7. Công bố thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung nhập khẩu/Công bố lại thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung/Thay đổi thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung/Công bố thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung sản xuất trong nước

Posted on

Công bố thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung nhập khẩu/Công bố lại thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung/Thay đổi thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung/Công bố thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung sản xuất trong nước được thực hiện theo Luật Chăn nuôi 2018, Nghị định 13/2020/NĐ-CP. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:

1. Một số khái niệm cơ bản

Thức ăn chăn nuôi là sản phẩm, mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến bao gồm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung và thức ăn truyền thống. (khoản 25 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018)

Thức ăn bổ sung là nguyên liệu đơn hoặc hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn cho thêm vào khẩu phần ăn để cân đối các chất dinh dưỡng cần thiết cho vật nuôi; duy trì hoặc cải thiện đặc tính của thức ăn chăn nuôi; cải thiện sức khỏe vật nuôi, đặc tính của sản phẩm chăn nuôi. (khoản 28 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018)

Thức ăn chăn nuôi thương mại là thức ăn chăn nuôi được sản xuất nhằm mục đích trao đổi, mua bán trên thị trường (khoản 31 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018)

Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật. (khoản 1 Điều 28 Luật Thương mại 2005)

2. Yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường (Điều 32 Luật Chăn nuôi 2018)

Thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

– Công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

– Có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

– Sản xuất tại cơ sở có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.

– Công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nhãn hoặc tài liệu kèm theo thức ăn chăn nuôi thực hiện theo quy định tại Điều 46 của Luật Chăn nuôi, cụ thể như sau:

+ Đối với thức ăn chăn nuôi thương mại thì nhãn sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo phải thể hiện thông tin về tên sản phẩm, thành phần nguyên liệu chính, chỉ tiêu chất lượng, nơi sản xuất, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng; thông tin về tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa bảo đảm yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm;

+ Đối với thức ăn chăn nuôi khác thì nhãn sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo phải có thông tin để nhận biết và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

+ Ghi nhãn thức ăn chăn nuôi thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, Luật Chăn nuôi 2018 và các văn bản hướng dẫn khác.

3. Công bố thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung (sản xuất trong nước và nhập khẩu)

3.1. Điều kiện

– Việc công bố thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung nhập khẩu, thức ăn bổ sung sản xuất trong nước phải đáp ứng các yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường quy định tại Điều 32 Luật Chăn nuôi 2018

– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra nhà nước về chất lượng dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định chứng nhận hợp quy lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. (điểm b khoản 2 Điều 18 Nghị định 13/2020/NĐ-CP)

Lưu ý:

– Việc miễn giảm kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 74/2018/NĐ-CP và khoản 3 Điều 4 Nghị định 154/2018/NĐ-CP.

– Trường hợp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cục Chăn nuôi cấp phép nhập khẩu thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. (khoản 1 Điều 13 Nghị định 13/2020/NĐ-CP).

– Sản phẩm thức ăn bổ sung phải được thẩm định để công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trừ nguyên liệu đơn. (khoản 1 Điều 34 Luật Chăn nuôi 2018)

– Hồ sơ là bản chính hoặc bản sao có chứng thực và bản dịch ra tiếng Việt có chứng thực. (khoản 3 Điều 34 Luật Chăn nuôi 2018)

3.2. Quy trình (khoản 5 Điều 34 Luật Chăn nuôi 2018)

– Tổ chức, cá nhân truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nộp hồ sơ đề nghị công bố thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung.

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thành phần hồ sơ, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phải thông báo trên Cổng thông tin điện tử để tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện.

– Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ và công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử, trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.

Lưu ý:

– Thời gian lưu hành của sản phẩm thức ăn bổ sung là 05 năm kể từ ngày sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố trên Cổng thông tin điện tử. Trong thời gian 06 tháng trước khi hết hạn lưu hành, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện công bố lại theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 34 (khoản 6 Điều 34 Luật Chăn nuôi 2018)

– Sản phẩm thức ăn bổ sung phải được thẩm định để công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Quy định này không áp dụng đối với nguyên liệu đơn. (khoản 1 Điều 34 Luật Chăn nuôi 2018)

4. Công bố lại thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung

4.1. Điều kiện

– Việc công bố lại thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung (thức ăn bổ sung sản xuất trong nước, thức ăn bổ sung nhập khẩu) vẫn phải đáp ứng các yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường quy định tại Điều 32 Luật Chăn nuôi 2018

