21. Nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh
Tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác có nghĩa vụ phải trồng rừng thay thế nếu thuộc các trường hợp theo quy định thì sẽ được nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định Luật Lâm nghiệp 2017, Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT.
1. Một số khái niệm cơ bản
Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên (khoản 3 Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017)
Rừng tự nhiên là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung (khoản 6 Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017)
Rừng trồng là rừng được hình thành do con người trồng mới trên đất chưa có rừng; cải tạo rừng tự nhiên; trồng lại hoặc tái sinh sau khai thác rừng trồng (khoản 7 Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017)
Trồng rừng thay thế là một trong các điều kiện để chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Tuy nhiên, cá nhân tổ chức có thể nộp tiền tròng rừng thay thế thay cho việc tròng rừng thay thế. (theo khoản 4 Điều 19 Luật Lâm nghiệp 2017).
2. Quy định chung
Tổ chức, cá nhân trồng rừng thay thế phải đáp ứng các quy định chung cụ thể tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT
Tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác có nghĩa vụ phải trồng rừng thay thế.
– Trường hợp Chủ dự án không có điều kiện tự trồng rừng thay thế thì thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng để tổ chức trồng rừng theo quy định
– Trường hợp Chủ dự án tự trồng rừng thay thế nhưng còn thiếu so với diện tích phải trồng do không có đủ diện tích đất để tự trồng rừng thì thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đối với phần diện tích còn thiếu.
Lưu ý:
Kinh phí trồng rừng thay thế do Chủ dự án nộp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng được ưu tiên sử dụng theo thứ tự: trồng rừng đặc dụng; trồng rừng phòng hộ; hỗ trợ trồng rừng sản xuất; điều chuyển kinh phí để trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại địa phương khác.
3. Trường hợp trồng rừng thay thế
Chủ dự án tổ chức trồng rừng thay thế trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT gồm:
– Khi chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ hoặc rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang mục đích khác: Chủ dự án phải có diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng, được Nhà nước giao để trồng rừng theo quy định của pháp luật.
– Khi chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất là rừng trồng sang mục đích khác: Chủ dự án phải có diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển rừng, được Nhà nước giao, cho thuê để trồng rừng theo quy định của pháp luật.
4. Nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng
Tổ chức, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang trồng rừng thay thế sẽ được cơ quan có thẩm quyền giải quyết về việc nộp tiền trồng rừng thay thế, cụ thể quy định tại Điều 4 Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT
4.1 Nộp tiền trồng rừng thay thế trong trường hợp UBND cấp tỉnh bố trí đất để trồng rừng thay thế trên địa bàn
– UBND cấp tỉnh quyết định đơn giá trồng rừng, tổng số tiền phải nộp, thời gian Chủ dự án phải hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế. Đơn giá trồng rừng thay thế được tính theo mức dự toán trồng rừng (phòng hộ, đặc dụng) trên địa bàn tỉnh tại thời điểm Chủ dự án đề nghị UBND cấp tỉnh chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế;
– Đơn giá trồng rừng được xác định trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng; quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý đầu tư công trình lâm sinh; giá ngày công lao động, giá vật tư, cây giống tại địa phương.
Lưu ý:
Trường hợp Chủ dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với địa phương chưa thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng) nhưng UBND cấp tỉnh không bố trí được hoặc không bố trí đủ diện tích đất để trồng rừng thay thế: trong thời hạn 12 tháng kể từ khi Chủ dự án nộp tiền, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với địa phương chưa thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng) phải chuyển số tiền chưa sử dụng về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác.
4.2 Nộp tiền trồng rừng thay thế trong trường hợp địa phương không còn quỹ đất quy hoạch phát triển rừng để trồng rừng thay thế
Đơn giá trồng rừng thay thế do UBND cấp tỉnh nơi tiếp nhận trồng rừng thay thế quyết định tại thời điểm nhận được văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo về việc chấp thuận trồng rừng thay thế trên địa bàn, được xác định trên cơ sở: định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng; quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý đầu tư công trình lâm sinh; giá ngày công lao động, giá vật tư, cây giống tại địa phương.
Lưu ý:
Chủ dự án hoàn thành nghĩa vụ trồng rừng thay thế khi được Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng nơi Chủ dự án nộp tiền thông báo hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế.
Ngoài ra, thẩm quyền về ban hành thông báo chấp nhận phương án nộp tiền thuộc về Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh
Kết luận: Tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác có nghĩa vụ phải trồng rừng thay thế nếu thuộc các trường hợp theo quy định thì sẽ được nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh tại Luật Lâm nghiệp 2017, Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT.
Chi tiết, trình tự hồ sơ xem tại đây:
Nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh