20. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp trên lãnh thổ Việt Nam về: Thử nghiệm; Kiểm định; Giám định; Chứng nhận; Công nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp trong đó có thủ tục Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ cụ thể nội dung theo quy định Nghị định 107/2016/NĐ-CP.
1. Khái niệm
Theo quy định khoản 1, 2, 5, 12 Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007:
– Sản phẩm là kết quả của quá trình sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh hoặc tiêu dùng.
– Hàng hóa là sản phẩm được đưa vào thị trường, tiêu dùng thông qua trao đổi, mua bán, tiếp thị.
– Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là mức độ của các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
– Chứng nhận là việc đánh giá và xác nhận sự phù hợp của sản phẩm, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ với tiêu chuẩn công bố áp dụng (gọi là chứng nhận hợp chuẩn) hoặc với quy chuẩn kỹ thuật (gọi là chứng nhận hợp quy).
2. Việc chứng nhận quy định
Theo quy định khoản 3 Điều 25 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007:
– Chứng nhận hợp chuẩn được thực hiện theo thỏa thuận của tổ chức, cá nhân có nhu cầu chứng nhận với tổ chức chứng nhận;
– Việc chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện.
3. Điều kiện kinh doanh dịch vụ chứng nhận sản phẩm, hệ thống quản lý
Điều 17 Nghị định 107/2016/NĐ-CP quy định các điều kiện kinh doanh dịch vụ chứng nhận sản phẩm, hệ thống quản lý:
– Là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật.
– Có hệ thống quản lý và năng lực hoạt động đáp ứng các yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế và hướng dẫn quốc tế cho mỗi loại hình tương ứng sau đây:
+ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17065:2013 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17065:2012 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với chứng nhận chuyên ngành và các hướng dẫn liên quan của Diễn đàn Công nhận Quốc tế (IAF) hoặc tiêu chuẩn tương ứng với yêu cầu của chương trình chứng nhận đặc thù đối với hoạt động chứng nhận sản phẩm, hàng hóa;
+ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17021-1:2015 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17021-1:2015 và các hướng dẫn liên quan của Diễn đàn Công nhận Quốc tế (IAF) hoặc tiêu chuẩn tương ứng với yêu cầu của chương trình chứng nhận đặc thù đối với hoạt động chứng nhận hệ thống quản lý.
– Có ít nhất 04 chuyên gia đánh giá chính thức của tổ chức (viên chức hoặc lao động ký hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn), đáp ứng các điều kiện sau:
+ Có trình độ tốt nghiệp đại học trở lên (Khoản 6 Điều 3 Nghị định 154/2018/NĐ-CP)
+ Được đào tạo và cấp chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo về kỹ năng đánh giá chứng nhận tương ứng tại cơ sở đào tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố hoặc thừa nhận theo quy định của pháp luật.
Được đào tạo và cấp chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo về kỹ thuật chứng nhận sản phẩm chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành trong trường hợp có quy định;
+ Có kinh nghiệm đánh giá ít nhất 20 ngày công đối với chương trình chứng nhận tương ứng. (Khoản 7 Điều 3 Nghị định 154/2018/NĐ-CP)
4. Trình tự cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận
Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 107/2016/NĐ-CP:
– Trường hợp cấp mới:
+ Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản yêu cầu tổ chức chứng nhận sửa đổi, bổ sung;
+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ, bộ quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức chứng nhận theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận không quá 05 năm kể từ ngày cấp.
– Trường hợp cấp bổ sung, sửa đổi:
+ Giấy chứng nhận được cấp bổ sung, sửa đổi áp dụng đối với trường hợp tổ chức chứng nhận bổ sung, mở rộng, thu hẹp phạm vi chứng nhận;
+ Trình tự cấp Giấy chứng nhận được thực hiện theo quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này;
+ Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận ghi theo thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận đã được cấp.
– Trường hợp cấp lại:
+ Giấy chứng nhận được cấp lại áp dụng đối với trường hợp tổ chức chứng nhận có Giấy chứng nhận còn hiệu lực nhưng bị mất, hư hỏng hoặc thay đổi tên, địa chỉ của tổ chức;
+ Trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận, tổ chức chứng nhận có nhu cầu đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận phải lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Nghị định này và gửi về cơ quan tiếp nhận hồ sơ;
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, bộ quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm cấp lại Giấy chứng nhận cho tổ chức chứng nhận. Trường hợp không đáp ứng yêu cầu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do;
+ Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận ghi theo thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận đã được cấp.
Kết luận: Việc thực hiện thủ tục Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần tuân thủ theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, Nghị định 107/2016/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm chất lượng sản phẩm, hàng hóa