4.2. Quy trình thực hiện cấp lại (khoản 5,6 Điều 34 Luật Chăn nuôi 2018)

Bằng hình thức trực tuyến, cá nhân, đơn vị thực hiện đăng kí cấp lại theo trình tự sau:

– Bước 1: Trong thời gian 06 tháng trước khi hết hạn lưu hành, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

– Bước 2: Kiểm tra nội dung hồ sơ:

+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Chăn nuôi kiểm tra thành phần hồ sơ, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phải thông báo trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện.
+ Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, Cục Chăn nuôi thẩm định hồ sơ và công bố thông tin sản phẩm trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.

Lưu ý:

Thời gian lưu hành của sản phẩm thức ăn bổ sung là 05 năm kể từ ngày sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố trên Cổng thông tin điện tử. Trong thời gian 06 tháng trước khi hết hạn lưu hành, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện công bố lại theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 34 Luật Chăn nuôi 2018. (khoản 6 Điều 34 Luật Chăn nuôi 2018)

5. Thay đổi thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung (Điều 35 Luật Chăn nuôi 2018)

– Trường hợp thay đổi thông tin của sản phẩm thức ăn bổ sung về tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử của tổ chức, cá nhân đăng ký, quy cách bao gói sản phẩm thì tổ chức, cá nhân tự thực hiện thay đổi thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

– Trường hợp thay đổi thông tin của sản phẩm thức ăn bổ sung về tên nhà sản xuất, địa chỉ cơ sở sản xuất, tên sản phẩm, ký hiệu tiêu chuẩn công bố áp dụng, dạng, màu sắc sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, thời hạn sử dụng sản phẩm thì tổ chức, cá nhân phải đề nghị thay đổi thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hồ sơ, trình tự, thủ tục sau đây:

+ Hồ sơ đề nghị thay đổi thông tin bao gồm đơn đề nghị thay đổi thông tin, bản tiêu chuẩn công bố áp dụng, bản tiếp nhận công bố hợp quy (nếu có), mẫu của nhãn sản phẩm, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi.

+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận và công bố thông tin thay đổi của sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử, trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.

Lưu ý:

– Đối với thức ăn bổ sung nhập khẩu phải bổ sung bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy xác nhận nội dung thay đổi của nhà sản xuất; bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp đổi tên cơ sở sản xuất, tên thương mại thức ăn chăn nuôi nhập khẩu;

– Các quy định trên không áp dụng đối với nguyên liệu đơn.

6. Xử lí thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng

Căn cứ tại Điều 20 Nghị định 13/2020/NĐ-CP, thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị xử lý bằng một hoặc một số biện pháp sau đây:

Buộc tái xuất: Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp tái xuất phải thực hiện thủ tục tái xuất theo quy định của pháp luật về hải quan, các quy định khác của pháp luật có liên quan và nộp hồ sơ tái xuất về cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi;

Buộc tiêu hủy: Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp tiêu hủy phải ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có chức năng tiêu hủy hàng hóa vi phạm. Nội dung hợp đồng phải nêu rõ biện pháp tiêu hủy để cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi giám sát;

Buộc tái chế: Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp tái chế phải thực hiện tái chế sản phẩm theo phương án phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm sản phẩm sau khi tái chế có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; báo cáo phương án và kết quả tái chế cho cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi để giám sát khi cần thiết;

Buộc chuyển mục đích sử dụng: Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp chuyển đổi mục đích sử dụng phải chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm theo phương án phù hợp với quy định của pháp luật; báo cáo phương án và kết quả chuyển đổi mục đích sử dụng cho cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi để giám sát khi cần thiết;

Buộc cải chính thông tin: Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp cải chính thông tin phải thực hiện cải chính thông tin sản phẩm theo kết quả kiểm tra thực tế trên nhãn hoặc tài liệu kèm theo trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường hoặc trước khi sử dụng.

Kết luận: Tổ chức, cá nhân sẽ được Công bố thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung nhập khẩu/Công bố lại thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung/Thay đổi thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung/Công bố thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung sản xuất trong nước theo quy định của Luật Chăn nuôi 2018, Nghị định 13/2020/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Công bố thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung nhập khẩu

Công bố lại thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung

Thay đổi thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung

Công bố thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung sản xuất trong nước