7. Cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản

Posted on

Cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản được thực hiện theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT, Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:

1. Một số khái niệm cơ bản

Cơ sở kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản: là nơi thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động giới thiệu, dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận chuyển hoặc buôn bán thực phẩm nông, lâm, thủy sản, muối. (khoản 4 Điều 3 Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT)

Cơ sở sản xuất ban đầu thực phẩm nông, lâm, thủy sản: là nơi thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, thu hái, đánh bắt, khai thác nông, lâm, thủy sản, sản xuất muối. (khoản 5 Điều 3 Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT)

2. Cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản

2.1. Đối tượng được cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP (khoản 2 Điều 18 Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT)

– Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh: Chủ cơ sở hoặc người được chủ cơ sở thuê, ủy quyền điều hành trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản của cơ sở;

– Người trực tiếp sản xuất kinh doanh: Người tham gia trực tiếp vào các công đoạn sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản tại các cơ sở. 

Lưu ý: Đối tượng được miễn cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP: (khoản 3 Điều 18 Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT)

– Chủ cơ sở hoặc người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản có bằng chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh từ trung cấp trở lên, trong chương trình đào tạo có nội dung về an toàn thực phẩm.

– Cơ sở sản xuất kinh doanh phải lưu giữ bản sao đã được chứng thực hợp lệ bằng cấp chuyên môn và bản photo chương trình đào tạo của các đối tượng này.

2.2. Cơ quan cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP

Cơ quan cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm là các cơ quan có thẩm quyền nêu tại Điều 5 Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT theo nguyên tắc cơ quan nào cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì cơ quan đó có thẩm quyền cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP, cụ thể là:

– Cơ quan cấp trung ương: Là các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo phân công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

– Cơ quan cấp địa phương: Do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định dựa trên phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình thực tiễn của địa phương và đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Lưu ý:

Cơ quan cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm được phân công, ủy quyền việc cấp giấy cho các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.

2.3. Quy trình xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm (Điều 11 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT)

– Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền lập kế hoạch để xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và gửi thông báo thời gian tiến hành xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho tổ chức, cá nhân.

– Kiểm tra kiến thức về an toàn thực phẩm bằng bộ câu hỏi đánh giá kiến thức về an toàn thực phẩm theo lĩnh vực quản lý.

– Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm được cấp cho những người trả lời đúng 80% số câu hỏi trở lên ở mỗi phần câu hỏi kiến thức chung và câu hỏi kiến thức chuyên ngành. Trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ ngày tham gia đánh giá (ngày kiểm tra) cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định.

2.4. Quản lý Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm (Điều 12 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT)

– Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm có hiệu lực 03 năm, kể từ ngày cấp.

– Các cá nhân đã được xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm sẽ được thừa nhận khi làm việc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh các nhóm sản phẩm tương tự.

2.5. Quy định về nội dung và bộ câu hỏi đánh giá kiến thức về an toàn thực phẩm (Điều 13 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT)

– Nội dung kiến thức về an toàn thực phẩm bao gồm kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành về an toàn thực phẩm.

– Nội dung kiến thức chung về an toàn thực phẩm bao gồm: Các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; các mối nguy an toàn thực phẩm; điều kiện an toàn thực phẩm; phương pháp bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hành tốt an toàn thực phẩm.

– Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế; Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng và ban hành hoặc trình ban hành nội dung cụ thể các tài liệu quy định ở trên và bộ câu hỏi đánh giá kiến thức về an toàn thực phẩm cho lĩnh vực quản lý của mỗi Bộ.

– Trường hợp có giao thoa về phân công nhiệm vụ thì Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương xây dựng, ban hành nội dung, tài liệu và bộ câu hỏi đánh giá kiến thức.

Lưu ý:

– Việc thẩm định, đánh giá kiến thức về an toàn thực phẩm được thực hiện bằng bộ câu hỏi trắc nghiệm bao gồm 30 câu, trong đó có 20 câu về nội dung kiến thức chung, 10 câu về nội dung kiến thức chuyên ngành, thời gian làm bài đánh giá 45 phút. (khoản 5 Điều 18 Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT)

– Tài liệu về nội dung kiến thức an toàn thực phẩm và bộ câu hỏi đánh giá kiến thức về an toàn thực phẩm do Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ trì, phối hợp với các Tổng cục, Cục chuyên ngành liên quan xây dựng, ban hành hoặc trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. (khoản 6 Điều 18 Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT)

3. Một số lưu ý

– Hồ sơ đề nghị cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, quy trình xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, quản lý giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 12 Thông tư Liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 9/4/2014 của Bộ Y tế – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Bộ Công Thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. (khoản 4 Điều 18 Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT)

– Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản phải thực hiện nộp phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành tại Thông tư 44/2018/TT-BTC. (khoản 5 Điều 24 Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT)

4. Xử phạt vi phạm hành chính

Hành vi sử dụng người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật thì cá nhân bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng, đối với tổ chức thì gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (khoản 2 Điều 3 và điểm đ khoản 3 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP)

Kết luận: Cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản là một thủ tục quan trọng. Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nộp hồ sơ đề nghị đến cơ quan có thẩm quyền, đồng thời đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT, Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản