5. Chấm dứt việc chăm sóc thay thế cho trẻ em
Cá nhân, tổ chức muốn chấm dứt việc chăm sóc thay thế cho trẻ em cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật trẻ em 2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Chăm sóc thay thế là việc tổ chức, gia đình, cá nhân nhận trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng khi trẻ em không còn cha mẹ; trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang nhằm bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em (khoản 3 Điều 4 Luật trẻ em 2016).
Người chăm sóc trẻ em là người đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc trẻ em, bao gồm người giám hộ của trẻ em; người nhận chăm sóc thay thế hoặc người được giao trách nhiệm cùng với cha, mẹ của trẻ em cấp dưỡng, chăm sóc, bảo vệ trẻ em. (khoản 4 Điều 4 Luật trẻ em 2016).
2. Các trường hợp chấm dứt việc chăm sóc thay thế cho trẻ em
Việc chăm sóc thay thế chấm dứt trong trường hợp sau đây (khoản 1 Điều 69 Luật trẻ em 2016).
– Cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế không còn đủ Điều kiện chăm sóc trẻ em theo quy định tại Khoản 2 Điều 63 của Luật trẻ em 2016.
– Cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này gây tổn hại cho trẻ em được nhận chăm sóc thay thế;
– Cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế đề nghị chấm dứt việc chăm sóc trẻ em;
– Trẻ em đang được chăm sóc thay thế có hành vi cố ý xâm phạm nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cá nhân, thành viên gia đình nhận chăm sóc thay thế;
– Trẻ em trở về đoàn tụ gia đình khi gia đình bảo đảm an toàn, có đủ Điều kiện thực hiện quyền của trẻ em.
Trường hợp cá nhân hoặc thành viên trong gia đình nhận chăm sóc thay thế xâm hại trẻ em thì phải chuyển ngay trẻ em ra khỏi cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế và áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em theo quy định tại Điều 50 Luật trẻ em 2016.
Lưu ý:
Trường hợp trẻ em muốn chấm dứt việc chăm sóc thay thế, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền và người nhận chăm sóc thay thế có trách nhiệm xem xét để quyết định chấm dứt chăm sóc thay thế vì lợi ích tốt nhất của trẻ em (khoản 3 Điều 69 Luật trẻ em 2016).
Người ra quyết định chăm sóc thay thế có thẩm quyền quyết định chấm dứt việc chăm sóc thay thế (khoản 4 Điều 69 Luật trẻ em 2016).
3. Chấm dứt việc chăm sóc thay thế cho trẻ em
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm ban hành quyết định chấm dứt việc chăm sóc thay thế và chuyển hình thức chăm sóc thay thế căn cứ vào kết quả theo dõi, đánh giá việc trẻ em được cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế hoặc theo đề nghị của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế hoặc theo nguyện vọng của trẻ em được quy định tại Điều 69 Luật trẻ em 2016 theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này (khoản 2 Điều 48 Nghị định 56/2017/NĐ-CP).
– Đối với trường hợp trẻ em được chuyển từ cơ sở trợ giúp xã hội đến cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận quyết định giao trẻ em cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế của Ủy ban nhân dân cấp xã, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cá nhân có thẩm quyền quyết định chấm dứt việc chăm sóc trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội và gửi quyết định này đến Ủy ban nhân dân cấp xã để thực hiện giao, nhận trẻ em cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế (khoản 3 Điều 48 Nghị định 56/2017/NĐ-CP).
Kết luận: Khi Chấm dứt việc chăm sóc thay thế cho trẻ em cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Luật trẻ em 2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây