. (điểm c khoản 1 Mục 2 Thông tư liên tịch 11/TTLC/2006/TTLT-BLĐTBXH)
8. Thời gian giải quyết hỗ trợ
Tối đa 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, Quỹ hỗ trợ kinh phí cho người lao động thông qua doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đề án, trường hợp không giải quyết phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đề án có trách nhiệm chi trả cho người lao động hoặc giảm học phí tương đương với mức hỗ trợ. (điểm c khoản 1 Mục 2 Thông tư liên tịch 11/TTLC/2006/TTLT-BLĐTBXH)
Lưu ý:
Quy trình, thủ tục hỗ trợ được quy định chi tiết tại Điểm c Khoản 1 Mục 2 Thông tư liên tịch 11/TTLC/2006/TTLT-BLĐTBXH. Cụ thể, Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đề án thí điểm đưa lao động đi làm việc tại thị trường đòi hỏi cao về tay nghề, ngoại ngữ lập danh sách người lao động tham gia khóa học (theo mẫu tại phụ lục số 7b) gửi Quỹ đề nghị hỗ trợ kinh phí cho người lao động kèm theo văn bản chấp thuận cho thực hiện đề án (trong đó nêu rõ ngành nghề, số lượng lao động, nội dung đào tạo bồi dưỡng, mức học phí).
Kết luận: Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đề án thí điểm đưa người lao động đi làm việc tại thị trường đòi hỏi cao về tay nghề, ngoại ngữ gửi hồ sơ về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Say khi được Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ sẽ được hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động đối với thị trường yêu cầu cao về tay nghề, ngoại ngữ. Cụ thể về yêu cầu, trình tự thủ tục để được hổ trợ được quy định chi tiết tại Quyết định 144/2007/QĐ-TTg và Thông tư liên tịch 11/2006/TTLT-BLĐTBXH.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu xem tại đây:
Hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động đối với thị trường yêu cầu cao về tay nghề, ngoại ngữ