14. Cấp Giấy phép CITES nhập nội từ biển mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I và II CITES
Cấp Giấy phép CITES nhập nội từ biển mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I và II CITES. Để nhập nội từ biển mẫu động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I và II CITES thì phải được cấp giấy phép CITES nhập nội từ biển mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I và II CITES. Vấn đề này được Dữ Liệu Pháp Lý tổng hợp dựa trên Nghị định 06/2019/NĐ-CP và có nội dung như sau:
1. Khái niệm
Giấy phép CITES quy định theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này áp dụng cho việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES và các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Giấy phép CITES phải được ghi đầy đủ thông tin, dán tem CITES hoặc mã vạch, ký và đóng dấu của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam. (khoản 1 Điều 22 Nghị định 06/2019/NĐ-CP)
Nhập nội từ biển là hoạt động đưa vào lãnh thổ Việt Nam mẫu vật loài động vật, thực vật hoang dã quy định tại Phụ lục CITES được khai thác từ vùng biển không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào. (khoản 14 Điều 3 Nghị định 06/2019/NĐ-CP)
Tái xuất khẩu là xuất khẩu mẫu vật đã nhập khẩu trước đó. (khoản 15 Điều 3 Nghị định 06/2019/NĐ-CP)
Mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp bao gồm động vật, thực vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài đó. (khoản 7 Điều 4 Nghị định 06/2019/NĐ-CP)
Phụ lục CITES (khoản 4 Điều 3 Nghị định 06/2019/NĐ-CP) bao gồm:
– Phụ lục I là những loài động vật, thực vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng, bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại;
– Phụ lục II là những loài động vật, thực vật hoang dã hiện chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có thể sẽ bị tuyệt chủng, nếu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật những loài này khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại không được kiểm soát;
– Phụ lục III là những loài động vật, thực vật hoang dã mà một quốc gia thành viên CITES yêu cầu các quốc gia thành viên khác hợp tác để kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu vì mục đích thương mại.
Vì mục đích thương mại là bất kỳ hoạt động giao dịch nào đối với mẫu vật loài động vật, thực vật hoang dã nhằm mục đích lợi nhuận. (khoản 10 Điều 3 Nghị định 06/2019/NĐ-CP)
Không vì mục đích thương mại là các hoạt động phục vụ ngoại giao; nghiên cứu khoa học; trao đổi giữa các vườn động vật, vườn thực vật, bảo tàng; triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm; biểu diễn xiếc; trao đổi, trao trả mẫu vật giữa các Cơ quan quản lý CITES. (khoản 11 Điều 3 Nghị định 06/2019/NĐ-CP)
2. Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật từ tự nhiên của các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES
Để có thể xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật từ tự nhiên của các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES thì phải đáp ứng điều kiện có giấy phép CITES theo quy định tại Điều 22 Nghị định 06/2019/NĐ-CP. (khoản 1 Điều 19 Nghị định 06/2019/NĐ-CP)
Lưu ý:
Mẫu vật các loài thuộc Phụ lục CITES là vật dụng cá nhân, hộ gia đình được miễn trừ giấy phép khi đáp ứng các điều kiện (khoản 2 Điều 19 Nghị định 06/2019/NĐ-CP):
– Không vì mục đích thương mại;
– Mang theo người hoặc là vật dụng hộ gia đình;
– Số lượng không vượt quá quy định theo công bố của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
3. Cấp Giấy phép CITES nhập nội từ biển mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I và II CITES
Giấy phép, chứng chỉ CITES chỉ được cấp một bản duy nhất và luôn đi kèm lô hàng/mẫu vật CITES. (khoản 5 Điều 22 Nghị định 06/2019/NĐ-CP)
Thời hạn hiệu lực tối đa của giấy phép xuất khẩu và tái xuất khẩu là 06 tháng; thời hạn hiệu lực tối đa của giấy phép nhập khẩu là 12 tháng, kể từ ngày được cấp. (khoản 4 Điều 22 Nghị định 06/2019/NĐ-CP)
Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy phép CITES nhập nội từ biển. (khoản 1 Điều 26 Nghị định 06/2019/NĐ-CP)
4. Thu hồi, hoàn trả Giấy phép CITES nhập nội từ biển mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I và II CITES
4.1. Thu hồi Giấy phép
Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thu hồi giấy phép CITES trong các trường hợp sau đây (khoản 1 Điều 36 Nghị định 06/2019/NĐ-CP):
– Giấy phép được cấp không đúng quy định;
– Giấy phép được sử dụng sai mục đích;
– Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và quy định của CITES.
4.2. Hoàn trả giấy phép hết hiệu lực (khoản 2 Điều 36 Nghị định 06/2019/NĐ-CP)
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày giấy phép hết hiệu lực mà giấy phép không được sử dụng, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã được cấp giấy phép phải gửi trả giấy phép hết hiệu lực cho Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam;
Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có quyền từ chối cấp phép các lần tiếp theo trong trường hợp các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghĩa vụ nộp trả giấy phép hết hiệu lực trước đó.
5. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc nhập nội từ biển mẫu động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I và II CITES
5.1. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cơ cấu tổ chức của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam phù hợp với quy định của CITES và pháp luật Việt Nam để tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các quy định tại Nghị định này. (khoản 1 Điều 33 Nghị định 06/2019/NĐ-CP)
Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng; văn phòng chính đặt tại Hà Nội, có đại diện tại miền Trung và miền Nam. (khoản 2 Điều 33 Nghị định 06/2019/NĐ-CP)
Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có nhiệm vụ:
– Tổ chức kiểm tra hoạt động nhập nội từ biển mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES tại khu vực cửa khẩu (điểm i khoản 3 Điều 33 Nghị định 06/2019/NĐ-CP);
– Xử lý và hướng dẫn xử lý mẫu vật quy định tại các Phụ lục CITES bị tịch thu theo quy định của pháp luật Việt Nam và CITES (điểm k khoản 3 Điều 33 Nghị định 06/2019/NĐ-CP);
– Chủ trì phối hợp với các bên có liên quan tổ chức đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan quản lý, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan về việc thực thi CITES (điểm l khoản 3 Điều 33 Nghị định 06/2019/NĐ-CP);
5.2. Cơ quan khoa học CITES Việt Nam
Cơ quan khoa học CITES Việt Nam được Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam ủy quyền bằng văn bản để kiểm tra hoạt động nhập nội từ biển khi cần thiết. (khoản 3 Điều 34 Nghị định 06/2019/NĐ-CP)
5.3. Các cơ quan: Kiểm lâm, Thủy sản, Hải quan, Công an, Bộ đội Biên phòng, Thuế, Quản lý thị trường, Thú y, Kiểm dịch động vật, Kiểm dịch thực vật, Bảo vệ môi trường, Bảo tồn đa dạng sinh học trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm (khoản 2 Điều 39 Nghị định 06/2019/NĐ-CP):
– Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực nhập nội từ biển mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES;
– Cung cấp thông tin và phối hợp với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam về việc xử lý các vụ vi phạm liên quan đến việc nhập nội từ biển mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES theo nội dung yêu cầu của CITES.
Kết luận: Việc nhập nội từ biển mẫu động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I và II CITES phải được cấp giấy phép CITES và tuân thủ vào các quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: