19. Đăng ký mã số cơ sở nuôi, trồng các loài động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I và động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I CITES
Cơ sở về các loài động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I và động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I CITES khi muốn hoạt động nuôi trồng phải đăng ký mã số cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Nghị định 06/2019/NĐ-CP
1. Một số khái niệm cơ bản
Giấy phép CITES do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, tái nhập khẩu, nhập nội từ biển hợp pháp mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES; xuất khẩu mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Nghị định này và không thuộc Danh mục các loài thuộc Phụ lục CITES (khoản 3 Điều 3 Nghị định 06/2019/NĐ-CP)
Phụ lục CITES theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 06/2019/NĐ-CP bao gồm:
– Phụ lục I là những loài động vật, thực vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng, bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại;
– Phụ lục II là những loài động vật, thực vật hoang dã hiện chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có thể sẽ bị tuyệt chủng, nếu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật những loài này khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại không được kiểm soát;
– Phụ lục III là những loài động vật, thực vật hoang dã mà một quốc gia thành viên CITES yêu cầu các quốc gia thành viên khác hợp tác để kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu vì mục đích thương mại.
Mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp bao gồm động vật, thực vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài đó (khoản 7 Điều 3 Nghị định 06/2019/NĐ-CP)
Vì mục đích thương mại là bất kỳ hoạt động giao dịch nào đối với mẫu vật loài động vật, thực vật hoang dã nhằm mục đích lợi nhuận (khoản 10 Điều 3 Nghị định 06/2019/NĐ-CP)
Không vì mục đích thương mại là các hoạt động phục vụ ngoại giao; nghiên cứu khoa học; trao đổi giữa các vườn động vật, vườn thực vật, bảo tàng; triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm; biểu diễn xiếc; trao đổi, trao trả mẫu vật giữa các Cơ quan quản lý CITES (khoản 11 Điều 3 Nghị định 06/2019/NĐ-CP)
Cơ sở nuôi, cơ sở trồng, bao gồm: Cơ sở nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và/hoặc loài động vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES và/hoặc loài động vật rừng thông thường; cơ sở trồng cấy nhân tạo loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và/hoặc loài thực vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES không vì mục đích thương mại hoặc vì mục đích thương mại (khoản 17 Điều 3 Nghị định 06/2019/NĐ-CP)
2. Điều kiện nuôi trồng
Tổ chức, cá nhân khi nuôi trồng các loài động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I và động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I CITES phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 14, 15 Nghị định 06/2019/NĐ-CP cụ thể:
2.1 Điều kiện nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES không vì mục đích thương mại
– Có dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được phê duyệt và có phương án nuôi, trồng
– Cơ sở nuôi, trồng phù hợp với đặc tính sinh trưởng của loài được nuôi, trồng; đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi, trồng, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.
– Đảm bảo nguồn giống hợp pháp: Khai thác hợp pháp; mẫu vật sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật; nhập khẩu hợp pháp hoặc mẫu vật từ cơ sở nuôi, trồng hợp pháp khác.
– Trong quá trình nuôi, trồng phải lập sổ theo dõi nuôi, trồng; định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, về lâm nghiệp cấp tỉnh.
2.2 Điều kiện nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES vì mục đích thương mại
Đối với động vật:
– Đảm bảo nguồn giống hợp pháp: Khai thác hợp pháp; mẫu vật sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật; nhập khẩu hợp pháp hoặc mẫu vật từ cơ sở nuôi hợp pháp khác;
– Chuồng, trại được xây dựng phù hợp với đặc tính của loài nuôi; bảo đảm các điều kiện an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh;
– Loài nuôi là loài được Cơ quan khoa học CITES Việt Nam công bố có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát; và được Cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản việc nuôi sinh sản, sinh trưởng không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài có liên quan trong tự nhiên;
– Có phương án nuôi
Đối với thực vật:
– Đảm bảo nguồn giống hợp pháp: Khai thác hợp pháp; mẫu vật sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật; nhập khẩu hợp pháp hoặc mẫu vật từ cơ sở trồng hợp pháp khác;
– Cơ sở trồng phù hợp với đặc tính của loài;
– Có phương án trồng
– Trong quá trình nuôi, trồng phải lập sổ theo dõi nuôi, trồng; định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, về lâm nghiệp cấp tỉnh.
3. Đăng ký mã số
Tổ chức, cá nhân khi đáp ứng điều kiện về nuôi trồng thì nộp hồ sơ đề nghị cấp mã số cho cơ sở nuôi trồng cho cơ quan có thẩm quyền cụ thể tại Điều 16, Điều 17 Nghị định 06/2019/NĐ-CP: Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp mã số cơ sở nuôi, trồng các loài thuộc Phụ lục I CITES.
Lưu ý:
– Trong trường hợp cơ sở nuôi, trồng đồng thời mẫu vật của nhiều loài có quy chế, bảo vệ khác nhau thì mã số của cơ sở nuôi, trồng theo loài có quy chế quản lý, bảo vệ cao nhất.
– Hủy mã số trong trường hợp: Cơ sở tự đề nghị hủy; cơ sở không đáp ứng các điều kiện nuôi, trồng; cơ sở vi phạm các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.
Kết luận: Cơ sở về các loài động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I và động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I CITES khi đáp ứng các điều kiện về nuôi trồng thì nộp hồ sơ cấp mã cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP
Chi tiết, trình tự hồ sơ xem tại đây:
Đăng ký mã số cơ sở nuôi, trồng các loài động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I và động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I CITES