9. Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

Posted on

Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải tuân thủ các nguyên tắc, điều kiện luật định. Dữ Liệu Pháp Lý sẽ tổng hợp vấn đề này dựa trên những căn cứ pháp lý sau đây: Luật Lâm nghiệp 2017, Nghị định 156/2018/NĐ-CP, Nghị định 35/2019/NĐ-CP, Nghị định 83/2020/NĐ-CP, Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNN.

1. Nguyên tắc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải tuân thủ các nguyên tắc tại Điều 14 Luật Lâm nghiệp 2017:

– Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất; diện tích rừng hiện có tại địa phương.

– Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt.

– Không giao, cho thuê diện tích rừng đang có tranh chấp.

– Chủ rừng không được cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác thuê diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư.

– Thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.

– Thời hạn, hạn mức giao rừng, cho thuê rừng phù hợp với thời hạn, hạn mức giao đất, cho thuê đất.

– Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân địa phương; không phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới trong giao rừng, cho thuê rừng.

– Tôn trọng không gian sinh tồn, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư; ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, truyền thống gắn bó với rừng, có hương ước, quy ước phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Căn cứ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

Để chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, phải dựa trên những căn cứ tại Điều 15 Luật Lâm nghiệp 2017 như sau:

– Kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của UBND cấp huyện được UBND cấp tỉnh phê duyệt; kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

– Diện tích rừng, đất quy hoạch để trồng rừng.

– Nhu cầu sử dụng rừng thể hiện trong dự án đầu tư đối với tổ chức; đề nghị giao rừng, thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

– Năng lực quản lý rừng bền vững của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

3. Điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

Để chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, phải tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 19 Luật Lâm nghiệp 2017 như sau:

– Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

– Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

– Có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

– Có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế.

4. Thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

Căn cứ Điều 20 Luật Lâm nghiệp 2017, thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được quy định như sau:

Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên.

Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 ha đến dưới 50 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha; rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20 ha; rừng sản xuất dưới 50 ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư.

5. Thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

UBND cấp tỉnh có quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với tổ chức. (khoản 1 Điều 23 Luật Lâm nghiệp 2017)

UBND cấp huyện có quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với hộ gia đình, cá nhân và đối với cộng đồng dân cư. (khoản 2 Điều 23 Luật Lâm nghiệp 2017)

6. Nghĩa vụ trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

6.1. Quy định chung

Chủ dự án được giao đất, thuê đất có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải trồng rừng thay thế bằng diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng trồng, bằng ba lần diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng tự nhiên. (khoản 1 Điều 21 Luật Lâm nghiệp 2017)

Chủ dự án quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Lâm nghiệp 2017 tự trồng rừng thay thế phải xây dựng phương án trồng rừng thay thế trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Trường hợp chủ dự án không tự trồng rừng thay thế thì nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh. (khoản 2 Điều 21 Luật Lâm nghiệp 2017)

Số tiền nộp vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh bằng diện tích rừng phải trồng thay thế quy định tại khoản 1 Điều này nhân với đơn giá cho 01 ha rừng trồng do UBND cấp tỉnh quyết định; UBND cấp tỉnh quyết định sử dụng tiền đã nộp vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh để tổ chức trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh. (khoản 3 Điều 21 Luật Lâm nghiệp 2017)

Trường hợp UBND cấp tỉnh không bố trí được hoặc không bố trí đủ diện tích đất để trồng rừng thay thế trong thời hạn 12 tháng kể từ khi chủ dự án hoàn thành trách nhiệm nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh thì phải chuyển tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác. (khoản 4 Điều 21 Luật Lâm nghiệp 2017)

6.2. Chủ dự án tự trồng rừng thay thế

Chủ dự án tự tổ chức trồng rừng thay thế trong các trường hợp tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT:

– Khi chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ hoặc rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang mục đích khác: Chủ dự án phải có diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng, được Nhà nước giao để trồng rừng theo quy định của pháp luật.

– Khi chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất là rừng trồng sang mục đích khác: Chủ dự án phải có diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển rừng, được Nhà nước giao, cho thuê để trồng rừng theo quy định của pháp luật.

Lưu ý:

Thời gian hoàn thành nghĩa vụ trồng rừng thay thế: khi diện tích rừng trồng được nghiệm thu hoàn thành theo quy định. (khoản 7 Điều 3 Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT)

6.3. Chủ dự án không tự trồng rừng thay thế

UBND cấp tỉnh quyết định đơn giá trồng rừng, tổng số tiền phải nộp, thời gian Chủ dự án phải hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế. Đơn giá trồng rừng thay thế được tính theo mức dự toán trồng rừng (phòng hộ, đặc dụng) trên địa bàn tỉnh tại thời điểm Chủ dự án đề nghị UBND cấp tỉnh chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế; Đơn giá trồng rừng được xác định trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng; quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý đầu tư công trình lâm sinh; giá ngày công lao động, giá vật tư, cây giống tại địa phương. (điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT)

Chủ dự án hoàn thành nghĩa vụ trồng rừng thay thế khi được Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng nơi Chủ dự án nộp tiền thông báo hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế.

Tiếp nhận, sử dụng tiền trồng rừng thay thế được tuân thủ quy định tại khoản 6 Điều 4 Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT:

– Nguồn tiền trồng rừng thay thế được quản lý, sử dụng, thanh quyết toán và kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước theo quy định hiện hành của Nhà nước.

– Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 77 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

– Các tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận tiền trồng rừng thay thế, quản lý và thực hiện kiểm soát chi tiền trồng rừng thay thế.

– Tiền trồng rừng thay thế được sử dụng để trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo quy định tại khoản 7 Điều này.

Đối với tiền trồng rừng thay thế nộp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với địa phương chưa thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng): UBND cấp tỉnh quyết định hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT trong trường hợp địa phương không còn quỹ đất trống để trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. (khoản 6 Điều 4 Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT)

7. Xử lý vi phạm

Hành vi vi phạm đối với rừng đã quy hoạch cho mục đích khác, nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng, thì áp dụng xử phạt theo quy định đối với loại rừng tương ứng trước khi quy hoạch cho mục đích khác (khoản 7 Điều 6 Nghị định 35/2019/NĐ-CP).

Căn cứ Điều 12 Nghị định 35/2019/NĐ-CP, hành vi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã đảm bảo điều kiện nhưng chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, bị xử phạt như sau:

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

+ Rừng sản xuất có diện tích dưới 800 m2;

+ Rừng phòng hộ có diện tích dưới 600 m2;

+ Rừng đặc dụng có diện tích dưới 400 m2.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

+ Rừng sản xuất có diện tích từ 800 m2 đến dưới 1.400 m2;

+ Rừng phòng hộ có diện tích từ 600 m2 đến dưới 1.000 m2;

+ Rừng đặc dụng có diện tích từ 400 m2 đến dưới 800 m2.

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

+ Rừng sản xuất có diện tích từ 1.400 m2 đến dưới 3.000 m2;

+ Rừng phòng hộ có diện tích từ 1.000 m2 đến dưới 2.000 m2;

+ Rừng đặc dụng có diện tích từ 800 m2 đến dưới 1.500 m2.

– Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

+ Rừng sản xuất có diện tích từ 3.000 m2 đến dưới 5.000 m2;

+ Rừng phòng hộ có diện tích từ 2.000 m2 đến dưới 3.000 m2;

+ Rừng đặc dụng có diện tích từ 1.500 m2 đến dưới 2.500 m2.

– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

+ Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 m2 đến dưới 7.000 m2;

+ Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 m2 đến dưới 5.000 m2;

+ Rừng đặc dụng có diện tích từ 2.500 m2 đến dưới 3.500 m2.

– Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

+ Rừng sản xuất có diện tích từ 7.000 m2 đến dưới 10.000 m2;

+ Rừng phòng hộ có diện tích từ 5.000 m2 đến dưới 7.500 m2;

+ Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.500 m2 đến dưới 5.000 m2.

– Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

+ Rừng sản xuất có diện tích 10.000 m2 trở lên;

+ Rừng phòng hộ có diện tích 7.500 m2 trở lên;

+ Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 m2 trở lên.

Lưu ý:

– Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền được áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với cá nhân là 500.000.000 đồng; tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với tổ chức là 1.000.000.000 đồng. (khoản 1 Điều 6 Nghị định 35/2019/NĐ-CP)

Kết luận: Việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được thực hiện dựa trên những căn cứ pháp lý: Lâm nghiệp 2017, Nghị định 156/2018/NĐ-CP, Nghị định 35/2019/NĐ-CP, Nghị định 83/2020/NĐ-CP, Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNN.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.